Đói nghèo đẩy trẻ em phải lao động sớm

VOV.VN - Tình trạng trẻ em phải tham gia lao động sớm, thậm chí nhiều em phải bỏ học để đi làm vẫn xảy ra tại các địa phương.

Mức giá nhân công rẻ, phải lao động trong môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động. Làm thế nào để hạn chế được tình trạng này hiện vẫn đang là một bài toán không đơn giản. Bởi một trong những nguyên nhân khiến các em phải tham gia lao động sớm là do nghèo đói.

Em bé 11 tuổi phải bỏ học theo bố mẹ ra Hà Nội bán hàng rong.

Kết quả điều tra của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có khoảng 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trẻ em bắt đầu làm việc phổ biến ở độ tuổi 12 - 13 tuổi, tập trung chủ yếu ở 3 ngành nghề: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 1 triệu 180 nghìn em. Đáng lo ngại, 1,3 triệu trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động có hại và hơn một nửa lao động trẻ em phải bỏ học.

Theo ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trẻ em tham gia vào các hoạt động kinh tế tập trung nhiều ở các làng nghề. Nhiều bậc cha mẹ vẫn tận dụng sức lao động của trẻ em để tăng thu nhập cho gia đình. Nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động tập trung nhiều ở độ tuổi 15 đến 17.

Ông Đặng Văn Bất nói: “Tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội hiện nay không phải là cao nhưng vì nhu cầu cuộc sống, nhu cầu về thu nhập nên nhiều người muốn tận dụng thời gian nhàn rỗi của các cháu… Nên những nghề mà không độc hại, không nặng nhọc nhưng vẫn tăng thu nhập cho gia đình thì các em vẫn làm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho đâu đó, việc sử dụng lao động trẻ em vẫn chưa đúng với quy định của pháp luật”.

Không ít trẻ em ở nhiều địa phương đến các thành phố lớn, làm việc tại các công trình xây dựng, cửa hàng ăn uống hoặc bán hàng rong, đánh giầy…Mức giá nhân công rẻ, phải lao động trong một môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động. Các em có thể bị chủ sử dụng ép làm việc từ 11- 12 tiếng, thậm chí lên tới 16 tiếng/ngày. Đối với những lao động trẻ em phục vụ tại các quán ăn, số tiền lương 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/tháng được xem là khoản thu nhập khá. Bởi vẫn còn không ít trường hợp trẻ phải làm việc mà không được trả lương.

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, đói nghèo là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế, từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em. Việc tham gia lao động sớm không chỉ cản trở sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em mà còn cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.

Bà Đào Hồng Lan nói: “Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, chưa phổ biến được đầy đủ đến các địa phương khái niệm và cách xác định lao động trẻ em. Bên cạnh đó, vấn đề lao động trẻ em cũng là thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói riêng và giảm thiểu lao động trẻ em”.

Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm lao động trẻ em. Mô hình tập trung vào các xã, phường, thị trấn có nhiều trẻ em tham gia lao động hoặc các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng tổ chức lao động quôc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, việc chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và lao động trẻ em là một bước cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, tạo việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người. Đại diện ILO cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ việc triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ông Chang Hee Lee cho biết: “Cùng với việc phát động chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và chung tay hợp tác trong liên minh mục tiêu phát triển bền vững 8.7, chúng ta đang cam kết cùng hành động không chỉ tại cấp quốc tế và quốc gia, mà đồng thời tại cấp tỉnh và cấp địa phương để đưa ra những nỗ lực tốt nhất nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ, đặc biệt các em trong hoàn cảnh khó khăn, mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho xã hội Việt Nam”.

Để bảo vệ và chăm sóc tốt nhất cho trẻ em, không chỉ các Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc mà các gia đình, nhà trường và xã hội cần xem mục tiêu phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em là nhiệm vụ và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát
Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát

VOV.VN -Lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động.

Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát

Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát

VOV.VN -Lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động.