Dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng đường: Coi thường mạng sống?

VOV.VN - Khi có đám cưới hay việc ma chay, nhiều gia đình coi lòng đường, vỉa hè là đất của nhà mình, tự do căng bạt, kê bàn ghế, chiêu đãi tiệc tùng.

Vụ xe cần cẩu đâm chết thiếu nữ (có thể) vì tránh một rạp đám cưới bên đường khiến nhiều người “rùng mình”. Bởi trong chúng ta, không ít người đã từng ít nhất một lần đi dự những đám cưới tại gia, dựng rạp ra sát mép đường cái như vậy. 

Rạp đám cưới choán gần hết lòng đường (Hiện trường vụ tai nạn hôm 22/11)

Với vụ tai nạn xảy ra hôm cuối tuần vừa rồi ở TP HCM, tài xế khai báo với Cơ quan Công an là do tránh rạp đám cưới và xe bị mất thắng nên đã dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, qua kết quả khám nghiệm hiện trường và thông tin từ những người làm chứng, Công an quận Thủ Đức cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do xe bị lỗi kỹ thuật.

Dù là nguyên nhân do đâu thì trong vụ việc này ngoài trách nhiệm của tài xế đã để xảy ra chết người thì gia đình đã dựng rạp lấn chiếm lòng đường để tổ chức đám cưới cũng phải có trách nhiệm liên đới. Lòng đường là dành cho xe, nhất là những con đường có mật độ phương tiện qua lại đông đúc thì càng phải tuân thủ các qui định của pháp luật, không được lấn chiếm lòng đường cho những việc như cưới hỏi. Trong vụ việc đau lòng ở TP HCM, Công an Quận Thủ Đức cũng đã có văn bản đề nghị UBND Phường Bình Chiểu xử phạt người dựng rạp cưới về hành vi lấn chiếm lòng lề đường, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Sự việc xảy ra ở TP HCM cũng là tiếng chuông cảnh báo nhiều gia đình có ý định dựng rạp trên đường để tổ chức đám cưới. Mùa cưới đã đến. Dịp này, nếu đi trên các con phố, ngõ xóm, quốc lộ… thỉnh thoảng lại thấy một cái rạp cưới choán mất một phần đường. Trong ngõ nhỏ thì choán gần hết, trên quốc lộ có khi sát mép đường. Cô dâu, chú rể, quan viên hai họ nhà trai, nhà gái… cứ vô tư chúc tụng nhau sau bức rèm ngăn bụi mà không cần biết bên ngoài xe cộ qua lại rầm rầm cực kỳ nguy hiểm.

Chia sẻ về công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn dân cư, một số cán bộ ở xã, phường cho biết, đã có các qui định cấm sử dụng lòng, lề đường để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thế nhưng, do điều kiện, hoàn cảnh, nhiều gia đình không thuê được khách sạn, nhà hàng nên tổ chức liên hoan tiệc tùng cho con ngay tại gia đình; bắc rạp ra giữa đường. Bà con lối phố cũng dễ dàng thông cảm vì hàng xóm của mình lo sự cả đời cho con cái. Hoặc gia đình họ có việc tang thì lại càng phải nhún nhường, giữ ý. Cán bộ phường, xã biết đấy nhưng đành “mần thinh” cho người dân lo xong việc của gia đình họ. Nếu cán bộ có xuống nhà dân yêu cầu phải chấp hành qui định pháp luật, phải thu gọn rạp… thì lại mang tiếng là hẹp hòi, sống chẳng có tình, nhà ai chẳng có lúc có việc này việc kia… Không muốn có những mâu thuẫn vì những chuyện này, nhiều cán bộ cơ sở đã “nhắm mắt làm ngơ” cho xong chuyện.

Cách sống theo kiểu làng xã khiến nhiều người bất chấp luật pháp, qui định của địa phương. Họ sống và hành động theo tình cảm hơn là lý trí và luật pháp, “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Quan niệm khá phổ biến của người Việt là “Việc của nhà mình là quan trọng nhất” và chỉ biết lo cho xong việc của nhà mình đã. Cụ thể trong nhiều trường hợp, họ không quan tâm, để ý việc dựng rạp, bắc ghế ra đường sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng như thế nào, chỉ cần “nói qua vài câu cho phải phép” với hàng xóm là xong. Còn với cộng đồng thì sao? Nhà tôi có việc, anh đi qua đương nhiên anh phải tránh! Theo qui định của luật pháp nếu việc dựng rạp đám cưới lấn ra giữa đường dẫn đến tai nạn chết người là đã vi phạm Điều 203 “Tội cản trở giao thông đường bộ” Bộ luật hình sự. Đây là điều chẳng ai muốn nhưng hoàn toàn có thể tránh được nếu mỗi người, mỗi gia đình thực sự có ý thức bảo vệ an toàn cho mình và cho cộng đồng.

Nhà nước đã có các văn bản hướng dẫn tổ chức việc cưới, việc tang lành mạnh, tiết kiệm. Nhiều gia đình đã nhận thức được điều này nên tổ chức đám cưới cho con em rất giản tiện, trang trọng, không phô trương hoành tráng. Hạnh phúc của đôi trẻ không tùy thuộc vào đám cưới hoành tráng hay bình thường, cái rạp to hay nhỏ... Trong vụ việc xảy ra cuối tuần trước, giá như cái rạp đám cưới không chen vào lòng đường biết đâu đã không xảy ra chuyện đau lòng và hạnh phúc của đôi bạn trẻ sẽ viên mãn hơn rất nhiều.

Trong điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn eo hẹp không thể thuê các địa điểm tổ chức đám cưới chuyên nghiệp được thì có thể tổ chức tiệc tùng nhỏ gọn trong khuôn viên an toàn của gia đình mình chứ đừng dễ dãi bỏ qua những qui định an toàn để rồi phải ân hận suốt đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thông tin thêm vụ xe cẩu tránh rạp đám cưới gây tai nạn nghiêm trọng
Thông tin thêm vụ xe cẩu tránh rạp đám cưới gây tai nạn nghiêm trọng

VOV.VN - Cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xác minh ghi lời khai của những người làm chứng, người bị hại và trưng cầu giám định kỹ thuật xe.

Thông tin thêm vụ xe cẩu tránh rạp đám cưới gây tai nạn nghiêm trọng

Thông tin thêm vụ xe cẩu tránh rạp đám cưới gây tai nạn nghiêm trọng

VOV.VN - Cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xác minh ghi lời khai của những người làm chứng, người bị hại và trưng cầu giám định kỹ thuật xe.