Triển vọng mờ mịt sau hội đàm Trung - Nhật về đảo tranh chấp

Nguồn tin từ Bắc Kinh cho rằng việc Nhật Bản cho phép Đại hội người Duy Ngô Nhĩ thế giới họp tại Tokyo đã phủ bóng đen lên cuộc đàm phán

Trung Quốc và Nhật Bản ngày 16/5 đã bắt đầu tiến hành đàm phán về các vấn đề biển đảo, trong đó một số quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông là chủ đề chính của chương trình nghị sự. Hội đàm giữa hai nước được tổ chức tại Hàng Châu với sự tham dự của quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cục Quan hệ hàng hải hai nước.

Cả hai bên dự kiến sẽ thảo luận cách thức nhằm tránh các cuộc xung đột trong tương lai quanh quần đào, nằm ở phía đông bắc Đài Loan, phía đông Trung Quốc đại lục và phía tây nam tỉnh cực nam của Nhật Bản - Okinawa.

Một phần của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Reuters)
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật liên tục căng thẳng, chủ yếu do tranh chấp chủ quyền liên quan đến một số hòn đảo trên biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Năm 2010, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo rơi vào khủng hoảng sau vụ chính quyền Nhật bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc do đã đâm tàu cá vào tàu tuần duyên của Nhật tại khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư.

AFP dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc và Nhật đã nhất trí thành lập một cơ cấu tư vấn cấp cao các vấn đề về biển vào cuối năm 2011.

Theo nguồn tin từ Bắc Kinh cho rằng, quyết định của Nhật Bản nhằm cho phép Đại hội người Duy Ngô Nhĩ thế giới (WUC) nhóm họp tại Tokyo có thể phủ bóng lên cuộc đàm phán biển đảo.

Các nguồn tin cũng cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có cuộc tranh luận gay gắt về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vấn đề nhân quyền khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh hồi cuối tuần qua.

Tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng trong hoàn cảnh này, viễn cảnh cho các cuộc đàm phán cấp cao lần này là “không triển vọng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên