Chiến tranh Triều Tiên lần 2: Tàn khốc nhưng không bên nào chiến thắng

VOV.VN - Việc mổ xẻ năng lực phòng ngự - tiến công của Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy, sẽ không bên nào giành được chiến thắng nếu nổ ra chiến tranh tổng lực.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng trong thời gian vừa qua với việc Mỹ và Hàn Quốc thực hiện nhiều cuộc diễn tập quân sự, còn Triều Tiên thực hiện phóng thử tên lửa tầm xa, thử và đe dọa thử vũ khí hạt nhân.

Xe tăng Triều Tiên trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.

Trước nguy cơ nổ ra một cuộc chiến mới, nhà phân tích quân sự Konstantin Sivkov cảnh báo nếu chiến tranh mà nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên, cả đôi bên sẽ cùng thua cuộc.

Phân tích của Sivkov đã được đăng tải trên trang tin tức tiếng Nga Svobodnaya Pressa. Trong đó, ông Sivkov – Viện trưởng Học viện các Vấn đề Địa chính trị, đã nhìn sâu vào năng lực phòng thủ và tiến công của hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên:

Quân đội Triều Tiên: Vũ khí lạc hậu nhưng quyết chiến

Nhà phân tích lưu ý: “Dù được trang bị vũ khí lạc hậu, quân đội Triều Tiên vẫn khá mạnh, với quân số hơn một triệu người. Với lực lượng hậu bị đông tới 4,5 triệu người, phía Triều Tiên có thể triển khai một lực lượng quân sự tới vài triệu người”.

Ông Sivkov viết tiếp: “Lục quân Triều Tiên có năng lực chiến đấu tương đối cao. Với một số lượng đáng kể vũ khí chống tăng và pháo mặt đất, cộng với một mạng lưới công sự kiên cố, lục quân Triều Tiên đủ sức tiến hành một chiến dịch phòng ngự hiệu quả trước đối phương chiếm ưu thế về công nghệ, thậm chí ngay cả khi đối phương có lợi thế số lượng gấp 1,5 đến 2 lần và ưu thế tuyệt đối trên không.”

Sivkov cho biết thêm: “Tuy nhiên, năng lực tấn công của lục quân nước này trong hoàn cảnh hiện tại là rất hạn chế do lực lượng xe tăng lạc hậu”.

Đồng thời, Triều Tiên có “địa hình đồi núi, nhiều hầm trú tránh và kho vũ khí đủ cho nước này tiến hành một cuộc chiến tranh du kích kéo dài trong nhiều năm, buộc bên tiến công phải huy động một bộ phận lớn lục quân cho hoạt động trấn áp nổi dậy. Dựa trên kinh nghiệm của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, ước tính bên tấn công Triều Tiên sẽ phải cần tới 200.000 lính hoặc hơn thế nữa.

Sivkov nhận xét: Quy mô lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên “cho phép họ triển khai một chiến dịch nghi binh hiệu quả, bằng hàng chục nhóm bạo loạn lật đổ trong chiều sâu chiến dịch và chiến lược của đối phương, tức là gần như trên toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.”

Các tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật và chiến thuật của Triều Tiên (mỗi tổ hợp được trang bị 50 quả tên lửa) sẽ giúp Triều Tiên “đánh vào các mục tiêu nằm trong chiều sâu chiến thuật và chiến dịch”.

Sivkov ước tính, dù vấp phải các biện pháp chống trả của đối phương, hỏa lực tên lửa Triều Tiên vẫn có thể vô hiệu hóa hoặc phá hủy khoảng 10-15 mục tiêu đối phương, bao gồm các sân bay, sở chỉ huy và trung tâm liên lạc. Diện tích Hàn Quốc tương đối nhỏ nên các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật của Triều Tiên đe dọa toàn bộ các nhóm tác chiến của đối phương.

Triều Tiên có một số lượng nhỏ các tên lửa tầm trung là Taepodong-1 và Taepodong-2.

“Với các đầu đạn tên lửa thông thường, độ chính xác hạn chế của tên lửa này vẫn cho phép Triều Tiên gây thiệt hại đáng kể cho một căn cứ Mỹ đặt trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trong khi đó, với kho vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể mở 1 tới 5 cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, tùy thuộc vào hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”.

Không quân Triều Tiên rất yếu kém về năng lực tấn công các mục tiêu trên bộ ở Hàn Quốc do lực lượng này được trang bị các máy bay lạc hậu. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, đội máy bay ném bom và cường kích của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ bị phá hủy trong vòng 2-5 ngày do kết quả của các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa”.

“Mặt khác, khả năng phòng không của Triều Tiên lại mạnh hơn một cách đáng kể. Trong khi các tổ hợp tên lửa phòng không tĩnh sẽ bị tiêu diệt trong 3-4 ngày đầu tiên thì phần lớn các hệ thống phòng không di động sẽ duy trì được sức chiến đấu, buộc đối phương phải phân bổ đáng kể nguồn lực để hỗ trợ nhóm tấn công. Số lượng đáng kể pháo phòng không sẽ ngăn máy bay địch bay ở độ cao thấp để tìm diệt các trang thiết bị và cơ sở của lục quân Triều Tiên”.

“Các yếu tố trên cùng với việc ngụy trang hiệu quả sẽ vô hiệu hóa cuộc tấn công đường không của đối phương, dù cho máy bay của họ chiếm ưu thế về số lượng và chất lượng”. Ngoài ra, Sivkov nhận xét, địa hình rừng núi của Triều Tiên sẽ tạo ra một thách thức thực sự cho đối phương.

Theo tính toán của Sivkov, chiến dịch không kích Triều Tiên nếu muốn thành công thì các nước Mỹ, Hàn Quốc và đồng minh cần tạo ra một lực lượng máy bay hơn 800 chiếc các loại.

Hải quân Triều Tiên có thể tạo ra mối đe dọa cho hạm đội đối phương nhưng chỉ là ở vùng ven biển, chủ yếu thông qua thủy lôi, tàu tên lửa và tàu ngầm cỡ nhỏ. Dự án tàu ngầm 033 có năng lực rất hạn hẹp trong cuộc đối đầu với các chiến hạm mặt nước hiện đại và sẽ chỉ có giá trị với tư cách những con tàu mang mìn. Các tàu tên lửa – được trang bị tên lửa cổ lỗ sĩ, không tạo ra đe dọa nào cho các tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu hộ vệ hiện đại – những tàu có năng lực phòng thủ mạnh. Với tốc độ thấp và tầm hoạt động ngắn, các tàu ngầm cỡ nhỏ này chỉ có thể tấn công tàu gần bờ (đang đậu hoặc di chuyển chậm).

Tàu ngầm Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Sivkov viết: “Thủy lôi sẽ tạo ra mối đe dọa chính cho hạm đội đối phương. Một lượng lớn và đa dạng thủy lôi cho phép Triều Tiên tạo ra các bãi mìn dày đặc, mà muốn rà phá được thì phải cần đến lượng lớn tàu và công binh phá thủy lôi và lượng lớn thời gian. Nếu các bãi mìn được bảo vệ bằng pháo bờ biển và các tổ hợp tên lửa chống hạm đặt trên bờ thì các chiến dịch rà phá thủy lôi sẽ đi kèm với tổn thất lớn. Rốt cuộc, năng lực tác chiến bằng thủy lôi của Triều Tiên có thể ngăn chặn đáng kể năng lực đổ bộ đường biển của đối phương.

Địa hình núi non của Triều Tiên, cùng với hệ thống công sự, hầm ngầm (nằm sâu hơn 100m dưới các dãy núi) sẽ cho phép Triều Tiên che giấu các lực lượng lớn, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật và thậm chí cả lực lượng thiết giáp, pháo mặt đất và các bệ phóng tên lửa, trước các đợt không kích của địch.

Bên cạnh đó, “giới chuyên gia quân sự tin rằng lục quân Triều Tiên được huấn luyện tốt, sĩ quan có mức độ huấn luyện tác chiến cao. Việc giáo dục chính trị và tinh thần binh sĩ Triều Tiên cho thấy họ không ngại chịu tổn thất lớn và sẵn sàng chiến đấu tới người lính cuối cùng”.

“Đánh giá tổng thể các lực lượng vũ trang Triều Tiên, có thể nói rằng họ có năng lực thực hiện phòng ngự hiệu quả trước đối thủ công nghệ cao chiếm ưu thế hoàn toàn trên không. Tuy nhiên, một cuộc tấn công do lục quân Triều Tiên tiến hành nhằm vào đối thủ như vậy sẽ chuốc lấy tổn thất cực lớn và cơ may chiến thắng của họ là vô cùng nhỏ”.

Quân đội Hàn Quốc: Công nghệ cao nhưng mong manh

“Đối thủ chính của Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên là Hàn Quốc – nước này cũng có một quân đội quy mô lớn. Khác với Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc được trang bị đa phần là thiết bị quân sự hiện đại”, Sivkov so sánh.

Về lý thuyết, ông Sivkov bổ sung thêm, lục quân Hàn Quốc có khả năng thực hiện các chiến dịch cả phòng thủ và tấn công hiệu quả trên quy mô lớn.

“Tuy nhiên, khi tính đến yếu tố địa hình và quy mô công sự, hầm hào ở Triều Tiên, lục quân Hàn Quốc ít có cơ thực hành tiến công hiệu quả”.

Xe tăng K-2 của Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: AFP.

“Không quân Hàn Quốc cũng không thể giải quyết được yêu cầu trấn áp hệ thống phòng không Triều Tiên” và do vậy sẽ có hiệu quả hạn chế trong việc hỗ trợ lục quân.

“Hệ thống phòng không Hàn Quốc sẽ gần như loại bỏ hoàn toàn mọi mối đe dọa do Không quân Triều Tiên tạo ra.

Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc và các yếu tố phòng thủ tên lửa chiến lược sẽ cho phép Hàn Quốc đánh chặn các đợt tiến công bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuy nhiên khi Triều Tiên tấn công cấp tập, họ vẫn có cơ đánh trúng mục tiêu”.

