Ảnh dự thi “Việt Nam trong tôi“: Người phụ nữ H'Mông

VOV.VN - Cơ duyên đưa tôi đến với Mù Cang Chải đó là vào một ngày mùa thu tháng 9/2016 - đúng mùa lúa chín của miền Sơn cước.

Cơ duyên đưa tôi đến với Mù Cang Chải đó là vào một ngày mùa thu tháng 9/2016 - đúng mùa lúa chín của miền Sơn cước.

 

Nhưng tôi không kể cho các bạn nghe về Mù Cang Chải với vẻ kỳ vĩ của những thửa ruộng bậc thang vàng óng mà tôi sẽ kể về những người mẹ, người vợ người dân tộc H'Mông nơi vùng cao này.

 

 

Nằm phía Tây tỉnh Yên Bái, ngay dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, huyện Mù Cang Chải nổi danh với những thửa ruộng bậc thang được xếp hạng danh lam thắng cảnh của Việt Nam với phần lớn là người dân tộc thiểu số H'Mông.

 

Trang phục của phụ nữ H'mông rất sặc sỡ, bao gồm khăn quấn đầu dệt bằng tay, váy yếm thêu tay, và điều đặc biệt trang phục của họ chính là thước đo tài năng của người phụ nữ nơi đây, bởi những chiếc khăn, chiếc váy được đính cườm và thêu thùa rất tỉ mỉ và mất rất nhiều công sức và thời gian để hoàn thiện.

 

Phụ nữ H'Mông được học thêu thùa, may vá từ khi còn nhỏ để khi trưởng thành họ có thể tự dệt khăn và áo váy cho chính mình. Đây cũng chính là cách trang điểm duy nhất cho bản thân mà mỗi người con gái khi đến tuổi cập kê cố gắng thu hút ánh nhìn của các chàng trai bằng những phụ kiện họ mang trên người.

 

Kỹ thuật thêu thùa trên trang phục của họ đơn giản hay phức tạp sẽ thể hiện người con gái đó có tài năng và được dạy dỗ kỹ lưỡng đến đâu. Điều này rất quan trọng với đám trai làng khi tìm vợ vì khi về nhà chồng cô dâu trước hết sẽ phải tự may và thêu bộ váy thật đẹp để tặng mẹ đẻ và mẹ chồng, sau là may quần áo cho chồng và con.

 

 

Khi đến Mù Cang Chải, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp từng nhóm phụ nữ ngồi thêu thùa trước cửa nhà, vừa chuyện trò tán gẫu với nhau, vừa trông đám trẻ con chơi đùa cùng đàn gà hay lũ chó, hay hình ảnh người mẹ địu con sau lưng đi chợ phiên hay lên nương làm rẫy.

 

Dù cho thân phận người phụ nữ nơi đây vẫn trăm ngàn thiệt thòi do vấn đề về bình đẳng giới. Dù cuộc sống người dân tộc vùng cao muôn vàn khó khăn do nghèo nàn, lạc hậu, nhưng vẻ đẹp tâm hồn họ vẫn hiện hữu, vẫn toát ra và hòa cùng thiên nhiên nơi họ đang sống, một vẻ đẹp rất nguyên thủy, ban sơ và thánh thiện vô cùng./.