Hội nghị cấp cao ASEAN +1+3, Đông Á và Liên Hợp Quốc

Nỗ lực ứng phó khủng hoảng

Một số phân tích cho rằng, chỉ có Việt Nam và Indonesia là tránh được suy thoái. Vì thế, nội dung chính của Hội nghị là thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó cuộc khủng hoảng.

Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác bên ngoài được tổ chức từ ngày 10 -12/4/2009 tại thành phố nghỉ mát Pattaya của Thái Lan, được coi là diễn đàn để cộng đồng các nước Đông Nam Á - Thái Bình Dương khẳng định nỗ lực ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính, không để nền kinh tế thế giới cũng như khu vực tiếp tục xấu đi.

Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác bên ngoài (thường được gọi là Các cấp cao liên quan) bao gồm các hội nghị giữa ASEAN với từng bên đối thoại (ASEAN-1), ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3), Đông Á gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zeland và ASEAN-LHQ.

Mặc dù đây là hội nghị thường niên và diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 vừa được tổ chức tại Cha Am, Hua Hin, Thái Lan từ ngày 28/2 - 1/3 vừa qua, nhưng Hội nghị Các cấp cao liên quan lần này có một ý nghĩa rất quan trọng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp. Tuy nhiên, ngay trước thềm diễn ra hội nghị, các nền kinh tế ở Đông Á đã bắt đầu cảm nhận được tác hại của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sẽ làm giảm một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này xuống còn 3,6% trong năm nay.

Đặc biệt, trong báo cáo vừa công bố giữa tháng 3 vừa qua, Thời báo châu Á, khi đánh giá về tình hình kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, chỉ đưa ra mỗi Việt Nam và Indonesia là tránh được suy thoái, trong khi Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines đang ngày càng lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng tài chính với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế suy giảm nặng trong năm 2009. Trong tình hình đó, khi ASEAN đang trong giai đoạn phát triển mới và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN, nếu không vượt qua được những thách thức đó, mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ khó trở thành hiện thực.

Vì thế, nội dung chính của Hội nghị là thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Đây cũng là trọng trách rất lớn của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Đông Á tại Hội nghị Các cấp cao liên quan lần này. Trên tinh thần đó, trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận và dự kiến thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố ASEAN+3 về Hợp tác An ninh lương thực và phát triển năng lượng sinh học, Tuyên bố Đông Á về Quản lý và giảm nhẹ thiên tai, Tuyên bố báo chí chung ASEAN+3 về ứng phó với khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, Tuyên bố báo chí chung của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) về Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Với phương châm: Chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị có nhiều hoạt động tích cực tạo sự đồng thuận cao trong việc đưa ra các giải pháp xử lý những thách thức toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay. Những đóng góp có ý nghĩa này của Chính phủ Việt Nam, cùng sự nỗ lực chung của các nước Đông Á, chắc chắn Hội nghị Các cấp cao liên quan lần này sẽ thành công, tạo cơ hội để các nước thành viên khôi phục lại đà tăng trưởng và định hướng cho sự phát triển của các khuôn khổ hợp tác khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Kết quả tốt đẹp của Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam khẳng định vai trò và có thêm điều kiện làm tốt hơn nữa trọng trách và vai trò quan trọng của mình cho năm Chủ tịch ASEAN vào năm 2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên