Bộ trưởng Đinh La Thăng và ba khâu đột phá

VOV.VN -Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi luôn nhắc nhở bản thân và cấp dưới không thể bằng lòng với những gì mình đã và đang làm. Mọi mục tiêu đều còn dang dở, đều có nguy cơ không thành công nếu chủ quan, tự mãn…”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

“Tôi không muốn đổ một phần lỗi cho người tham gia giao thông. Nếu đường thông hè thoáng, phương tiện được kiểm soát về kỹ thuật, tải trọng, pháp luật nghiêm minh..., thì tai nạn sẽ còn giảm sâu và giảm nhanh hơn nữa… Chúng tôi coi việc giảm tai nạn giao thông là một nghĩa vụ đạo đức, gắn chặt với việc thực hiện các nhiệm vụ khác. Tôi luôn nhắc nhở bản thân và cấp dưới không thể bằng lòng với những gì mình đã và đang làm. Mọi mục tiêu đều còn dang dở, đều có nguy cơ không thành công nếu chủ quan, tự mãn…”.

Năm 2011 khi vừa nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát biểu: “Là tư lệnh phải cho tôi toàn quyền quyết định”. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi”. Và vị tư lệnh ngành giao thông đặt ra 3 mục tiêu: Giảm tai nạn, giảm ùn tắc và đột phá xây dựng hạ tầng giao thông.

Mới nhậm chức, với phong cách là con người của công việc, nay người ta thấy ông ở công trình này, mai thấy ông ở công trình kia để kiểm tra, đốc thúc tiến độ các công trình trọng điểm. Dự án Cảng sân bay Đà Nẵng chậm tiến độ, Bộ trưởng đã “trảm tướng” ngay tại công trường. Tại các dự án chậm trễ tiến độ, sau khi nghe báo cáo, phân tích sâu sắc, ông đã có chỉ đạo kiên quyết như yêu cầu chủ đầu tư thay một loạt các nhà thầu yếu kém… Với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt trong điều hành của Bộ trưởng, tiến độ các công trình nhanh lên trông thấy, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Hơn 4 năm qua, ngành giao thông đã đầu tư nâng cấp, xây mới khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m cầu, trong đó có 704km đường cao tốc, vượt 104km so với kế hoạch đề ra. Cả nước cũng đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo được hơn 131.000km đường giao thông nông thôn. Nhiều dự án hoàn thành sớm hơn so với thời gian đề ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ... Nhiều sân bay mới được đưa vào khai thác như Phú Quốc, Thọ Xuân, Đà Nẵng, Vinh, đặc biệt là nhà ga T2 sân bay Nội Bài... đưa tổng năng lực thông quan qua các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên mức 70 triệu hành khách năm 2015. 

Tại các đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các dự án tuyến đường sắt đô thị đang được đốc thúc tiến độ, về đích. Rõ ràng, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã phát huy và thực hiện tốt truyền thống “đi trước mở đường”. Đánh giá về thành quả ngành giao thông đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong gần hết nhiệm kỳ qua, ngành GTVT đã hoạt động vô cùng sôi động, nhiều mặt thành công, để lại dấu ấn, kết quả tốt đẹp, được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Từ Nam chí Bắc, từ miền Trung đến Tây Nguyên, từ đồng bằng đến miền núi… đều nhìn thấy sự thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ, ghi lại dấu ấn của ngành GTVT.

Với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, khác với những người tiền nhiệm trước, Bộ trưởng Thăng đã thực hiện một loạt các giải pháp như: Đổi giờ làm việc; ngăn giải phân cách, biển báo; tăng cường lực lượng thanh tra giao thông hướng dẫn phương tiện giao thông đi đúng làn đường; tuyên chiến với xe quá khổ, quá tải; rồi đến việc phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hằng năm tổ chức “Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”… 

Vấn đề giao thông trở lên nóng bỏng khi trên các mặt báo, nhà quản lý, chuyên gia, người dân lên tiếng, bình luận, phân tích các giải pháp của ngành GTVT, đồng tình cũng có, phản đối cũng có. Chưa bao giờ, vấn đề giao thông lại được cả xã hội đặc biệt quan tâm đến như vậy! Vấn đề “nóng” của ngành giao thông giờ không chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông mà là của cả xã hội. Rõ ràng, cách làm của Bộ trưởng Thăng đã “thu hút” được cả xã hội cùng chung tay giải quyết vấn đề “nóng” của ngành giao thông. Trong mỗi chúng ta tự nhận thức, khi lưu thông trên đường, nếu không phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng chất kích thích… thì không thể xảy ra ùn tắc, không thể xảy ra tai nạn giao thông.

Sau 4 năm với nhiều biện pháp, tai nạn và ùn tắc giao thông đã giảm và góp phần làm giảm 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) hằng năm. Việt Nam đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về an toàn giao thông, giảm tỷ lệ tử vong dưới 10 người/100.000 dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên