Xử 6 cựu quan chức đường sắt: “Món quà tình cảm” trị giá 100 triệu

VOV.VN -Quá trình xét hỏi các bị cáo là cựu quan chức của ngành đường sắt, cơ quan tố tụng làm rõ những món quà biếu lên đến cả 100 triệu đồng.

Quà tết 100 triệu là chuyện thường

Trong phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ 11 tỷ đồng từ tiền của liên doanh tư vấn JTC, các cựu quan chức Trần Văn Lục (SN 1958, cựu Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU), Trần Quốc Đông (SN 1964, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cựu Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, cựu Giám đốc RPMU), được cơ quan tố tụng xác định đã nhận quà biếu tết mà theo lời khai của Phạm Hải Bằng – Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) – thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam là tiền trích từ khoản lót tay 11 tỷ đồng của liên doanh tư vấn JTC.

Bị cáo Trần Quốc Đông: Ngày lễ tết, nhân viên đến biếu quà, tiền sếp là chuyện thường tình.

Tết năm 2010, Phạm Hải Bằng mang quà 100 triệu đồng biếu sếp cũ. Thời điểm đó, bị cáo Trần Văn Lục không còn công tác, điều hành tại RPMU. Trong hai dịp Tết năm 2010 và 2011, Phạm Hải Bằng lại hai lần mang quà tết biếu sếp mới là Trần Quốc Đông, mỗi lần 15 triệu đồng.

Sếp cuối cùng của RPMU nhận quà tết từ nguồn tiền lót tay của JTC là Nguyễn Văn Hiếu. Bị cáo này nhận 50 triệu đồng – gọi là món quà Tết từ tay Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái.

Tại phiên tòa xét xử các cựu quan chức, bị cáo Trần Văn Lục thừa nhận món quà Tết 100 triệu đồng mà Phạm Hải Bằng mang đến nhà. Bị cáo này cho rằng, Bằng mang tiền đến không nói gì. Món quà của Bằng mãi sau Tết, Trần Văn Lục mới mở.

Tuy nhiên Trần Văn Lục cho rằng, đó có thể là món quà cảm ơn của thuộc cấp cũ vì mình đã có công cân nhắc, đào tạo và xây dựng anh ta thành cán bộ nguồn. Bị cáo Lục cho rằng, đấy là “món quà tình cảm” của Bằng dành cho mình trong 10 năm gắn bó.

Hai lần trả lời chủ tọa Trương Việt Toàn, cả hai lần bị cáo Trần Quốc Đông đều nhắc đi nhắc lại việc mình không biết số tiền 30 triệu đồng mà Phạm Hải Bằng trích ra từ số tiền 11 tỷ đồng lót tay của JTC làm quà biếu tết.

Theo lời khai của Trần Quốc Đông, việc ngày lễ tết, nhân viên đem quà, tiền đến biếu sếp là chuyện thường tình. Chính vì vậy, Trần Quốc Đông cho rằng, mình không lăn tăn nguồn tiền mà Bằng mang biếu mình trong hai dịp tết năm 2010 và 2011 có nguồn gốc từ đâu.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu phủ nhận việc nhận tiền có nguồn gốc từ JTC từ Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái.

Luật sư đề nghị tuyên vô tội?

Ngày 26/10, ngày đầu tiên xét xử, luật sư của hai bị cáo Trần Văn Lục và Nguyễn Văn Hiếu đã được nêu quan điểm bào chữa của mình trong quá trình tranh tụng tại tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiếu cho rằng chưa đủ cơ sở cáo buộc các bị cáo tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với bị cáo này.

Việc nhận tiền các thuộc cấp Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái nhận tiền lót tay của liên doanh nhà thầu, theo luật sư là nằm ngoài khả năng quản lý của bị cáo Hiếu vì khi hai bị cáo này nhận và sử dụng tiền từ JTC trước khi bị cáo Hiếu về quản lý RPMU.

Luật sư của bị cáo Hiếu cũng phủ nhận việc Bằng và Thái mang 50 triệu biếu Tết cho Nguyễn Văn Hiếu và cho rằng, cần xác minh vì lời khai của hai bị cáo này còn mâu thuẫn. Ông luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hiếu không phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hành trong khi thi hành công vụ.

Trong khi đó, bà luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục cũng đồng quan điểm với bị cáo về việc nhận số tiền 100 triệu đồng “tình cảm” biếu vào ngày Tết.

Luật sư của Trần Văn Lục cho rằng, món quà 100 triệu mà Phạm Hải Bằng biếu vào dịp tết năm 2010 thể hiện sự tôn trọng lễ nghi, tôn sư trọng đạo vì Trần Văn Lục có công trong việc dạy dỗ, dìu dắt Phạm Hải Bằng từ ngày mới ra trường.

Bà luật sự bóc tách sự việc và cho rằng, thời điểm tổ chức lễ ký kết mà liên doanh tư vấn JTC đưa cho 3 triệu Yên để tổ chức sự kiện này, Trần Văn Lục có báo cáo lên thượng cấp. Theo quan điểm phân tích của bà luật sư, số tiền 3 triệu Yên này không nằm trong số 11 tỷ đồng tiền lót tay.

