Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm để kiểm soát quyền lực cán bộ

VOV.VN - Lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm thể hiện tất cả các cơ quan tham gia vào hệ thống quyền lực nhà nước đều bình đẳng như nhau, đều có trách nhiệm phải giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chính là giám sát trực tiếp của các đại biểu dân cử, những người được nhân dân tín nhiệm bầu ra - đối với các chức danh quan trọng nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển cũng như các vấn đề quan trọng của đất nước. Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau về quyền lực thực hiện, trách nhiệm, hiệu lực pháp lý và quy trình. Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý trong dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nghe nội dung bài viết:

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật khi cho rằng, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ theo Nghị quyết số 85 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Như vậy, Quốc hội sẽ chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu 1 lần 1 nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 3.

Thực tế cho thấy, sau khi lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh được Quốc hội bầu, thì những “tư lệnh ngành” ấy đều đã nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn. Và những chuyển biến từ thực tế phần nào đã được cử tri cả nước ghi nhận. Các đại biểu cũng cho rằng, đối với việc làm có ý nghĩa này thì Quốc hội cần phải làm thường xuyên hơn nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là việc rất quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thể hiện hiệu quả rõ rệt của cơ quan quyền lực. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nghiên cứu việc bổ sung đối tượng mới là Thẩm phán toà án tối cao nay thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm cùng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước.

“Việc lấy phiếu rất mới trong công tác giám sát của Quốc hội và HĐND, hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, chúng ta phê chuẩn chức danh mới đó là Thẩm phán, đối tượng này cần phải lấy phiếu tín nhiệm”, bà Tòng Thị Phóng nói.

Theo Phó Chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, những chức danh do Quốc hội bầu thì nên đưa vào luật này để lấy phiếu tín nhiệm: “Chúng ta phải quy định rõ hơn so với dự thảo, đối với những chức danh do quốc hội bầu thì phải đưa vào lấy phiếu tín nhiệm”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Thẩm phán toà án tối cao do Quốc hội phê chuẩn nhưng đây là chức danh, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên có thể không cần lấy phiếu tín nhiệm.

Bà Trương Thị Mai

Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể chỉ quy định nguyên tắc trong luật, còn việc thực hiện sẽ theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải cụ thể ngay trong luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân này.

“Quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội được thể hiện xuyên suốt trong các Hiến pháp và Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận. Do đó, phải quy định cụ thể tại Luật này, phải có bước tiến lên vì bỏ phiếu tín nhiệm, bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm là quyền của Quốc hội…”, bà Trương Thị Mai nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay việc lấy phiếu và bỏ phiếu khác nhau, quyền lực pháp lý khác nhau, hiệu lực cũng khác nhau. Trong đó bỏ phiếu là vấn đề rất hệ trọng, vì vậy mà luật này cần quy định thật rõ, thật sát để thực sự hiệu quả trong thực tế: “Câu hỏi lớn nhất là tại sao bao nhiêu năm có chữ bỏ phiếu mà ta không làm, Hiến pháp ta cũng có lâu rồi, chứ không phải giờ mới có…”

Lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm thể hiện tất cả các cơ quan tham gia vào hệ thống quyền lực nhà nước đều bình đẳng như nhau, đều có trách nhiệm phải giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau, đây được coi là bước tiến trong kiểm soát quyền lực. Những lá phiếu tín nhiệm đó thể hiện sự đánh giá của đại biểu quốc hội, tức là đánh giá của nhân dân, cử tri cả nước, tạo đà cho sự phát triển của các ngành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên