Trường ngoài công lập đang được “thả xổng” học phí?

VOV.VN - Học phí các trường ngoài công lập đều do thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục không có vai trò giám sát vấn đề này.

Ngày nay, bên cạnh hệ thống giáo dục công lập, do nhà nước làm chủ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư vào giáo dục, đem lại sự thay đổi, đa dạng trong lựa chọn cho các bậc phụ huynh. Theo Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định 86 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống  giáo dục quốc dân, các trường ngoài công lập, bao gồm cả đại học lẫn phổ thông đều được “tự xác định học phí”.

Học phí các trường ngoài công lập đều do nhà trường và phụ huynh tự quyết. (Ảnh minh họa)

Do đó mức học phí trường tư hoàn toàn là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Cũng bởi vậy, khi tăng học phí không tìm được tiếng nói chung, sẽ dễ xảy ra những bức xúc đối với phụ huynh như những ngày qua ở Hà Nội.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, cơ quan này biết rõ chuyện “lùm xùm” phụ huynh phản ứng vì việc tăng học phí của một trường tư nhưng lại hoàn toàn bất lực vì theo Luật Giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước không có thẩm quyền quản lý việc thu chi của các trường này: “Các trường tư hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Sở chỉ được giám sát về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, còn về tài chính, không có có một câu nào  trong Luật để cơ quan quản lý giáo dục địa phương như chúng tôi có thể theo dõi, can thiệp, điều chỉnh. Chỉ các cơ quan về thuế mới được giám sát vấn đề tài chính của trường”.

Đối với các trường công lập, việc tăng học phí được thực hiện theo quyết định của Hội đồng Nhân dân thành phố dựa theo Nghị định số 86 của Thủ tướng Chính phủ. Mức tăng dựa trên thu nhập bình quân đầu người hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng…. Tuy nhiên, những quy định về mức học phí này hoàn toàn không được áp dụng với các trường ngoài công lập. “Đối tượng này đang được thả xổng về học phí. Luật duy nhất hiện nay là thông tư 09 về 3 công khai trong các trường học, trong đó có quy định về việc tăng học phí để làm gì, các trường phải nêu rõ. Còn tăng bao nhiêu, tăng như thế nào thì hoàn toàn không có quy định”.

Theo ông Cẩn, luật giáo dục nên có điều chỉnh bổ sung, theo đó các địa phương phải có quy định về mức trần học phí cho các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, cũng nên để cho các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương như Sở GD-ĐT các tỉnh được giám sát việc thu chi học phí của các trường tư đóng trên địa bàn. “Phải tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động, tuy nhiên vẫn phải có cơ chế giám sát chặt chẽ”, ông Cẩn cho biết. 

PGS TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đồng quan điểm cho rằng việc tăng học phí của các trường ngoài công lập vẫn phải có sự giám sát của Nhà nước, đặc biệt là các Sở GD-ĐT tại địa phương, không thể để các trường muốn làm gì thì làm. 

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng các Sở GD-ĐT địa phương cần có trách nhiệm giám sát hoạt động của các trường tư trên địa bàn, bao gồm cả vấn đề học phí. 

“Học phí trường tư xưa nay do phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận. Nhưng đến khi mức học phí tăng quá đáng, khiến phụ huynh phản ứng dữ dội thì cần phải có vai trò quản lý của nhà nước. Mức học phí mà các trường đưa ra phải phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Các cơ quan quản lý cần phải xem xét nghiêm túc ý kiến phản ánh của phụ huynh. Các trường được tự do nhưng là tự do trong khuôn khổ. Mục đích cuối cùng của các cơ quan Nhà nước vẫn là bảo vệ quyền lợi của người dân”. 

Ngoài ra, ông Nhĩ cho biết, như các trường đại học hiện nay cũng đều được Bộ giao cho quyền tự chủ, tuy nhiên vẫn có khung học phí chung, mỗi năm không thu quá 20 triệu. Đối với các trường ở bậc phổ thông ngoài công lập cũng nên có khung như vậy, quy định phân mức chất lượng các trường, từ đó đưa ra trần học phí theo từng bậc. “Không thể để các trường vin vào việc thỏa thuận mà hét mức học phí trên trời, đến nửa tỷ mỗi kỳ như một trường tư ở Hà Nội là quá đáng. Hơn nữa việc tăng học phí cũng cần có lộ trình, biên độ rõ ràng để các phụ huynh chuẩn bị sẵn tinh thần”, ông Nhĩ nêu rõ.

Quyết sai, các trường sẽ tự diệt

Nói về vấn đề này, TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiên định quan điểm giáo dục phổ thông công lập nên là dịch vụ công thiết yếu và không nên áp dụng kinh tế thị trường. Song các trường ngoài công lập thì được điều tiết theo quy luật của kinh tế thị trường. “Các trường tự tham gia thị trường giáo dục, cung cấp một dịch vụ giáo dục được định giá trên cơ sở cung cầu và cơ chế cạnh tranh”.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng cần đẩy mạnh cơ chế giám sát trong giáo dục. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Tiến cho rằng: “Học phí của các trường tư thục nên để các trường tự quyết như luật hiện hành, nếu quyết đúng có thể tồn tại, nếu quyết sai, sẽ không tồn tại, giống như doanh nghiệp khi kinh doanh, khi không xác định đúng chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đó sẽ phải lãnh hậu quả, thậm chí phá sản”. 

Trong vấn đề học phí của các trường ngoài công lập, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, Nhà nước vẫn có những cơ chế riêng đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người học thông qua việc giám sát chất lượng đào tạo của các trường, yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai. “Về pháp lý, luật đã yêu cầu các trường phải công khai về chất lượng đào tạo, tài chính. Vấn đề ở đây là cơ chế giám sát hiện nay còn yếu, dẫn đến các trường lợi dụng kẽ hở quản lý để thao túng. Tôi cho rằng, cần tăng mạnh cơ chế giám sát, trong giáo dục, bao giờ cũng phải đặt vấn đề đảm bảo quyền lợi, chất lượng cho người học lên hàng đầu. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, để các trường tự tung tự tác như hiện nay sẽ dẫn đến những hậu quả rất phiền toái”, ông Tiến lo ngại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội tăng học phí  ở mầm non cao nhất là 30.000 đồng/tháng
Hà Nội tăng học phí ở mầm non cao nhất là 30.000 đồng/tháng

VOV.VN - HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập...

Hà Nội tăng học phí  ở mầm non cao nhất là 30.000 đồng/tháng

Hà Nội tăng học phí ở mầm non cao nhất là 30.000 đồng/tháng

VOV.VN - HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập...

Miễn học phí cho HS sau sự cố môi trường biển: Nơi có nơi không
Miễn học phí cho HS sau sự cố môi trường biển: Nơi có nơi không

VOV.VN - Thực hiện Quyết định, nhiều tỉnh chủ động hỗ trợ nhưng có địa phương chưa thực hiện, các sinh viên Đại học không được miễn như quy định.

Miễn học phí cho HS sau sự cố môi trường biển: Nơi có nơi không

Miễn học phí cho HS sau sự cố môi trường biển: Nơi có nơi không

VOV.VN - Thực hiện Quyết định, nhiều tỉnh chủ động hỗ trợ nhưng có địa phương chưa thực hiện, các sinh viên Đại học không được miễn như quy định.

Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?
Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?

VOV.VN - Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính.

Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?

Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?

VOV.VN - Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học không thu học phí vượt trần
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học không thu học phí vượt trần

VOV.VN -Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường học không thu học phí vượt trần và đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện giãn thời gian thu, tránh thu cùng một thời điểm...

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học không thu học phí vượt trần

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học không thu học phí vượt trần

VOV.VN -Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường học không thu học phí vượt trần và đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện giãn thời gian thu, tránh thu cùng một thời điểm...