Theo luật sư, số tiền lót tay chỉ xuất hiện trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, và khi đó Trần Văn Lục không còn là lãnh đạo của RPMU nữa. Luật sư của Trần Văn Lục cho rằng, không có cơ sở cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ đối với Trần Văn Lục.

Theo quan điểm truy tố đối với các cựu lãnh đạo của RPMU, thời gian từ năm 1999 đến tháng 9/2009, với tư cách là Giám đốc RPMU, Trần Văn Lục có nhiệm vụ điều hành chung các hoạt động của ban dự án. Cựu giám đốc này cũng có trách nhiệm phân công, giao nhiệm vụ cho các phó giám đốc, kiêm chủ nhiệm dự án quản lý điều hành.

Trần Văn Lục được Phạm Hải Bằng báo cáo về việc tổ dự án thuộc RPMU sẽ nhận các khoản tiền hỗ trợ của nhà thầu JTC để chi phí cho các khoản liên quan đến dự án như: tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội nghị, hội thảo. Khi được bằng báo cáo, Lục không chỉ đạo chấm dứt việc tiếp nhận, sử dụng số tiền này.

Đối với Trần Quốc Đông được bổ nhiệm làm giám đốc RPMU từ tháng 10/2009 đến tháng 6/2011, biết việc nhận tiền chi phí từ JTC không đúng quy định, nhưng Đông không chỉ đạo chấm dứt việc tiếp nhận và sử dụng số tiền này.

Còn Nguyễn Văn Hiếu thay Trần Quốc Đông làm giám đốc RPMU từ tháng 6/2011 được Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái báo cáo về việc nhận và sử dụng số tiền hỗ trợ từ JTC. Hiếu đã chỉ đạo tổ dự án chủ động sử dụng các khoản tiền của JTC hỗ trợ, nếu có khó khăn thì báo cáo để Hiếu giải quyết.

Tại phần luận tội, VKS đề nghị tuyên phạt Trần Văn Lục 6-8 năm tù giam. Hai bị cáo Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu cùng bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam. Các bị cáo buộc phải nộp số tiền thu lợi bất chính và số tiền này sẽ được đề nghị bổ sung công quỹ.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

An ninh thắt chặt tại phiên xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ
An ninh thắt chặt tại phiên xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ

VOV.VN -Tại khu vực xung quanh TAND Hà Nội, lực lượng an ninh được tăng cường, báo chí tham gia đưa tin phiên tòa được bố trí theo dõi qua tivi.

An ninh thắt chặt tại phiên xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ

An ninh thắt chặt tại phiên xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ

VOV.VN -Tại khu vực xung quanh TAND Hà Nội, lực lượng an ninh được tăng cường, báo chí tham gia đưa tin phiên tòa được bố trí theo dõi qua tivi.

Xử 6 cựu quan chức đường sắt: Không hối lộ đừng nghĩ tham gia hợp đồng
Xử 6 cựu quan chức đường sắt: Không hối lộ đừng nghĩ tham gia hợp đồng

VOV.VN -Công bố lời khai của phía Nhật Bản khẳng định, không hối lộ họ không bao giờ có thể giam gia hợp đồng tư vấn.

Xử 6 cựu quan chức đường sắt: Không hối lộ đừng nghĩ tham gia hợp đồng

Xử 6 cựu quan chức đường sắt: Không hối lộ đừng nghĩ tham gia hợp đồng

VOV.VN -Công bố lời khai của phía Nhật Bản khẳng định, không hối lộ họ không bao giờ có thể giam gia hợp đồng tư vấn.

Xử “đại án” trước Đại hội Đảng: 6 cựu quan chức đường sắt hầu tòa
Xử “đại án” trước Đại hội Đảng: 6 cựu quan chức đường sắt hầu tòa

VOV.VN -TAND Hà Nội xét xử vụ án “6 cựu quan chức đường sắt” nhận tiền ngoài hợp đồng 11 tỷ đồng. Đây là 1 trong 8 đại án xét xử trước Đại hội Đảng. 

Xử “đại án” trước Đại hội Đảng: 6 cựu quan chức đường sắt hầu tòa

Xử “đại án” trước Đại hội Đảng: 6 cựu quan chức đường sắt hầu tòa

VOV.VN -TAND Hà Nội xét xử vụ án “6 cựu quan chức đường sắt” nhận tiền ngoài hợp đồng 11 tỷ đồng. Đây là 1 trong 8 đại án xét xử trước Đại hội Đảng. 

6 cựu quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù
6 cựu quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù

VOV.VN - Sáng 26/10, TAND Hà Nội đưa vụ án 6 cựu quan chức đường sắt lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra xét xử.

6 cựu quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù

6 cựu quan chức đường sắt bị đề nghị mức án từ 6 đến 13 năm tù

VOV.VN - Sáng 26/10, TAND Hà Nội đưa vụ án 6 cựu quan chức đường sắt lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra xét xử.