Phải lòng Tiến sỹ… giấy, người phụ nữ cả đời cặm cụi với việc cắt dán

VOV.VN - Khi cả làng Hậu Ái đã từ bỏ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn miệt mài với nghề suốt hơn 40 năm nay. 

Bước chân vào làng Hậu Ái, cái yên tĩnh đến lạ khiến chúng tôi không nhận ra đây từng là nơi cung cấp  đồ chơi trung thu cho trẻ em rộng khắp Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Chỉ khi đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, mới cảm nhận được tròn đầy cái không khí rạo rực của ngày hội trăng rằm đang cận kề qua những chiếc đèn lồng, đèn ông sao rực rỡ và cảnh tấp nập chuẩn bị tre nứa, giấy dán của gia đình nghệ nhân.

Làng Hậu Ái, xã Vân Canh xưa kia vốn nức tiếng khắp nơi bởi nghề làm đèn ông sao, ông Tiến sỹ giấy, đồ chơi truyền thống dịp tết Trung thu. Thế nhưng, do hiệu quả kinh tế không cao, làng nghề đã dần mai một theo thời gian. Đến nay cả làng còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn đang miệt mài, gắn bó với nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người cuối cùng của làng Hậu Ái vẫn giữ nghề làm đèn ông sao, ông Tiến sỹ giấy. (Ảnh: VnExpress)

Cô Tuyến vẫn đùa rằng: “Có lẽ tôi phải lòng ông Tiến sỹ giấy nên cả đời dù khó khăn, vẫn cố gắn với cái nghề cắt dán”. Nói vui là thế, nhưng suốt 40 năm có lẻ cần mẫn trong nghề, người phụ nữ ấy vẫn luôn tâm niệm phải giữ cho được cái nghề để xứng đáng với ông cha và  gìn giữ lại một giá trị văn hóa cho thế hệ sau.

Theo lời cô Tuyến, cô là đời thứ 3 tiếp nối nghề làm đồ chơi trung thu: “Cái nghề này gắn với tôi từ trong trứng nước”. Nhớ lại tuổi thơ: “Ngày xưa, trung thu của thế hệ chúng tôi nghèo nhưng vui lắm, trẻ con háo hức, mong mãi đến ngày rằm tháng 8. Mâm cỗ trung thu cũng chỉ có vài quả na, quả cam, quả bưởi, những thức ấy cũng thường cả, với trẻ con, đứa nào cũng chỉ khấp khởi mong được bố mẹ mua cho một chiếc đèn ông sao mang đi rước quanh làng. Xưa, các gia đình thường có một mâm cao hơn mâm cỗ trông trăng để cắm ông Tiến sỹ giấy, bên cạnh có 2 ông múa gậy, là người cận kề, hộ tống ông Tiến sỹ. Trong dân gian, ông Tiến sỹ giấy thể hiện mong ước về sự đăng khoa, đỗ đạt. Ông Tiến sỹ  và đèn ông sao là những thứ không thể thiếu trong tết Trung thu”.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự no đủ về vật chất, mâm cỗ Trung thu của trẻ em đã có nhiều đổi khác, trên thị trường, các món đồ chơi hiện đại ngoại nhập đang lấn lướt các món đồ chơi truyền thống như đèn lồng giấy, đèn ông sao… Thị hiếu của người dân cũng dần thay đổi, không còn mấy người mặn mà với những món đồ chơi dân gian, hơn nữa nghề này lại không mang lại giá trị kinh tế cao, nên đến nay người dân trong làng Hậu Ái đều đã lần lượt bỏ nghề.

Cô Tuyến cho biết, xưa kia, khi người dân làng bỏ nghề dần, các anh em, họ hàng nhà cô vẫn theo nghề, nhưng cũng chỉ được thêm một vài năm, đến nay mọi người đều đã bỏ cả. Là người cuối cùng còn theo nghề, cô Tuyến thấy buồn nhiều hơn là tự hào. Buồn vì nghề truyền thống đang dần bị mai một tại nơi xưa kia từng một thời rất hưng thịnh. “Ngày nay có nhiều món đồ chơi chạy bằng pin, điện, rồi đâu đâu cũng có điện thoại, máy tính, nên các bậc phụ huynh cũng như trẻ em không còn thiết tha gì với những món đồ thủ công làm bằng giấy truyền thống. Nghệ nhân muốn gắn bó với nghề cũng khó, khi hàng ngày vẫn phải đối mặt với những vấn đề cơm áo, gạo, tiền”.

Được biết, để trang trải cuộc sống, những ngày tháng nông nhàn, không vào vụ làm hàng, cô Tuyến vẫn bán hàng nước, còn chồng cô đi làm công nhân để kiếm thêm thu nhập cho gia đình và cũng là để có thêm nguồn lực giữ lửa với nghề.

Cô Tuyến hướng dẫn các bạn trẻ cách làm đèn ông sao. 

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, nếu như trước kia, từ khoảng tháng 5, cả làng tấp nập làm hàng để cung cấp cho thị trường, thì sau năm 1995 trở đi, lượng người mua ngày một giảm dần. Thế nhưng, khi nói về đồ chơi truyền thống, cô Tuyến cho rằng, chẳng có gì có thể thay thế được. Nguyên liệu để làm ra một chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, hay ông Tiến sỹ giấy hoàn toàn từ thiên nhiên, tre nứa, thậm chí hồ dán cũng được cô đặc từ cơm, gạo nếp… hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Không những thế, mỗi món đồ chơi đều gắn liền với những câu chuyện: đèn ông sao 5 cánh biểu tượng cho ngôi sao vàng 5 cánh trên lá cờ Tổ quốc, vừa thể hiện cho khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam, ông Tiến sỹ giấy biểu tượng cho sự học hành thành đạt…, đèn thỏ gắn với sự tích Thỏ ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8. Cô bảo, mỗi món đồ đều ẩn chứa một ý nghĩa, thông điệp riêng về cuộc sống. Đó là những bài học sâu sắc về tình đoàn kết, sự chân thực lòng dũng cảm và đức hy sinh, niềm hy vọng – những thứ khó lòng tìm thấy trong các món đồ chơi hiện đại.

Nữ nghệ nhân vẫn đang từng ngày cố gắng để dựng lại một nghề truyền thống của dân tộc. Cô nhìn trước được những khó khăn, gập ghềnh của nghề, nhưng vẫn luôn vững một niềm tin để bảo tồn và gìn giữ đến cùng nghề truyền thống của cha ông truyền lại. Cô Tuyến cho biết những năm gần đây, Bảo tàng dân tộc học đã mời cô đến để làm các sản phẩm đồ chơi truyền thống cho khách tham quan; mỗi năm cũng có khoảng 10 trường tiểu học quốc tế đến đặt mua đèn ông sao, tiến sỹ giấy, nên cô càng hy vọng hơn về tương lai của nghề truyền thống này và luôn sẵn sàng truyền lại nghề cho bất cứ ai có hứng thú muốn học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Rộn ràng Tết Trung thu ở Huế
Rộn ràng Tết Trung thu ở Huế

VOV.VN -Ở Huế, cứ đến mùa Trung thu, các trường Tiểu học trong thành phố đều tổ chức lễ hội đêm rằm cho các em học sinh.

Rộn ràng Tết Trung thu ở Huế

Rộn ràng Tết Trung thu ở Huế

VOV.VN -Ở Huế, cứ đến mùa Trung thu, các trường Tiểu học trong thành phố đều tổ chức lễ hội đêm rằm cho các em học sinh.

Giới trẻ Hà Nội thích thú khi ngược dòng về Tết Trung thu xưa
Giới trẻ Hà Nội thích thú khi ngược dòng về Tết Trung thu xưa

VOV.VN - Trong chương trình Trung thu nay - Còn đó những nét xưa diễn ra hôm nay (9/9) các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu và tự tay làm các món đồ chơi dân gian. 

Giới trẻ Hà Nội thích thú khi ngược dòng về Tết Trung thu xưa

Giới trẻ Hà Nội thích thú khi ngược dòng về Tết Trung thu xưa

VOV.VN - Trong chương trình Trung thu nay - Còn đó những nét xưa diễn ra hôm nay (9/9) các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu và tự tay làm các món đồ chơi dân gian. 

Thị trường bánh trung thu 2017: Bánh handmade lên ngôi
Thị trường bánh trung thu 2017: Bánh handmade lên ngôi

VOV.VN - 1 chiếc bánh trung thu handmade được bán với giá 50.000 – 80.000 đồng/chiếc tùy trọng lượng, tương đương giá bánh của các nhãn hiệu lớn.

Thị trường bánh trung thu 2017: Bánh handmade lên ngôi

Thị trường bánh trung thu 2017: Bánh handmade lên ngôi

VOV.VN - 1 chiếc bánh trung thu handmade được bán với giá 50.000 – 80.000 đồng/chiếc tùy trọng lượng, tương đương giá bánh của các nhãn hiệu lớn.