Dự án thoát nước chậm tiến độ, dân Hà Nội tiếp tục sống trong ngập úng

VOV.VN -Việc giải phóng “nơi thực hiện được, chỗ đứng yên” đang làm chậm việc cải thiện môi trường và khả năng tiêu úng cho khu vực trũng của thành phố.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II với mục tiêu cải thiện môi trường, giảm úng ngập cho khu vực nội đô, nhưng sau 8 năm triển khai và nhiều lần gia hạn, Dự án vẫn chưa thể về đích. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do một số quận, phường “bế tắc” trong công tác giải phóng mặt bằng. Nguy cơ gián đoạn Dự án hàng nghìn tỷ đồng này đang hiện hữu và “đẩy” người dân Thủ đô sống chung với úng ngập ngày càng dài hơn.

Dự án thoát thoát nước Hà Nội giai đoạn II tại sông Lừ phường Trung Tự gần như tê liệt.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II được khởi động từ năm 2008 từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, dự kiến hoàn thành cuối năm 2013, sau đó bổ sung một số hạng mục và Dự án được “chốt” hoàn thành vào tháng 12/2015. Trong quá trình triển khai, thực tế quá chậm nên Hà Nội đề xuất và được đối tác Nhật Bản chấp thuận giãn tiến độ, kết thúc dự án vào ngày 30/6/2016. Chính sự ì ạch trong công tác giải phóng mặt bằng đã nâng tổng mức đầu tư Dự án từ 6.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian 6 tháng cũng không thấm vào đâu đối với Dự án được coi là kỷ lục về số lần xin giãn tiến độ trước đó.

Theo Ban quản lý Dự án thoát nước, mặc dù đã qua thời gian kết thúc Dự án như dự kiến, nhưng đến nay, trên toàn thành phố công tác giải phóng mặt bằng mới đạt khoảng 97% khối lượng. Trong đó, “điểm tắc” nhất là tại phường Trung Tự (quận Đống Đa), với trên 100 phương án trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa hề “nhúc nhích”. Chính sự bế tắc này làm cho việc triển khai Dự án thoát nước ở khu vực sông Lừ tại địa bàn phường Trung Tự gần như tê liệt.

Ông Đinh Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự, Đống Đa nói: “Tuyến sông Lừ trên địa bàn phường thực trạng là một số hộ dân không đồng thuận với quan điểm cũng như chỉ giới quy hoạch của dự án. Bà con không thống nhất, chưa làm các thủ tục phối hợp chính quyền địa phương, hội đồng giải phóng mặt bằng quận để làm công tác điều tra cũng như lên phương án đền bù, làm các thủ tục tái định cư…”.

Còn tại quận Hoàng Mai là “điểm tắc” hai bên bờ sông Sét thuộc phường Thịnh Liệt. Việc giải phóng theo kiểu “nơi thực hiện được, chỗ đứng yên” đang làm chậm việc cải thiện môi trường và khả năng tiêu úng cho khu vực trũng phía Nam thành phố.

Lý giải việc chậm trễ giải phóng mặt bằng, đại diện ngành chức năng, cũng như địa phương có Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II đi qua cho rằng, nguồn gốc đất, giá đền bù, tái định cư là nguyên nhân chính của sự bế tắc này. Việc quản lý đất thiếu chặt chẽ trong thời gian dài, mà cụ thể là tình trạng lấn chiếm, mua đi bán lại không hợp pháp nên rất khó cho việc lên phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là sự “vênh” nhau giữa Luật đất đai cũ (2003) và Luật đất đai mới (có hiệu lực từ tháng 7/2014) nên khó cho việc áp giá đền bù. Các phương án đền bù được phê duyệt theo Luật đất đai năm 2003, nay phải làm lại theo Luật mới.

Ông Trương Thế Khôi, Trưởng Ban giải phóng mặt bằng quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Quá trình quản lý đất đai diễn ra rất dài, qua nhiều cấp, ngành, nhiều thế hệ, giờ phút này để mà đối chứng hay chứng thực là gần như không có. Các giấy tờ quản lý đất đai cũng từ năm 1995. Do vậy đã khó lại càng khó hơn”.

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội khẳng định, chính sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án trọng điểm này. Các hạng mục bị tắc lớn nhất là mương, cống, với gần 30% khối lượng chưa được triển khai. Đây là những hạng mục liên quan trực tiếp đến khả năng cải thiện môi trường, đặc biệt là tiêu thoát nước cho khu vực nội đô khi có mưa lớn.

“Có những đoạn giải phóng mặt bằng sông, giải phóng mặt bằng hồ tồn tại từ 10 năm nay, tức từ dự án thoát nước giai đoạn I. Đến 30/4/2016 các quận huyện vẫn chưa giải phóng xong đang tồn tại để tổ chức thi công thì sẽ tiến hành khoanh vùng để sau này UBND cấp quận sẽ dùng nguồn vốn của địa phương thi công tiếp:..”. Ông Đào Duy Cường nói.

Xin được nhắc lại rằng, trước thực trạng ì ạch trong thực hiện Dự án thoát nước giai đoạn II, UBND  thành phố Hà Nội đã nhiều lần hạ quyết tâm, yêu cầu các quận, huyện quyết liệt trong triển khai, bàn giao mặt bằng. Nhưng bao nhiều lần quyết tâm, “chốt” thời gian thực hiện, gần như cũng chừng ấy lần, thành phố lại “gật đầu” giãn tiến độ. Để rồi, thoát nước Hà Nội giai đoạn II được biết đến như một Dự án có số lần giãn tiến độ nhiều nhất.

Thời hạn chót 30/6/2016 kết thúc Dự án với đối tác Nhật Bản đang đến gần, việc gián đoạn công trình trọng điểm về cải thiện môi trường, giảm úng ngập Hà Nội là điều khó tránh khỏi. Điều đó có nghĩa là câu hỏi, Bao giờ người dân Thủ đô hết chịu cảnh úng ngập khi mưa lớn vẫn chưa có lời giải đáp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Hà Nội khốn khổ vì ngập lụt, tắc đường
Người Hà Nội khốn khổ vì ngập lụt, tắc đường

VOV.VN - Hầu hết các quận như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân… đều rơi vào tình trạng ngập úng

Người Hà Nội khốn khổ vì ngập lụt, tắc đường

Người Hà Nội khốn khổ vì ngập lụt, tắc đường

VOV.VN - Hầu hết các quận như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân… đều rơi vào tình trạng ngập úng

Lãnh đạo Công ty thoát nước nói gì về việc mưa đầu mùa đã ngập Hà Nội?
Lãnh đạo Công ty thoát nước nói gì về việc mưa đầu mùa đã ngập Hà Nội?

VOV.VN -Do lượng mưa quá lớn, nước dâng quá cao, xảy ra trên diện rộng vượt quá khả năng phục vụ tiêu thoát nước.

Lãnh đạo Công ty thoát nước nói gì về việc mưa đầu mùa đã ngập Hà Nội?

Lãnh đạo Công ty thoát nước nói gì về việc mưa đầu mùa đã ngập Hà Nội?

VOV.VN -Do lượng mưa quá lớn, nước dâng quá cao, xảy ra trên diện rộng vượt quá khả năng phục vụ tiêu thoát nước.