Nếu thi chung sẽ không đánh giá được năng lực học sinh

VOV.VN - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho rằng nếu vẫn thi chung sẽ không đánh giá được năng lực học sinh.

Cuối tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông qua Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Những vấn đề mà xã hội quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT có được tổ chức nữa hay không, sắp xếp giáo viên ra sao, lộ trình triển khai… được quy định như thế nào trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể? PV VOV phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về các nội dung này.

G.S Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần đổi mới thi cử và chất lượng đào tạo giáo viên. (Ảnh Dân trí).
PV: Thưa ông, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua ngày 27/7. Theo ông, các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên hiện nay sẽ phải thay đổi như thế nào để triển khai chương trình mới?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết về điều kiện cán bộ quản lý và giáo viên phải đạt chuẩn. Trước khi triển khai thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn kỹ hơn, làm sao để tất cả giáo viên có thể trực tiếp nghe người soạn thảo chương trình, người biên soạn sách giáo khoa trình bày ý tưởng, trình bày về phương pháp dạy học và nếu giao lưu qua mạng trực tuyến thì giáo viên cũng có thể tương tác với báo cáo viên.

Về các điều kiện cơ sở vật chất, điều mà chúng tôi nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ của các trường, diện tích lớp học, ánh sáng, trang thiết bị, thư viện và sĩ số học sinh trong lớp. Nếu bây giờ một sĩ số học sinh trong lớp quá đông thì rất khó thực hiện đổi mới phương pháp.

Một vấn đề nữa cũng phải đổi mới là cách thi cử, bởi vì nếu chúng ta vẫn thi chung như hiện nay thì rất khó đánh giá được năng lực thực tiễn của học sinh. Tôi nghĩ đây là một số điều kiện phải quan tâm, nhưng điều kiện số 1 là giáo viên.

PV: Như ông vừa nói là điều kiện số 1 để thực hiện chương trình mới là giáo viên. Vậy ông có lo ngại sẽ xảy ra tình trạng dôi dư giáo viên ở các môn học giảm bớt thời lượng so với hiện nay và thiếu giáo viên ở các môn học mới như nghệ thuật, âm nhạc hay không?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Về việc thiếu giáo viên nghệ thuật thì chắc chắn điều đó xảy ra. Bởi vì hiện nay ở các trường THPT thì hầu hết không có giáo viên nghệ thuật. Tôi nghĩ là bây giờ mà mình đòi hỏi có ngay 100% các giáo viên các môn học thì rất là khó. Nhưng nếu các trường mà chưa có giáo viên nghệ thuật thì học sinh được quyền sang học ở trường bên cạnh, hoặc là đến học một số học phần ở các trường nghệ thuật ở địa phương. Trong chương trình thì cũng quy định rõ là nhà trường được quyền bố trí các tổ hợp môn học làm sao cho phù hợp với nguyện vọng học sinh, đồng thời phù hợp với điều kiện đáp ứng ở trường mình.

Về việc liệu có dư thừa giáo viên không thì với cách xác định các môn học ở trung học phổ thông hiện nay thì tôi nghĩ là khả năng dư giáo viên là khó. Vì các trường được quyền bố trí tổ hợp môn học phù hợp với nguyện vọng học sinh, nhưng đồng thời phù hợp với điều kiện trường mình. Thứ 2 là học sinh được lựa chọn tới 5 môn học và mỗi nhóm môn phải chọn ít nhất 1 môn, cộng với 5 môn học bắt buộc, cộng với hoạt động trải nghiệm, với nội dung giáo dục địa phương thì tôi nghĩ là cũng không ảnh hưởng đến công ăn việc làm của giáo viên.

PV: Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể công bố vào tháng 4 năm nay là sẽ không tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, nhưng trong dự thảo mới được phê duyệt lại không nói rõ về vấn đề này. Lý do vì sao lại có sự thay đổi này thưa ông?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Dự thảo cũ có quy định là học sinh tích lũy đủ kết quả các môn học được nhà trường đánh giá thì được xét công nhận tốt nghiệp. Chúng tôi cũng thấy đấy là điều kiện để thực hiện chương trình bởi vì đây là một chương trình đòi hỏi thực hành rất là nhiều. Nếu chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi chung, kể cả kỳ thi ở cấp tỉnh thôi thì cũng rất khó đánh giá được năng lực thực hành của học sinh. Những cuộc thi ấy, kể cả tuyển sinh đại học mà chỉ dựa trên một vài môn học thôi thì nó sẽ tác động ngược trở lại với quá trình học, làm cho học sinh, giáo viên duy trì nếp là thi gì học nấy, thi cách gì học cách nấy.

Bây giờ phải có quy định mới để thực hiện một nếp mới là học gì thi nấy, học theo cách gì, thi theo cách nấy. Tức là thi sẽ tác động rất lớn đến quá trình dạy học và đổi mới thi cử là một trong những biện pháp, điều kiện để hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình này. Thế nhưng khi đưa ra Hội đồng thẩm định thì Hội đồng thẩm định đề nghị chúng tôi là không nên quy định như vậy vội bởi vì hiện nay Luật Giáo dục vẫn quy định thi tốt nghiệp THPT và Nghị quyết 88 của Quốc hội vẫn là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Còn nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Còn nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VOV.VN - Chương trình giáo dục phổ thông mới cần giảm bớt phần lý thuyết và tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.    

Còn nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Còn nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VOV.VN - Chương trình giáo dục phổ thông mới cần giảm bớt phần lý thuyết và tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.    

Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có giảm áp lực cho học sinh?
Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có giảm áp lực cho học sinh?

VOV.VN - "So với chương trình lần trước thì lần này cũng đã có những tiến bộ hơn nhưng vẫn băn khoăn ở chỗ có giảm bớt áp lực cho học sinh hay không"?  

Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có giảm áp lực cho học sinh?

Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có giảm áp lực cho học sinh?

VOV.VN - "So với chương trình lần trước thì lần này cũng đã có những tiến bộ hơn nhưng vẫn băn khoăn ở chỗ có giảm bớt áp lực cho học sinh hay không"?  

Đề xuất giải pháp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới
Đề xuất giải pháp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới

VOV.VN - Lãnh đạo các trường học cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cần được quan tâm nhiều hơn nữa khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Đề xuất giải pháp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới

Đề xuất giải pháp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới

VOV.VN - Lãnh đạo các trường học cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cần được quan tâm nhiều hơn nữa khi thực hiện chương trình GDPT mới.