Hà Nội lập hồ sơ điện tử theo dõi sức khỏe toàn dân có khả thi?

VOV.VN - TP Hà Nội đang triển khai lập hồ sơ điện tử theo dõi sức khỏe cho tất cả người dân thủ đô nhằm quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: thành phố đang triển khai lập hồ sơ điện tử theo dõi sức khỏe cho tất cả người dân thủ đô nhằm quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Ông Nguyễn Đức Chung cũng cam kết sẽ hoàn thành công việc quan trọng này trong tháng 9/2017. Người dân sẽ được hưởng lợi những gì từ dự án này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội thị sát Trạm y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thái

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám định kỳ, phát hiện bệnh sớm là lấy phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đây là giải pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện, giảm chi phí y tế. Hiện nay rất ít người dân chủ động đến khám sức khỏe tại các cơ sở y tế khi chưa có bệnh. Thói quen này cần được loại bỏ. Ở một thành phố đông đúc như Hà Nội, nếu triển khai thành công thì chắc chắn sẽ làm được trên phạm vi toàn quốc.
Việc triển khai dự án lập hồ sơ điện tử theo dõi sức khỏe cho người dân sẽ là cuộc cải tổ sâu rộng về chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y toàn thành phố Hà Nội. Dữ liệu các tuyến từ cơ sở đến trung ương, các phòng khám tư nhân được kết nối chung vào hệ thống máy chủ của thành phố. Bác sỹ sẽ dễ dàng tra cứu tiền sử sức khỏe người bệnh, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, từ đó giúp việc chẩn đoán bệnh chuẩn xác hơn, đưa ra những phương án điều trị hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí và thời gian khám và điều trị. Những thông tin này còn phục vụ cho công tác quản lý y tế như đánh giá, phân tích mô hình bệnh tật theo độ tuổi, vùng miền, chất lượng dịch vụ y tế…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua Hà Nội đã triển khai thí điểm việc khám sàng lọc, theo dõi, quản lý sức khỏe một số bệnh mạn tính tại trạm y tế; bước đầu nối mạng toàn bộ các trạm, cơ sở y tế, lập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn… Trong 5 năm vừa qua, bình quân 1 trạm y tế ở Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm. Thành phố đã thí điểm ở Sóc Sơn về theo dõi sức khỏe cho người bị bệnh mạn tính thành công. Với 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Hà Nội hoàn toàn có thể lập các tổ khám, bổ sung thiết bị máy móc để làm theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả các quận, huyện.

Ông Nguyễn Đức Chung nói: “Riêng địa bàn Hà Nội chúng tôi hiện nay có 42 cơ sở y tế công lập và có gần 5.000 bác sỹ. Chúng tôi hoàn toàn có thể chia thành các tổ để phối hợp với các trạm y tế xuống khám định kỳ cho người dân trên địa bàn theo lịch của các trạm y tế. Khi đó thêm bổ sung các thiết bị máy móc, việc khám sức khỏe định kỳ một lần hoàn toàn có thể làm được và làm tốt. Vấn đề thứ hai để theo dõi sức khỏe cho người dân tốt thì phải tháo gỡ, đó là dưới trạm phải được kê đơn và phải được kê một số định mức theo Bảo hiểm y tế cho người dân thanh toán ngay tại cơ sở và được mua thuốc theo Bảo hiểm y tế”.
Tuy nhiên, nhiều người dân thủ đô còn băn khoăn về tính khả thi của những dự án này. Chị Bùi Thị Lệ, ở khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội nêu ý kiến: "Thành phố nói là sẽ lập hồ sơ sức khỏe, nhưng tôi nghĩ với hơn 7 triệu dân, những người bình thường như chúng tôi liệu có được ai ngó tới không hay chỉ tập trung vào người làm trong bộ máy nhà nước, người nhà cán bộ...? Tôi thấy không thực tế cho lắm”.
Ông Trần Cao Vang, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 15 phường Việt Hưng, Quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, Chủ tịch thành phố đã khẳng định trước Chính phủ thì chắc chắn thành phố đã có cơ sở rõ ràng. Tuy nhiên, ông Vang không hiểu thành phố sẽ làm cách nào để triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.
Theo ông, công việc này cần có nhiều thời gian: "Tôi rất mừng khi nghe quyết tâm của thành phố sẽ lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Nếu hoàn thành công việc này, tôi cho rằng đây là một cuộc cách mạng đem lại sự thuận tiện rất nhiều cho người dân, giúp cải thiện chất lượng khám, kê đơn thuốc của bác sỹ. Tuy nhiên, với hơn 7 triệu dân toàn thành phố, nói rằng đến tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành, tôi e là khó”.

Khi đồng ý để Hà Nội triển khai dự án này, Chính phủ cũng đồng thời thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thiện hồ sơ điện tử cho toàn bộ dân số Việt Nam. Khó nhất là lập hồ sơ sức khỏe ban đầu, dù đã có đầy đủ dữ liệu mang tính hành chính của công dân nhưng các địa phương trong cả nước sẽ phải khám sức khỏe lần đầu cho tất cả mọi người dân, đồng thời tiến hành cập nhật liên tục thông tin về sức khỏe của những người đã đi khám bệnh ở những nơi khác./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội sẽ lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân
Hà Nội sẽ lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, ngành Y tế và BHXH.

Hà Nội sẽ lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân

Hà Nội sẽ lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, ngành Y tế và BHXH.

Phấn đấu đến 2025, 100% dân số được theo dõi sức khỏe
Phấn đấu đến 2025, 100% dân số được theo dõi sức khỏe

VOV.VN - Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Phấn đấu đến 2025, 100% dân số được theo dõi sức khỏe

Phấn đấu đến 2025, 100% dân số được theo dõi sức khỏe

VOV.VN - Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.