Mỹ đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc về thất bại của Kofi Annan

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến hôm nay sẽ bỏ phiếu cho một nghị quyết sơ bộ về Syria do Bahrain, Ai Cập và Arab đề xuất

Mới đây, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jay Carney đã đăng đàn phát biểu cho rằng, sự kiện ông Kofi Annan từ chức đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab tại Syria là hậu quả của việc Nga và Trung Quốc không ủng hộ hành động cứng rắn đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan nhậm chức đặc phái viên vào tháng 2/2012 và từng đưa ra kế hoạch hòa bình 6 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Syria. Với tình hình bế tắc hiện tại, ông Kofi Annan đã tuyên bố sẽ từ chức vào cuối tháng 8 theo như thời hạn mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria.

Theo ông Jay Carney, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết tất cả các nghị quyết trừng phạt Syria do các nước phương Tây đề xuất với quan ngại rằng điều này có thể dẫn tới sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến hôm nay sẽ bỏ phiếu cho một nghị quyết sơ bộ về Syria do Bahrain, Ai Cập và Arab đề xuất, theo đó kêu gọi chính phủ Syria ngừng sử dụng vũ khí hóa học, chấm dứt bạo lực và xét xử các bên chịu trách nhiệm về nhân quyền ở Syria.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ không ủng hộ nghị quyết này vì cho rằng nghị quyết này chỉ nhằm vào chính phủ của Syria mà không đả động tới các lực lượng đối lập.

Ngày 3/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố  việc từ chức của ông Kofi Annan (ảnh: Tân Hoa xã)

Mặc dù các nghị quyết được thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính bắt buộc nhưng việc thực thi các nghị quyết này thể hiện trách nhiệm về mặt đạo đức. Bỏ phiếu theo thể thức đa số và không có bên nào có quyền phủ quyết như ở Hội đồng Bảo an mà Nga và Trung Quốc gần đây đã sử dụng để ngăn cản việc thực thi các nghị quyết về Syria.

Cuộc xung đột ở Syria đã cướp đi sinh mạng của từ 14.000-20.000 người (theo ước tính của các nhóm đối lập ở Syria và Liên Hợp Quốc). Các nước phương Tây đang tìm cách để lật đổ Tổng thống al-Assad, trong khi đó Nga và Trung Quốc đang tìm cách để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào Syria và cho rằng tình trạng hiện nay ở Syria là do lỗi của cả Assad lẫn phe đối lập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên