Bộ Quốc phòng tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng

VOV.VN - Diễn văn tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng nêu bật những đóng góp đặc biệt của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các tướng lĩnh đại diện Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trang trọng cử hành lễ dâng hương tưởng niệm Đại tướng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội và dâng hương tại nhà riêng của Đại tướng tại phố Trần Phú, Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917-2/5/2017).

Lễ dâng hương tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng
Diễn văn tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng nêu bật những đóng góp đặc biệt của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một danh tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, nay là phường Cổ Nhuế 2 quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trải qua những năm tháng gian lao thời niên thiếu, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Năm 19 tuổi, đồng chí trực tiếp vận động, tổ chức cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông, Hà Nội. Đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện sinh hoạt cho công nhân. 20 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

21 tuổi, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ ngành thợ dệt Hà Nội, sau đó tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dâng hương tại Lễ tưởng niệm.
Trong vòng 5 năm, từ năm 1939 đến năm 1944, đồng chí ba lần bị giặc bắt giam, hai lần bị tù khổ sai ra Côn Đảo. Không chịu khuất phục trước cảnh giam cầm, đồng chí đã hai lần trốn thoát khỏi nhà tù thực dân và bị chúng kết án tử hình vắng mặt.

Trở về tiếp tục hoạt động, đồng chí được cử làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông; Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Ủy viên Thường vụ Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Được phân công tổ chức chiến khu Quang Trung và kiêm Bí thư khu ủy; chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Lập Chiến khu 2 và làm Chính ủy Chiến khu; Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam; Phó Bí thư Quân ủy Trung ương; Chính ủy kiêm Tư lệnh quân khu 3; Chính ủy kiêm Tư lệnh đại đoàn 320 – Đại đoàn đồng bằng. Từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1978, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng giành thắng lợi.

Và những ngày này cách đây 42 năm về trước, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do đồng chí trực tiếp làm Tư lệnh đã toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gia đình dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Văn Tiến Dũng
Đầu năm 1980, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất, rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (năm 1948), Thượng tướng (năm 1959) và Đại tướng (năm 1974). Là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 2, Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa 3 đến khóa 6, Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa 3 đến khóa 5.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời hi sinh phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội; một nhà chiến lược, một người lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng tiến công. Ông đã có công lao to lớn đối với sự nghiệp xây dựng quân đội và đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai mạc triển lãm “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Cuộc đời và sự nghiệp”
Khai mạc triển lãm “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Cuộc đời và sự nghiệp”

VOV.VN - Mục đích của triển lãm là tri ân, tôn vinh những đóng góp của Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khai mạc triển lãm “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Cuộc đời và sự nghiệp”

Khai mạc triển lãm “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Cuộc đời và sự nghiệp”

VOV.VN - Mục đích của triển lãm là tri ân, tôn vinh những đóng góp của Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.