Đậm đà món thịt trâu của đồng bào Thái Tây Bắc

VOV.VN - Đồng bào Thái Tây Bắc văn hóa ẩm thực phong phú, với nhiều món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó phải kể đến các món ăn được chế biến từ thịt trâu - ăn một lần là nhớ mãi hương vị thơm ngon đặc trưng, riêng có. 

Từ nguyên liệu thịt trâu, đồng bào Thái đã chế biến ra rất nhiều món ăn mang đặc trưng núi rừng Tây Bắc như: Nộm da trâu, lạp trâu, trâu nướng, pịa trâu, hoa ban nấu canh xương trâu, đuôi trâu nấu canh vón vén… Trong đó không thể thiếu món thịt trâu gác bếp. Trâu gác bếp với cách làm không quá cầu kỳ, nhưng lại đòi hỏi người chế biến có đủ nhạy cảm trong việc pha chế gia vị.

Chị Quàng Thị Hiên ở Bản Là, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La cho biết: “Để miếng thịt trâu gác bếp ngon ta phải thái dọc thớ con trâu rồi đem ướp ớt, gừng, tỏi, muối và đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén. Sau khi miếng thịt ngấm gia vị, thì bắt đầu xâu thịt vào xiên và gác lên bếp lửa hong khô. Món thịt trâu gác bếp rất có ý nghĩa với bản sắc dân tộc Thái Đen. Trong mâm cơm ngày Tết của dân tộc Thái thì không thể thiếu món thịt trâu gác bếp này”.

Một món ăn được chế biến từ thịt trâu rất được bà con ưa thích đó là món lạp. Có hai loại lạp là lạp sống dành cho đàn ông và lạp chín dành cho phụ nữ và trẻ em. Khi làm lạp sống, người làm thường chọn phần thịt nạc ngon nhất như là đùi, mông của con trâu. Sau đó, băm nhỏ rồi thái mỏng một chút da trâu, rau thơm cùng các gia vị như mắc khén, ớt rồi trộn với nước măng chua  để thưởng thức. Để làm món lạp chín, người ta đem thịt băm nhỏ, rang lên cho dậy mùi rồi đổ nước măng chua, thái thêm chút rau thơm, trộn đều các loại gia vị mới cảm nhận được hết vị ngọt của nó.

Món đuôi trâu nấu lá vón vén là món ăn giải rượu mát lành cực kỳ tuyệt vời. Để món canh này thơm ngon, chuẩn vị, đuôi trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi chặt miếng nhỏ, đem hầm. Khi ninh cho thêm lá vón vén. Thịt trâu  khi nấu cùng với lá vón vén (một loại lá chua) đã cho ra hương vị hết sức độc đáo, vị chua mát của lá vón vén kết hợp với mùi đặc trưng của thịt trâu, khi miếng thịt ninh chín mềm ngấm gia vị sẽ trở nên thơm lừng, béo ngậy.

Da trâu thường được dùng để làm trống, nhưng ít ai biết  rằng người Thái ở Sơn La thường làm một món ăn rất lạ miệng và độc đáo, đó là nộm da trâu. Da trâu sau khi làm chín, thái mỏng, người làm cho nhiều thứ rau thơm như là mùi ta, mùi tầu, ớt, hoa chuối thái sợi, nước măng chua và lạc rang, các loại gia vị quyện lại với nhau đủ đánh thức cùng lúc các giác quan, khiến người ta ăn không biết chán. Khi thưởng thức món nộm da trâu ta cảm nhận rõ vị chua ngọt lẫn vào cái dai dai của da trâu rất vui miệng. 

“Để làm món nộm da trâu chua thì phải chọn miếng da trâu dầy, đem đốt qua lửa, khi da đã vàng ươm thì vùi vào tro bếp tầm 30 phút cho chín mềm rồi lấy ra đem rửa sạch, thái mỏng để nộm. Các gia vị để làm món này phải có rau mùi, tỏi, húng đỏ, ớt. Đặc biệt để món ăn này được thơm ngon thì không thể thiếu nước măng. Đây là món ăn rất là ngon trong mâm cơm ngày Tết của người Thái đen chúng tôi” - Chị Quàng Thị Sinh ở Bản Là, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La nói về cách chế biến nộm da trâu.

Những món ăn chế biến từ thịt trâu trước chỉ có mặt trong mâm cơm của đồng bào Thái khi bản mường vui hội, đón xuân, khi nhà có việc lớn. Nhưng nay, những món ăn này đã có mặt ở các nhà hàng ẩm thực dân tộc phục vụ du khách tới thưởng thức. Đặc biệt, các mặt hàng thịt trâu gác bếp đã tạo nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình, nhiều cơ sở chế biến mặt hàng này, nhất là vào vụ tết. 

“Trước đây thịt trâu gác bếp chỉ làm và dùng trong gia đình thôi. Ngày nay, thịt trâu gác bếp đã được nhiều người biết đến, và ưa thích món ăn này. Vào mỗi dịp tết có nhiều người đến đặt mua làm quà biếu cho anh em, bạn bè”. - chị Lường Thị Huyền chủ cơ cở làm thịt trâu gác bếp có tiếng ở bản Lầu, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La chia sẻ.

Trong cái se lạnh của vùng sơn cước, ngồi quây quần bên bếp lửa bập bùng thưởng thức các món ăn ngon làm từ thịt trâu chắc chắn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Chị Trần Mỹ Linh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Các món ăn của đồng bào dân tộc Thái trên này để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, như là món nộm da trâu hay là món thịt trâu gác bếp. Đây thực sự là những món ăn khá lạ vị, bởi vì sử dụng nhiều gia vị khác nhau và những món ăn này thường được đồng bào dùng vào dịp Tết. Nếu có dịp tôi vẫn muốn được lên Sơn La và thưởng thức những món ăn nơi đây”.

Đến với các bản làng người Thái Tây Bắc, đừng quên khám phá ẩm thực của đồng bào, trong đó có các món ẩm thực chế biến từ thịt trâu để hành trình thăm thú, tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi đây thêm đủ đầy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Ẩm thực vùng Bazan” giới thiệu văn hoá ẩm thực bản địa Tây Nguyên
“Ẩm thực vùng Bazan” giới thiệu văn hoá ẩm thực bản địa Tây Nguyên

VOV.VN - Chương trình “Ẩm thực vùng bazan” diễn ra trong 4 ngày từ 19/11 đến hết 22/11 trong khuôn viên Bảo tàng Tỉnh Gia Lai. Tại đây có hơn 20 gian trưng bày và bán các món ăn đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

“Ẩm thực vùng Bazan” giới thiệu văn hoá ẩm thực bản địa Tây Nguyên

“Ẩm thực vùng Bazan” giới thiệu văn hoá ẩm thực bản địa Tây Nguyên

VOV.VN - Chương trình “Ẩm thực vùng bazan” diễn ra trong 4 ngày từ 19/11 đến hết 22/11 trong khuôn viên Bảo tàng Tỉnh Gia Lai. Tại đây có hơn 20 gian trưng bày và bán các món ăn đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Tục cúng vía trâu của đồng bào Thái Tây Bắc
Tục cúng vía trâu của đồng bào Thái Tây Bắc

VOV.VN - Con trâu giữ vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái Tây Bắc, không chỉ giúp bà con sản xuất, mà còn là tài sản lớn của các gia đình. Quý trọng trâu nên từ xa xưa, đồng bào Thái Tây Bắc đã có tục cúng vía trâu để tạ ơn vật nuôi sau khi mùa cày cấy đã xong.

Tục cúng vía trâu của đồng bào Thái Tây Bắc

Tục cúng vía trâu của đồng bào Thái Tây Bắc

VOV.VN - Con trâu giữ vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái Tây Bắc, không chỉ giúp bà con sản xuất, mà còn là tài sản lớn của các gia đình. Quý trọng trâu nên từ xa xưa, đồng bào Thái Tây Bắc đã có tục cúng vía trâu để tạ ơn vật nuôi sau khi mùa cày cấy đã xong.