Nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ qua đời

Bà Sally Ride, nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ, vừa qua đời ở tuổi 61 sau 17 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy.  

Nữ phi hành gia người Mỹ ra đi tại nhà riêng ở La Jolla, bang California.

Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle đã gửi lời chia buổn sâu sắc  về sự ra đi của nữ phi hành gia Sally Ride.

Bà Ride là phi hành gia nữ đầu tiên của Mỹ bay vào vũ trụ (Ảnh: TMZ)

Tổng thống Obama nói: “Là người phụ nữ đầu tiên của Mỹ bay vào vũ trụ, Sally là anh hùng quốc gia và là một hình mẫu mạnh mẽ. Bà là nguồn cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ theo đuổi giấc mơ vươn tới các vì sao. Cuộc đời Sally cho chúng ta thấy không hề có giới hạn cho những gì chúng ta có thể đạt được”.

Theo tư liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ ( NASA), bà Ride trở thành ứng cử viên phi hành gia vào năm 1978 khi đang là nhà vật lý. Năm 1983, bà bay vào vũ trụ trên tàu Challenger ở tuổi 32, vừa trở thành người mở đường cho phi hành gia nữ bay vào vũ trụ, vừa là phi hành gia Mỹ trẻ nhất lúc đó.

Bà đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau cả trên mặt đất và trong không gian cho đến khi rời NASA năm 1987. Năm 1989, bà Sally Ride làm giáo sư vật lý tại Viện Không gian California của Đại học California và sau này thành giám đốc của viện này.

Nhắc đến chuyến bay lịch sử, bà Ride từng nói: “Bay vào vũ trụ là niềm vui lớn nhất mà tôi từng có trong đời”. Năm 1984, bà lại bay lần nữa và sau đó làm việc trong Ủy ban điều tra thảm họa của tàu Challenger.

Năm 2001, bà thành lập quỹ Khoa học Sally Ride để ủng hộ sinh viên, đặc biệt là nữ sinh, nghiên cứu khoa học. Trong một bài phát biểu hồi tháng 3 vừa qua ở Pennsylvania, bà Ride nói: “Định kiến phụ nữ không giỏi toán không phải là lý do khiến phụ nữ không hoạt động nhiều trong lĩnh vực khoa học. Nguyên nhân nằm ở nền văn hóa của chúng ta và những khuôn mẫu có sẵn vẫn tồn tại trong xã hội. Bạn thử nói một đứa trẻ vẽ chân dung một nhà khoa học xem. Chắc chắn nó sẽ vẽ một người đàn ông có vẻ lập dị kiểu như Einstein, mặc áo choàng trắng, không bạn bè, làm việc thâu đêm suốt sáng trong một phòng thí nghiệm không cửa sổ lẫn cửa ra vào. Làm gì có bé gái 12 tuổi nào chịu trở thành nhà khoa học với viễn cảnh như thế”.

Được biết, phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1963, nhưng phải mất 20 năm sau NASA mới làm được điều tương tự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên