10 sự kiện Giao thông Vận tải nổi bật trong năm 2016

VOV.VN - 10 sự kiện nổi bật của ngành Giao thông Vận tải trong năm 2016: Sập cầu Ghềnh, giảm phí hàng loạt trạm phí BOT; Tai nạn giao thông giảm…

Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí; giảm phí các trạm BOT, tăng mức phạt giao thông; bỏ biển hạn chế tốc độ 50km/h; đề xuất phê duyệt tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, nhiều sân bay quá tải…là những sự kiện nổi bật của ngành giao thông trong năm 2016. Trước thềm năm mới 2017, VOV.VN xin điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành Giao thông Vận tải năm 2016.

1. Sập cầu Ghềnh

Do sự cố sập cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai vào cuối tháng 3/2016 đã khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt hoàn toàn đồng thời dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 8% sản lượng và doanh thu của ngành đường sắt đưa ra là không thể thực hiện. Theo thống kê, sản lượng và doanh thu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị thiệt hại lên tới 535 tỷ đồng.

Hiện trường sập cầu Ghềnh

Sau ba tháng thi công khẩn trương, cầu Ghềnh mới đã nối thông toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam vào ngày 25/6, vượt tiến độ dự kiến ban đầu 20 ngày (ngày 15/7 thông tuyến đường sắt theo chỉ đạo của Thủ tướng).

2. Giảm phí hàng loạt các trạm phí BOT

Những bất cập về tổng mức đầu tư, mức thu phí cao, lộ trình tăng phí và khoảng cách giữa các trạm phí là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp vận tải và người dân. Sau đó, Chính phủ đã có chủ trương yêu cầu các dự án BOT phải giảm phí từ 10-15%, đại diện các nhà đầu tư đều chấp hành và nghiên cứu mức giảm phù hợp với loại nhóm xe.

Thời gian qua người dân cả nước đã phải chú ý khi người dân ở đầu cầu Bến Thủy liên tục phản đối trạm thu phí này.

Nhiều tuyến BOT đã giảm phí như QL5, QL10 trạm cầu Tân Đệ, một số trạm trên tuyến QL1…

Tuy nhiên, giảm phí BOT một mặt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải nhưng cũng khiến nhà đầu tư lo ngại phải đối mặt với nguy cơ rủi ro tài chính.

3. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm

Trong năm vừa qua, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Khoảng 4h ngày 22/5, tại km1730+300, quốc lộ 1 (thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 13 người chết, 39 người bị thương.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 11 tháng của năm 2016, cả nước có 7.907 người tử vong vì tai nạn giao thông và đây là năm thứ 4 liên tiếp, số người tử vong vì tai nạn giao thông giảm dưới 9.000 người và mức giảm này là thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

4. Hacker tấn công sân bay và website của Vietnam Airlines

Hệ thống thông tin tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng trang web chính thức của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bị tin tặc (hacker) nhóm China 1937 tấn công bằng cách chèn hình ảnh và nội dung câu chữ xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc các nội dung về Biển Đông.

 Ảnh chụp màn hình

Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chỉ đạo các cảng hàng không, cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an ninh hàng không…nhằm ngăn chặn vụ việc tương tự.

5. Xin làm tuyến đường cao tốc Bắc-Nam

Bộ Giao thông Vận tải đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 cần khoảng 229.829 tỷ đồng.

Quốc lộ 1 đoạn qua Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phân chia phương án kiến nghị thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần có thể đảm bảo các đoạn tuyến có thể khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí hợp lý (nhỏ hơn 25 năm).

6. Bác đề xuất mua 160 toa tàu cũ từ Trung Quốc

Tổng công ty Đường sắt đã có chủ trương nhập khẩu 160 toa xe hàng của Trung Quốc khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Nhiều tập thể, cá nhân ngành đường sắt bị kiểm điểm liên quan đến vụ đầu tư mua toa tàu cũ đã qua sử dụng vào khai thác.

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, mục dự án đầu tư toa xe chỉ được đầu tư đóng mới toa xe, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng.

Bộ Giao thông Vận tải cách chức Tổng giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vì đề xuất này đồng thời yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban Lãnh đạo Tổng công ty và các cán bộ có liên quan.

7. Đổi giấy phép lái xe

Đầu tháng 12 năm nay, người dân cả nước đã nháo nhào đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố để xin đổi Giấy phép lái xe (GPLX). Nguyên nhân là trong Điều 57, Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có GPLX bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại GPLX.

Đầu tháng 12 năm nay, người dân cả nước đã nháo nhào đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố để xin đổi Giấy phép lái xe  do một số nội dung quy định không rõ ràng. (Ảnh: KT)

Do có quá nhiều bất cập, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã có văn bản “tuýt còi” và đề nghị Bộ GTVT tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại điều 57 và rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra.

Sau đó, Bộ GTVT đã phải tiếp thu và sửa đổi Thông tư 58 theo hướng bãi bỏ chế tài quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đi đổi GPLX sang thẻ PET theo lộ trình.

8. Hành khách tăng, ồ ạt đầu tư đội bay

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2016, thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015.

Các hãng hàng không như Jetstar Pacific đặt mua 10 máy bay thế hệ mới Airbus A320 CE0 Sharklet, Vietjet Air ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200.

Năm 2016 cũng là năm tăng trưởng nóng của nhiều hãng hàng không, trong đó có hãng hàng không Vietjet.

9. Thi tuyển kiến trúc sân bay quốc tế Long Thành

Các phương án kiến trúc nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành bắt đầu được triển lãm, lấy ý kiến người dân tại 4 tỉnh, thành (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh).

Việc lựa chọn phương án cuối cùng dựa trên đánh giá chuyên môn của Hội đồng tuyển chọn và ý kiến của cộng đồng.

Một trong các mẫu kiến trúc sân bay Long Thành được trưng bày lấy ý kiến người dân thủ đô Hà Nội tại triển lãm Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội.

10. Ùn tắc ở các sân bay lớn

Hiện nay, tình trạng tắc nghẽn hạ tầng sân bay đang diễn ra ở hầu hết các sân bay lớn, đặc biệt nghiêm trọng là Tân Sơn Nhất, trong khi sân bay Long Thành phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành, sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng…cũng đã bắt đầu quá tải.

Sân bay Cần Thơ được đề nghị san tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco về việc nghiên cứu, báo cáo kế hoạch đậu lại tàu bay qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Cần Thơ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Cục HKVN, hiện nay, mật độ khai thác bay tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tăng chuyến và mở mới các đường bay nội địa, số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên