Doanh nghiệp đột ngột giảm thu mua sữa khiến nông dân điêu đứng

VOV.VN - Nếu kéo dài tình trạng này, nguy cơ người nông dân phải đổ sữa ra đường rất có thể xảy ra.

Đã hơn 1 tháng nay, người nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đứng ngồi không yên khi Công ty sữa quốc tế (IDP)- 1 trong 2 đơn vị chủ lực thu mua sữa trên địa bàn bỗng dưng khống chế số lượng và giảm giá mua sữa.

Đang mùa sinh sản, sản lượng sữa thu được nhiều nhưng đầu ra lại bị hạn chế khiến sữa bị dồn ứ mỗi ngày. Nếu kéo dài tình trạng này, nguy cơ người nông dân phải đổ sữa ra đường là có thể xảy ra.

Hoang mang với sữa tồn đọng, bị ép giá

Hoang mang, đó là tâm trạng chung của các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội suốt hơn 1 tháng nay. Gia đình ông Nguyễn Văn Thảo ở xóm Nông, thôn Phù Dực nuôi 4 con bò sữa, sản lượng sữa thu được mỗi ngày khoảng 50 kg. Từ khi công ty IDP khống chế số lượng thu mua, mỗi ngày gia đình ông bị tồn đọng từ 5-10 kg sữa, tính ra thu nhập cả tháng giảm từ 3 – 4 triệu đồng. Số sữa thừa này gia đình ông phải chạy vạy khắp nơi để tìm hướng tiêu thụ, giá bán ra ngoài chỉ được bằng nửa hoặc 1/3, mà bán cũng rất khó khăn.

“Khi mang sữa đi cân, chủ bồn nói hiện nay sữa bị thừa nên chỉ nhận mua có giới hạn, số lượng mua giảm đi khoảng 20%. Các gia đình đều phải mang sữa về, bắt con cháu uống hoặc bán rẻ, không hết sẽ phải đổ đi bởi trước nay không có một cam kết hay ràng buộc gì giữa bên thu mua và người chăn nuôi”, ông Thảo chia sẻ.


Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX bò sữa xã Phù Đổng.
Trên địa bàn xã Phù Đổng hiện có hơn 700 hộ chăn nuôi bò sữa, với gần 1.800 con, trong đó số lượng bò đang khai thác khoảng gần 900 con, mỗi ngày cho sản lượng khoảng gần 20 tấn sữa, giá trị đạt trên 200 triệu đồng/ngày.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm HTX bò sữa xã Phù Đổng cho biết, kể từ khi bị khống chế số lượng tiêu thụ, mỗi ngày sản lượng sữa bị tồn lại dao động từ 1 -2 tấn. Với giá sữa trung bình hiện hơn 12.000 đồng/kg, thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi là khá lớn.

Về phía công ty IDP có thông tin qua điện thoại về việc có khả năng không thu mua sữa của xã Phù Đổng cũng như 1 số xã lân cận ở Gia Lâm. Hơn nữa, đã sang năm 2015 nhưng công ty cũng chưa gửi hợp đồng xuống xã để ký kết lại như mọi năm. Trong khi sữa thì không thể để được lâu, nếu không có đầu ra, khó tránh khỏi tình trạng người dân phải đổ sữa ra đường.

“Việc ngừng thu mua sữa đã gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân. Các bồn thu mua sữa cũng phải xuất bán so với giá nhà máy giảm đi. Tiếp đó người chăn nuôi đã không thể bán được hết 100% số sữa sản xuất ra khiến có những suy nghĩ hoang mang, dao động. Nếu tình trạng này kéo dài địa phương sẽ rất lúng túng, đặc biệt một số bà con nông dân đang lo ngại phải bán bò”, ông Hòa cho biết.

Doanh nghiệp đang bỏ mặc nông dân?

Những năm trước, Công ty sữa Quốc tế (IDP) thu mua tới trên 40% sản lượng sữa ở Phù Đổng, còn lại là Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk). Bà Nguyễn Thị Mai - Trưởng phòng Nông vụ và phát triển vùng nguyên liệu, Công ty Cổ phần sữa Quốc tế cho biết, hiện nay công ty nhập sữa tươi chủ yếu ở Ba Vì, chiếm đến 85%, nguồn các khu vực khác 15%. Đối với xã Phù Đổng, hiện công ty thu mua trung bình 6,5 tấn/ngày, mức giá bình quân 12.500 đồng/kg sữa.

Lý giải nguyên nhân hạn chế sản lượng thu mua sữa ở xã Phù Đổng, bà Mai cho biết, do đang là mùa sinh sản của bò sữa, sản lượng sữa nhiều, mặc dù vậy, công ty cũng sẽ chỉ mua đủ sản lượng cho kế hoạch sản xuất.

Bà Mai cho biết thêm, trong kế hoạch năm 2015, công ty sẽ tập trung vào Ba Vì. Do đó, công ty khuyến khích người chăn nuôi ở xã Phù Đổng tìm kiếm đơn vị khác thu mua với giá trị tốt hơn, sau đó phía công ty sẽ dừng thu mua. Hiện, Công ty sữa Quốc tế cũng đã dừng một số chính sách hỗ trợ cho nông dân ở Phù Đổng. 

“Về phía doanh nghiệp thu mua sẽ phải căn cứ hợp đồng và quy định sản lượng sản xuất của công ty, nếu không sẽ khó khăn trong điều hành sản xuất và dự trù nguyên liệu. Trước đây, công ty có chính sách hỗ trợ về nông cụ đạt chuẩn, về vệ sinh chuồng trại…nhưng từ tháng 10/2014 công ty đã dừng chính sách hỗ trợ đó để chuyển đổi chính sách đầu tư cho những năm tới”, Bà Nguyễn Thị Mai nói.

Lúng túng xoay sở

Phát triển từ gần 20 năm qua, chăn nuôi bò sữa được coi là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của xã Phù Đổng, cũng nhờ nuôi bò sữa mà nhiều hộ đã có kinh tế ổn định, khấm khá. Thế nhưng, nông dân nuôi bò sữa đang điêu đứng trước tình trạng đầu ra của sản phẩm không đảm bảo, trong khi từ nay đến tháng 3/2015, bò vẫn cho sản lượng sữa rất lớn, tăng từ 15-20%.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, sau khi có thông tin về những khó khăn trong việc tiêu thụ sữa trên địa bàn, chính quyền xã đã họp với các chủ trạm trung chuyển và bà con nông dân để kiểm chứng và có báo cáo lên cấp trên.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng.
Hiện tại, muốn tìm thêm đối tác khác để thu mua sữa cho nông dân là rất khó, nên trước mắt, UBND xã đã đề nghị UBND huyện Gia Lâm có ý kiến với Công ty Sữa Quốc tế tiếp tục thực hiện các hợp đồng thu mua, đồng thời nâng giá thu mua ngang bằng với giá của Công ty Vinamik để đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

“Đề nghị huyện và thành phố có ý kiến đối với các công ty sữa là phải có chính sách thu mua hết số lượng sữa của bà con hiện có tại địa phương, phải có những hợp đồng ổn định, dài hạn để người nông dân yên tâm chăn nuôi. Mặt khác Nhà nước cần có những chính sách đặc thù cho các chủ bồn sữa, hợp tác xã bò sữa với mức giảm thuế giá trị gia tăng từ 7% xuống còn 3,5% như trước đây để đảm bảo các chủ bồn thu mua được hết sữa cho bà con”, ông Hưng đề xuất.

Đây không phải lần đầu tiên và là địa bàn duy nhất xảy ra tình trạng này. Ngoài xã Phù Đổng, Gia Lâm, thì ngay cả nhiều nông dân ở Ba Vì, Hà Nội hay ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng…cũng đang chật vật tìm mơi tiêu thụ sản phẩm sữa.

Nghịch lý là ở chỗ, trong khi hàng ngày, người nông dân phải bán tống, bán tháo một lượng sữa tươi không nhỏ, thì nước ta vẫn đang chủ yếu phải nhập nguyên liệu sữa từ nước ngoài, giá sữa lại luôn ở mức cao ngất ngưởng, chỉ tăng mà không có giảm.

Những bất cập này rõ ràng cần được giải quyết bằng những biện pháp mang tính vĩ mô, không chỉ là đảm bảo đầu ra ổn định, mà còn là vấn đề liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cũng như việc quy hoạch vùng nguyên liệu, hướng tới việc giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng và giảm giá thành các sản phẩm sữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Năm 2015 tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi
Năm 2015 tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi

VOV.VN - Trước ngày 31/5/2015, các địa phương và các cơ quan liên quan đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Năm 2015 tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi

Năm 2015 tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi

VOV.VN - Trước ngày 31/5/2015, các địa phương và các cơ quan liên quan đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Chuẩn mực mới cho nguồn nguyên liệu sữa Việt Nam
Chuẩn mực mới cho nguồn nguyên liệu sữa Việt Nam

VOV.VN -Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk đã chính thức được trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. 

Chuẩn mực mới cho nguồn nguyên liệu sữa Việt Nam

Chuẩn mực mới cho nguồn nguyên liệu sữa Việt Nam

VOV.VN -Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk đã chính thức được trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. 

Lâm Đồng: Người dân đổ hàng nghìn lít sữa bò tươi ra đường
Lâm Đồng: Người dân đổ hàng nghìn lít sữa bò tươi ra đường

VOV.VN - Lý do là vì Công ty cổ phần Đà Lạt Milk đã phá hủy hợp đồng với người dân về giá thu mua sữa.

Lâm Đồng: Người dân đổ hàng nghìn lít sữa bò tươi ra đường

Lâm Đồng: Người dân đổ hàng nghìn lít sữa bò tươi ra đường

VOV.VN - Lý do là vì Công ty cổ phần Đà Lạt Milk đã phá hủy hợp đồng với người dân về giá thu mua sữa.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quản lý giá sữa
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quản lý giá sữa

Bộ Tài chính vừa có văn bản chính thức kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quản lý giá sữa

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quản lý giá sữa

Bộ Tài chính vừa có văn bản chính thức kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.