Phân tích gia Sivkov nhận xét tiếp: “Hải quân Hàn Quốc có khả năng đạt ưu thế một cách độc lập trong khu vực tác chiến. Tuy nhiên năng lực rà phá thủy lôi hạn chế của hải quân Hàn Quốc sẽ giới hạn khả năng tàu chiến của họ hoạt động trong vùng biển đối phương, ít nhất là trong ngắn hạn. Hải quân Hàn Quốc cũng hạn chế trong việc trấn áp tuyến phòng vệ duyên hải của đối phương. Và các điều này sẽ làm hạn chế năng lực của hải quân Hàn Quốc trong việc tiến hành thành công các chiến dịch đổ bộ đường biển.

Ngoài ra, Sivkov cũng lưu ý rằng quân Hàn Quốc “nhạy cảm nhiều hơn với các tổn thất sinh mạng trong lúc tác chiến”.

Quân bình Âm dương

Nhà phân tích Sivkov nhận xét, “Nhìn tổng thể, có sự cân bằng trong năng lực quân sự của hai nước trên bán đảo Triều Tiên: Hàn Quốc chiếm ưu thế về công nghệ nhưng phía Triều Tiên lại có ưu thế về quân số và tinh thần chiến đấu”.

Ông Sivkov tổng kết: “Lục quân Hàn Quốc không có năng lực mở một cuộc tấn công thành công nhằm vào Triều Tiên do Triều Tiên thực hành phòng ngự chiều sâu, lại rải đầy các vũ khí chống tăng và pháo, cùng một mạng lưới lớn các công sự kiên cố và địa hình có giá trị phòng thủ. Lục quân Triều Tiên không thể mở chiến dịch tiến công nhằm vào Triều Tiên do vũ khí họ lạc hậu”.

“Không quân Hàn Quốc không thể trấn áp hệ thống phòng không nhiều tầng của Triều Tiên, trong khi không quân Triều Tiên lại không có thiết bị hàng không hiện đại cần thiết cho một chiến dịch tiến công Hàn Quốc thành công.”

“Hải quân Hàn Quốc có khả năng làm chủ các vùng biển, nhưng hiệu quả từ việc đó lại bị bù trừ bởi việc họ thiếu năng lực đối phó hiệu quả với mìn cũng như hỗ trợ hiệu quả cho hai bên sườn duyên hải của các đơn vị lục quân thông qua hỏa lực hải quân”.

Sivkov kết luận: “Đây là trường hợp hiếm gặp trong lịch sử quân sự, mà ở đó tiềm lực phòng ngự của hai bên đều vượt xa năng lực tiến công của họ. Tuy nhiên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng, và các năng lực quân sự lớn đều đã tập trung ở đây, chưa kể quân đội các nước khác có thể bị lôi kéo vào khu vực này”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung bất thành
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung bất thành

VOV.VN - Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho rằng, vụ thử sáng 31/5 của Triều Tiên liên quan đến loại tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung bất thành

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung bất thành

VOV.VN - Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho rằng, vụ thử sáng 31/5 của Triều Tiên liên quan đến loại tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.

Nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt
Nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt

(VOV) - Cuộc chiến 60 năm trước diễn ra chỉ trong 3 năm nhưng gây ra thương vong lớn, với sự tham chiến của rất nhiều nước.

Nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt

Nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt

(VOV) - Cuộc chiến 60 năm trước diễn ra chỉ trong 3 năm nhưng gây ra thương vong lớn, với sự tham chiến của rất nhiều nước.

Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước
Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước

(VOV) - Những trận đánh sống còn của 2 bên, bao gồm cả cận chiến và đổ bộ đường biển, đã được thể hiện sinh động qua những bức ảnh mầu.

Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước

Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước

(VOV) - Những trận đánh sống còn của 2 bên, bao gồm cả cận chiến và đổ bộ đường biển, đã được thể hiện sinh động qua những bức ảnh mầu.

Đòn tấn công “chặt đầu” của quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên là gì?
Đòn tấn công “chặt đầu” của quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên là gì?

VOV.VN - Gần đây việc các bên đề cập đến đòn tấn công quân sự kiểu “chặt đầu” đang làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.

Đòn tấn công “chặt đầu” của quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên là gì?

Đòn tấn công “chặt đầu” của quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên là gì?

VOV.VN - Gần đây việc các bên đề cập đến đòn tấn công quân sự kiểu “chặt đầu” đang làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.

Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên
Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên

VOV.VN - Là tư lệnh không đoàn, phi công Mỹ Gabby trực tiếp ra trận nhiều lần để nghiên cứu chiến thuật đối phó với tiêm kích MiG trong Chiến tranh Triều Tiên.

Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên

Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên

VOV.VN - Là tư lệnh không đoàn, phi công Mỹ Gabby trực tiếp ra trận nhiều lần để nghiên cứu chiến thuật đối phó với tiêm kích MiG trong Chiến tranh Triều Tiên.