Cấm thi tuyển vào lớp 6: Lo đến lượt phụ huynh..."thi"?

Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6 trên toàn quốc khi chỉ còn ba
tháng nữa là phải tuyển sinh cho năm học mới, khiến nhiều Sở GD&ĐT
cũng như các trường liên quan bối rối!

Thực ra nội dung của cái mệnh lệnh hành chính này không có gì mới, chẳng qua đây chỉ là thái độ “cương quyết” đến bất ngờ của Bộ, gần như mâu thuẫn với động thái “làm ngơ” trước một thực tiễn hiển nhiên diễn ra từ hơn chục năm nay.

Theo công văn mà Bộ gửi cho các Sở GD&ĐT ngày 17/3 cũng như giải thích với báo giới sau khi có công văn trên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết không phải đến bây giờ mà từ năm 1996 - thời điểm Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII được ban hành - toàn ngành giáo dục đã thực hiện không có trường chuyên lớp chọn ở các cấp  tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trên thực tế mô hình “trường chuyên” cấp THCS vẫn tồn tại khắp nơi mà đặc điểm tiêu biểu để nhận diện là hình thức tuyển sinh “đặc quyền” (không phân tuyến), và hiện tượng “lớp chọn” cũng khá phổ biến được nấp dưới hình thức phân lớp theo năng lực - sở thích. Chẳng hạn, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam hàng năm vẫn tổ chức thi tuyển vào lớp 6  với đối tượng tuyển sinh rộng khắp trên địa bàn Hà Nội, năm ngoái khoảng 4.200 HS dự thi chỉ lấy có số lẻ là 200, trung bình mỗi phòng thi chỉ đỗ có 1 HS. Hoặc ở TPHCM có một trường vẫn được gọi  là “chuyên Trần Đại Nghĩa” rất nổi tiếng. Nhưng chưa bao giờ, Bộ có một động thái nhắc nhở, yêu cầu các địa phương chấn chỉnh hay dẹp bỏ những mô hình này.

Thật ra rất khó mà “dẹp” khi xét từ góc độ sư phạm cũng như thực tiễn giáo dục, sự tồn tại của “trường chuyên”, “lớp chọn” từ cấp THCS là rất có cơ sở. Vì thế trong dư luận rất nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, không hiểu mục đích chính của việc cấm thi vào lớp 6 là gì? Theo nhiều người, với mệnh lệnh của Bộ, cuộc chạy đua giờ chỉ chuyển từ học sinh (đua học thêm, đua học thi, đua thi cử) sang phụ huynh mà thôi chứ sẽ không bao giờ ngừng lại, bởi cái cốt lõi của phát triển chính là sự cạnh tranh.

Hơn nữa, cứ nhìn vào các “trường chuyên” hiện nay sẽ thấy rõ ràng có sự bất bình đẳng trong đầu tư cho giáo dục, trong khi mong muốn được học ở môi trường tốt nhất là nhu cầu chính đáng của mỗi người, do vậy đòi hỏi học sinh - phụ huynh ngưng “chạy đua” là điều phi lý. Vấn đề ở chỗ cơ quan chức năng phải tạo ra được một hành lang pháp lý đảm bảo sự đua tranh minh bạch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên