Gửi thông điệp mạnh mẽ qua “Gặp gỡ Việt- Nhật 2012”

Gặp gỡ Việt- Nhật 2012 là hoạt động xúc tiến tổng hợp mang tầm quốc gia, được tổ chức lần đầu tiên ở Nhật Bản.

Ngày 23/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã chính thức công bố về sự kiện Gặp gỡ Việt- Nhật 2012. Đây là một sự kiện quy mô lớn do Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp cùng các Bộ ngành và địa phương liên quan, là sự gắn kết cộng hưởng giữa chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại và công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng đã có buổi trả lời phỏng vấn báo chí.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng

- Gặp gỡ Việt- Nhật 2012 là sự kiện quảng bá đất nước con người Việt Nam tại Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay. Xin Đại sứ cho biết quá trình đi đến quyết định tổ chức sự kiện tầm cỡ này?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hiện nay các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản rất có cảm tình và quan tâm đến cơ hội đầu tư, du lịch tại Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi Việt Nam cần tranh thủ để tăng cường thúc đẩy quan hệ Việt Nhật.

Vì vậy, việc triển khai các hoạt động xúc tiến tổng hợp mang tầm quốc gia của Việt Nam tại Nhật Bản sẽ là thông điệp mạnh mẽ về mong muốn tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.

Các Bộ ngành địa phương Việt Nam đều coi trọng quan hệ với Nhật Bản và có nhiều chương trình hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực, nhất là hoạt động quảng bá, xúc tiến, trao đổi và tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác.

Tuy nhiên, ngoài một số hoạt động xúc tiến khá hiệu quả nhưng theo chuyên ngành hẹp và quy mô nhỏ, còn thiếu những hoạt động quy mô lớn có sự gắn kết cộng hưởng giữa chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo cú hích và tiền đề cho các hoạt động chuyên sâu khác.

Từ 2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức thường niên Lễ hội Việt Nam tại Công viên Yoyogi. Sự kiện gây được tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm và tham dự của khoảng 100.000 đến 150.000 người dân sở tại và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong năm 2012, một số Bộ, ngành (Bộ KHĐT, Bộ Công Thương, Bộ VH-TT-DL...) và UBND một số tỉnh thành (Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế...) dự kiến sẽ có hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch riêng tại Nhật Bản. Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã trao đổi và thống nhất ý kiến về việc kết hợp các hoạt động của các Bộ/ngành, địa phương với hoạt động Lễ hội Việt Nam thành sự kiện Gặp gỡ Việt - Nhật 2012 tại Nhật Bản như là một sự kiện quảng bá quy mô lớn, mang tầm quốc gia, có khả năng tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

- Để tạo ấn tượng với công chúng, các sự kiện đều phải có điểm nhấn đặc trưng. Gặp gỡ Việt- Nhật 2012 có những điểm nhấn nào? Đồng thời thông qua sự kiện này, Việt Nam muốn gửi thông điệp gì đến bạn bè Nhật Bản?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Gặp gỡ Việt- Nhật 2012 bao gồm 4 hoạt động: Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam với trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ; Chương trình ca nhạc kết hợp triển lãm tranh theo chủ đề “ Việt Nam – vẻ đẹp bất tận”; Tọa đàm hợp tác Việt Nhật về đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực; Lễ hội Việt Nam 2012. Mỗi sự kiện là một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể và chân thực về Việt Nam mà chúng tôi muốn chuyển tới các bạn Nhật Bản.

Với sự kiện Gặp gỡ Việt- Nhật 2012, chúng tôi mong muốn chuyển tải thông điệp coi trọng và phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản của Việt Nam và quyết tâm của Việt Nam cùng Nhật Bản xây dựng quan hệ đối tác chiến lược tương xứng với tiềm năng hai nước.

Tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu.

Thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nghề, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam tại Nhật Bản, tạo tiền đề cho các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước trong năm 2013 – năm hữu nghị Việt – Nhật.

Với mong muốn đó, Gặp gỡ Việt- Nhật 2012 sẽ được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ và sử dụng nguồn lực sẵn có của các cơ quan Bộ ngành địa phương và doanh nghiệp trong nước và của phía Nhật Bản.

- Các sự kiện lớn thường gặp nhiều khó khăn khác nhau trong khâu tổ chức, đặc biệt khi sự kiện đó được tổ chức tại nước ngoài. Chắc hẳn Gặp gỡ Việt-Nhật 2012 không phải là ngoại lệ?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Gặp gỡ Việt- Nhật 2012 là hoạt động xúc tiến tổng hợp mang tầm quốc gia, được tổ chức lần đầu tiên ở Nhật Bản. Những khó khăn trong công tác tổ chức là có thực, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn và lực lượng cán bộ Đại sứ quán còn rất mỏng. Đại sứ quán cũng chưa bao giờ tổ chức sự kiện có quy mô lớn như vậy.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao, với sự phối hợp chặt chẽ trong và ngoài nước, có thêm sự hỗ trợ của các bạn Nhật Bản, chúng tôi tin sẽ tổ chức tốt hoạt động này.

- Đây là lần đầu tiên Đại sứ tham gia Lễ hội với tư cách là thành viên Ban tổ chức, ông mong đợi gì ở Lễ hội này?

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Lễ hội Việt Nam là một cấu phần quan trọng của Gặp gỡ Việt- Nhật 2012. Đây là lễ hội đầu tiên tôi tham gia với tư cách là thành viên Ban Tổ chức, song là là lễ hội Việt Nam lần thứ 5 tổ chức ở Nhật Bản. Qua báo chí, tôi được biết Lễ hội hàng năm đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, và tôi mong rằng ngày này thực sự trở thành ngày hội của người Việt Nam và những người bạn yêu mến Việt Nam.

Với mong muốn đó, chúng tôi cố gắng mang đến cho các bạn bức tranh chân thực về con người Việt Nam và cuộc sống Việt Nam: Tham dự Lễ hội có những gian hàng từ các địa phương, vùng miền VN; Biểu diễn tại Lễ hội có đoàn nghệ thuật thuộc Nhà hát ca múa nhạc Trung uơng, có nhà thiết kế áo dài Lan Hương với bộ sưu tập đã được ghi vào kỷ lục Việt Nam, có những ca sỹ trẻ được nhiều bạn trẻ mến mộ như Đan Trường, Phương Vy.

Nét mới khác của Lễ hội năm nay là sự góp mặt của các nghệ nhân: điêu khắc, làm chuồn chuồn tre và tò he đến từ các làng nghề vùng Kinh Bắc.

Tò he là một loại con giống nặn bằng bột màu, và bàn tay khéo léo của nghệ nhân nặn tò he sẽ tái hiện những hình ảnh gần gũi với thiên nhiên và với cuộc sống Việt Nam, và cả những nhân vật trong truyện tranh, thần thoại. Chúng tôi hy vọng các em nhỏ Nhật Bản cũng sẽ yêu thích những đồ chơi xinh xắn này như trẻ em Việt Nam đã từng và sẽ luôn gắn bó./.

- Vâng, xin cảm ơn Đại sứ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên