Phở Việt ở Auckland, New Zealand

Ở Auckland có nhiều nhà hàng Việt Nam với các món ăn truyền thống như phở, bún chả giò, cơm sườn..

Cộng đồng người Việt sống ở Auckland – thành phố lớn nhất của New Zealand không nhiều, nhưng lại có nhiều nhà hàng Việt Nam với các món ăn truyền thống như phở, bún chả giò, cơm sườn.. phục vụ người Việt cũng như người bản xứ và du khách. 

Hỏi một địa điểm với các món ăn Việt đậm đà khó quên, hầu như người Việt nào sống ở Auckland cũng nhắc đến quán Phở Việt của bà Liên, nằm ở Trung tâm ăn uống số 25 đường Victoria, ngay trung tâm thành phố.

Đến quán Phở Việt, không những người Việt xa xứ được thưởng thức món phở bò, bún bò, cơm sườn, bún cá.. đậm đà hương vị quê nhà, mà còn tận hưởng được không khí đậm tình người Việt nơi đây. Bà Nguyễn Thị Liên – chủ quán, một người Việt đã sống ở Auckland 12 năm, được rất nhiều người Việt, đặc biệt là các bạn sinh viên, xem như người cô, người chị lớn trong gia đình.

Bà Liên kể, bà vốn là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, người gốc Hà Nội, lập nghiệp ở TPHCM, và... định cư ở Auckland. Cuộc di dời này hoàn toàn do tình cờ. Vào năm 2000, muốn cho các con gái của mình đi du học để mở rộng kiến thức, tăng thêm kỹ năng sống và độc lập, bà chọn New Zealand, một nơi có phong cảnh đẹp, môi trường học tập tốt, an toàn. Ngày đó, chúng mới 14 – 15 tuổi, gửi con đi rồi, bà không yên tâm, lại khăn gói theo để chăm sóc cho con.

Những ngày đầu ở đất khách quê người có nhiều khó khăn. Để có thêm chi phí cho con ăn học, bà mở tiệm bán tranh thêu, tranh vẽ, tranh sơn mài, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giới thiệu một nét đẹp trong văn hóa của Việt Nam. Sau vài năm sinh sống ở đây, bà dần thấy gắn bó với vùng đất này, và chọn nơi đây để định cư như là một quê hương thứ hai của mình.

Bà Liên và hai con gái tại quán Phở Việt (ảnh: Huỳnh Thu Dung)

Ba năm trước, các con bà chuyển từ thủ đô Wellington đến thành phố Auckland để tiếp tục việc học, bà lại bỏ việc buôn bán để theo con. Ở Auckland, một trong số những người con của bà cũng vừa tốt nghiệp một khóa học nấu ăn ở đây, vậy là mấy mẹ con bàn với nhau mở một tiệm bán các món ăn Việt Nam. Và từ đó, quán Phở Việt ra đời.

Những ngày đầu, quán Phở Việt chỉ bán phở, bún bò và bún chả giò. Về sau, bà lại nghiên cứu cho thêm món mới như bánh cuốn, bún cá, bánh đa cua, cơm sườn bì chả, bún chả Hà Nội, bánh giò, bánh chưng, bánh mì thịt... Những món tráng miệng ở đây khá phong phú, ngoài cà phê sữa đá đậm hương vị Việt Nam, quán còn có chè đậu đen, chè sen, sữa đậu nành. Người Việt đến ăn, rồi giới thiệu cho nhau, cứ thế, quán của bà ngày càng đông khách.

Bún cả Hải Phòng, món "độc" ở quán Phở Việt (ảnh: Huỳnh Thu Dung)

Để giữ hương vị của các món ăn giống như ở quê nhà, bà phải nhập bún tươi, bánh phở từ Việt Nam. Bà còn tìm đến những nông trại của những người Việt đã sinh sống lâu năm ở Auckland để chọn rau răm, rau mùi, rau muống... để các món ăn không thiếu một gia vị nào cần thiết. Đến Phở Việt, thực khách còn chiêm ngưỡng được những vật dụng nhà bếp như nồi, vá múc, vá trụng bún, lò tráng bánh cuốn, rổ rá... mang đậm hình ảnh của một đất nước nông nghiệp.

Mới đây, Phở Việt còn chế biến thêm muối mè (muối vừng), chà bông đóng hộp với những tên như gửi gắm ân tình Muối vừng mẹ làm, Chà bông mẹ làm, nên các du học sinh Việt Nam lại có thêm một địa chỉ để tận hưởng hương vị của gia đình nơi đất khách.

Muối vừng mẹ làm", "Chà bông mẹ làm" của bà Liên (ảnh: Huỳnh Thu Dung)

Người Việt tìm đến Phở Việt không chỉ bởi món ăn ngon, cảm nhận không khí đồng hương, mà còn bởi quý mến tấm lòng của người chủ quán với các bạn sinh viên đang đi học ở Auckland, khi bà hết lòng hỗ trợ những du học sinh gặp khó khăn.

Kinh doanh uy tín, lại niềm nở với khách hàng, quán của bà ngày càng đông khách. Ngoài người Việt, người bản địa còn có nhiều du khách đến quán này để thưởng thức hương vị Việt Nam. Sau 12 năm định cư trên đất khách, bà đã gầy dựng được sự nghiệp nho nhỏ, các con bà đã học thành tài, có việc làm ổn định và hết lòng hỗ trợ mẹ trong việc giới thiệu một nét ẩm thực của quê nhà.

Tuy bận bịu với cuộc sống ở Auckland, nhưng hàng năm, bà đều thu xếp để cả gia đình về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Bà quan niệm rằng, các con của bà, dù cò thành đạt bao nhiêu ở nước ngoài, thì cũng không được phép xao nhãng cội nguồn, gia đình, truyền thống..., những điều làm nên cốt cách của con người.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên