Nghĩa tình quân dân nơi biên giới

VOV.VN - Ngày đêm bám bản, bám dân, hết lòng giúp đỡ đồng bào, những người lính Biên phòng ngày càng được bà con thương yêu.

Hình ảnh "Người thầy giáo, thầy thuốc mang quân hàm xanh”, từ lâu đã quá đỗi thân quen với đồng bào Pa Cô trên tuyến biên giới Việt - Lào ở vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày đêm bám bản, bám dân, hết lòng giúp đỡ đồng bào, những người lính Biên phòng ngày càng được bà con thương yêu.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Hồng Vân tặng qùa cho gia đình Kim Em, Kim Út.

Trong đêm tối, mưa gió giật liên hồi, mấy chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân vượt qua bùn lầy chuyển từng cây gỗ, tấm lợp dựng lại nhà ở cho bà con Pa Cô ở xã Hồng Thủy vừa bị gió quật ngã. Chiến sỹ Hồ Xuân Mia, Đội Phó Đội vận động quần chúng xã Hồng Trung cho biết, lũ quét qua quá mạnh, 3 ngôi nhà trong bản bị gió giật đổ sập, nhiều người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất. Nhìn cảnh người già, trẻ nhỏ co ro bên đống lửa tàn giữa đêm đông giá lạnh, các anh không khỏi chạnh lòng.

Anh Hồ Xuân Mia trải lòng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào đầy vất vả nhưng được bà con yêu thương, đùm bọc anh cảm thấy nơi đây như quê hương thứ 2 của mình: “ Qua cùng ăn, cùng ở, cùng làm mình cũng được bà con tin yêu. Học được tiếng dân tộc mình cũng hiểu thêm phong tục để mà xây dựng thôn xóm, làng bản, làm sao mà ổn định về kinh tế, chính trị, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị”.

Đồn Biên phòng Hồng Vân quản lý địa bàn 3 xã Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế với gần 17 km đường biên giới Việt – Lào. Thực hiện  phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm gần đây, nhiều chiến sỹ Biên phòng đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con.

Ban ngày, các anh lên rẫy giúp bà con tăng gia sản xuất, tối đến lại dạy chữ, xóa mù cho người già, trẻ nhỏ. Khi nào bà con cần, các anh đều có mặt, giúp đỡ bà con, từ việc khám chữa bệnh, đỡ đẻ, xây nhà, làm đường nông thôn… Vào năm học mới, nhiều em không được đến trường, các anh đến tận nhà vận động gia đình cho các em ra lớp. Hàng tháng, Đồn trích Quỹ “Nâng bước em đến trường” giúp đỡ 11 trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng cùng nhiều sách vở, đồ dùng học tập.

Bộ đội Biên phòng giúp dân sửa đường.

Câu chuyện mấy chú bộ đội Biên phòng đỡ đầu 2 chị em Hồ Kim Em và Hồ Kim Út ở thôn 4, xã Hồng Thủy được đến trường được nhiều người dân nơi đây ca tụng. Hoàn cảnh 2 chị em Kim Em và Kim Út  hết sức đặc biệt. Cả 2 mồ côi mẹ lúc mới biết đi, bố là người Lào sau khi mẹ mất cũng bỏ về nước, để lại 2 chị em cho ông bà ngoại già yếu nuôi dưỡng, ông ngoại lại mắc bệnh tâm thần. Thương cảnh bà cháu bữa đói, bữa no, Đồn Biên phòng Hồng Vân đã nhận đỡ đầu chăm sóc Kim Em, Kim Út. Ngoài hỗ trợ tiền hàng tháng, lo cho 2 cháu đến trường, các anh còn quyên góp được hơn 25 triệu đồng sửa lại ngôi nhà dột nát cho mấy bà cháu có chỗ trú mưa, tránh nắng; đồng thời lập 1 sổ tiết kiệm cho bé Kim Em.

Bà ngoại của Kim Em, Kim Út không khỏi xúc động mỗi khi nhắc đến Bộ đội Biên phòng: “Gia đình khó khăn nhờ các chú Đồn Biên phòng Hồng Vân đỡ đầu, giúp đỡ cho sách vở, đồ dùng học tập, quần áo nên cả 2 bé Kim Em và Kim Út nay đều đã được đến trường. Ngoài ra Đồn còn làm cho vợ chồng tui 1 căn nhà có chỗ để che mưa, che nắng. Vợ chồng tui cám ơn mấy chú bộ đội biên phòng suốt đời”.

Ngoài việc giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ; cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hồng Vân không quên nhiệm vụ tuần tra biên giới, bảo vệ từng cột mốc chủ quyền. Đại úy Hồ Văn Việt, Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Hồng Vân cho biết, đường biên giới Việt - Lào đi lại khó khăn, phải đu dây, vượt suối, mỗi lần đi tuần tra phải mất 3 ngày đi bộ, đêm đến làm lán nghỉ tạm trong rừng.

Bộ đội Biên phòng dựng lại nhà cho bà con sau lũ.

Đại úy Hồ Văn Việt nói: “Đoạn biên giới của Huế nằm ở lưng chừng núi và trên đình núi giáp với Lào. Khi các cửa khẩu chính mà người ta làm quyết liệt thì các đường tiểu ngạch là nơi các đối tượng lợi dụng để buôn bán, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm. Chúng tôi vừa thành lập được 7 tổ tự quản đường biên mốc giới. Chính họ là tai mắt, đánh động đầu tiên cho bộ đội biên phòng trong bảo vệ biên giới”.

“Đồng bào Pa Cô chúng tôi biết ơn bộ đội nhiều lắm” - Đó là lời bộc bạch chân tình của già làng Quỳnh Ngãi xã Hồng Thủy, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những người lính trẻ nơi biên cương luôn ngày đêm bám bản, bám dân, giữ chắc tay sung, bảo vệ vững chắc từng đường biên, cột mốc của Tổ quốc ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh: Thủ tướng thăm hỏi, động viên đồng bào vùng lũ Bình Định
Hình ảnh: Thủ tướng thăm hỏi, động viên đồng bào vùng lũ Bình Định

VOV.VN - Chia sẻ với những mất mát của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên bà con đoàn kết, tương trợ, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn.

Hình ảnh: Thủ tướng thăm hỏi, động viên đồng bào vùng lũ Bình Định

Hình ảnh: Thủ tướng thăm hỏi, động viên đồng bào vùng lũ Bình Định

VOV.VN - Chia sẻ với những mất mát của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên bà con đoàn kết, tương trợ, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn.

Thủ tướng: Đừng để người dân “màn trời chiếu đất” lúc khó khăn này
Thủ tướng: Đừng để người dân “màn trời chiếu đất” lúc khó khăn này

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Bình Định ra một chỉ thị hay thông báo yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức liên quan hỗ trợ người dân vùng lũ.

Thủ tướng: Đừng để người dân “màn trời chiếu đất” lúc khó khăn này

Thủ tướng: Đừng để người dân “màn trời chiếu đất” lúc khó khăn này

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Bình Định ra một chỉ thị hay thông báo yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức liên quan hỗ trợ người dân vùng lũ.