Ông Hollande quan tâm tới sự phát triển của EU

Nếu giành chiến thắng, ngay trong tối 6/5, ông Hollande có thể trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn về thúc đẩy sự phát triển của EU.  

Quan hệ Pháp - Đức sẽ được đề cập trước tiên trong trường hợp ứng cử viên cánh tả Francois Hollande giành chiến thắng. Đó là tuyên bố của đại diện Đảng Xã hội cánh tả trong ngày 6/5.

Về phía Đức, cho dù luôn ủng hộ đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, song Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch trước khả năng ông Hollande trúng cử Tổng thống.

Ngày 6/5, ông Jean-Marc Ayrault – Quan chức cao cấp về tư vấn của ông Francois Hollande của Đảng Xã hội cánh tả Pháp nhấn mạnh: Quan hệ hợp tác giữa Pháp và Đức sẽ được đề cập đầu tiên trong trường hợp ông Hollande giành chiến thắng trong vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp.

Những người Pháp đi bầu tổng thống tại Montevideo, Uruguay (Ảnh: AFP)
Nếu giành chiến thắng, ngay trong tối 6/5, ông Hollande sẽ có thể trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn về thúc đẩy sự phát triển của EU, cũng như xác định phương hướng cho tương lai của khối này theo hướng cạnh tranh và được bảo đảm.

Trong khi đó, ngày 6/5, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle cho biết, nước Đức cũng đang lên kế hoạch làm việc sau khi Pháp chính thức có Tổng thống mới dự kiến vào tối 6/5. Bộ trưởng Westerwelle nhấn mạnh, vấn đề kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng cho EU là điều mà lãnh đạo nước Đức đang quan tâm, đặc biệt trong trường hợp ứng cử viên cánh tả Francois Hollande giành chiến thắng.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Westerwelle tin tưởng rằng, hai nước Đức và Pháp sẽ cùng nhau phối hợp hành động dựa trên những giải pháp hữu hiệu nhất có thể để mang lại sự phát triển tốt đẹp cho cả EU, nhất là khối sử dụng đồng tiền chung euro. Hai nước Đức và Pháp sẽ cùng phối hợp thảo luận để bổ sung cho Hiệp ước về ngân sách của EU.

Trước đó, ngày 5/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, nước Đức sẽ có ngay kế hoạch về thúc đẩy tăng trưởng châu Âu  để đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6 tới.

Những ngày qua, lãnh đạo nước Đức láng giềng dõi theo từng bước đi của cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp. Bởi lẽ, từ trước tới nay, Thủ tướng Đức Merkel luôn đứng sau hậu thuẫn cho ứng cử viên Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân cầm quyền cánh hữu (UMP) là ông Sarkozy. Tuy nhiên, hiện tại, Thủ tướng Merkel đang sát sao quan tâm tới việc ứng cử viên đảng Xã hội (PS) cánh tả Hollande – người rất có khả năng trở thành người đứng đầu Điện Élysée (Phủ Tổng thống), thay ông Sarkozy. Hơn nữa, hiện tại, các đảng Xã hội ở châu Âu cũng đang hy vọng có một sự đổi mới trên chính trường châu lục này.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà Merkel vẫn nghiêng về ủng hộ ông Sarkozy trong cuộc bầu cử lần này, nhất là sau khi Pháp và Đức đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trước đó, trong cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp - Đức đầu năm nay, Thủ tướng Merkel còn bày tỏ “tình đoàn kết” với Tổng thống Pháp Sarkozy trong bối cảnh khó khăn hiện tại trong khu vực, đồng thời cho rằng, lãnh đạo Pháp và Đức đã đóng vai trò tích cực và có những thành công trong giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro. Còn đối với ứng cử viên cánh tả Hollande, bà Merkel đã từng tuyên bố “phản đối lập trường của ông Hollande về việc thay đổi quan hệ giữa Pháp và Đức cũng như một số vấn đề khác của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc ứng cử viên Hollande đã phủ nhận Hiệp ước ngân sách của EU (ký tháng 2 vừa qua).

Cho dù không hậu thuẫn cho ông Hollande, song vào thời điểm này, lãnh đạo nước Đức rất quan tâm tới những nội dung tranh cử của ông Hollande, trong đó có việc “phải tạo ra những công cụ tài chính mới nhằm tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm như: thành lập Ngân hàng đầu tư Châu Âu, mở ra trái phiếu châu Âu, đánh thuế vào các giao dịch tài chính và tổ chức lại các quỹ cơ cấu của EU…

Thực tế cho thấy, lãnh đạo nước Đức quan tâm đặc biệt tới cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp năm nay, bởi dù muốn hay không thì kết quả của cuộc bầu cử này liên quan trực tiếp tới “trục Pháp-Đức” quan trọng trong khối EU, cũng như đối với sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả khối EU./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên