Nghèo hơn vì canh tác lúa vụ 3?

VOV.VN - Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Tháp Mười, canh tác 3 vụ không mang lại lợi nhuận cao hơn do vụ 3 kéo giảm năng suất, sản lượng 2 vụ trước.

Những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải vật lộn với hạn mặn ngày càng gay gắt do biến đổi khi hậu (BĐKH). Ngoài thách thức từ việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, vùng đất chín Rồng còn bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình do mất rừng ngập mặn, rừng tràm và việc khai thác quá mức nước ngầm, gây sụt lún mặt đất.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến mực nước biển ngày càng dâng nhanh hơn. Ngành nông nghiệp phát triển lại thiên về chiều rộng hơn chiều sâu, dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước. Trong bối cảnh ấy, thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế buộc nền kinh tế đồng bằng phải có sức cạnh tranh cao hơn để có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

BĐKH là cơ hội để ngành nông nghiệp có thể đổi ngôi vị “hàng đầu thế giới” từ sản lượng sang giá trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành.

Đàn vịt với hơn 2.000 con của gia đình anh Võ Văn Tiếng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nhốn nháo đòi vượt hàng rào sang cánh đồng rộng cả 10 ha vừa gặt xong ngay sát con kênh dẫn nước…

Nông dân Võ Văn Tiếng sản xuất lúa thích ứng với điều kiện tự nhiên.
Với 40 ha trồng lúa, hơn hai năm nay, Võ Văn Tiếng đã cắt giảm vụ 3, thay bằng nuôi vịt. Cứ 10 ha đất trồng lúa, anh đào 1 ao rộng khoảng 5.000 m2, sâu 3 m để chứa lũ và thả cá. Mùa nước nổi, nước từ sông xả thẳng vào ruộng để đón phù sa; mùa khô, lượng nước sạch, giàu dinh dưỡng trong ao được bơm vào ruộng. Đất được nghỉ và làm giàu nhờ đón lượng phù sa từ sông trong mùa lũ, từ ao trong mùa khô.

Sản lượng không bị giảm, 40 ha lúa của anh Võ Văn Tiếng lại không mất một đồng chi phí cho phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Quy cách sản xuất sạch này đáp ứng trúng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người dân. Nhờ vậy, sản phẩm của anh Tiếng với thương hiệu “Gạo ngon từ đất” không lúc nào đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường dù đắt gấp 3 lần so với các loại gạo khác của địa phương.

Anh Võ Văn Tiếng cho biết, miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, dồi dào phù sa. Việc xây đê bao chặn không lấy “lộc trời” là lãng phí: “Trước khi có đê bao này, người dân chỉ làm 1 năm 2 vụ lúa và năng xuất trung bình từ 7-800 kg/công (vụ Đông Xuân). Sau khi có đê bao, năng xuất vụ Đông Xuân chỉ khoảng 600kg/công mà người dân lại dùng rất nhiều phân, thuốc hoá học. Tôi làm 2 vụ thôi để khôi phục lại đất làm lúa, không dùng đến phân, thuốc hoá học, tạo ra giá trị cao hơn.”

Với tư duy thống trị trong một thời gian dài rằng, sản lượng, năng suất lúa càng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân càng cao, nhiều năm qua, diện tích sản xuất lúa vụ 3 ở Đồng Tháp ổn định ở mức 140.000 ha, chiếm 2/3 tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh này.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan – người tiên phong thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp trả lời phỏng vấn của PV VOV.
Ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết, trong nhiều năm qua, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay tỉnh Đồng Tháp thường “say” trong các số liệu về năng suất, sản lượng và lượng gạo xuất khẩu; trong khi, yếu tố đầu vào hay chi phí sản xuất hầu như không được đề cập. Người nông dân dường như cũng quên… tính yếu tố quan trọng này trong hoạt động sản xuất của mình. Chỉ thấy mãi vẫn chưa… giàu, nông dân càng nỗ lực gia tăng sản xuất 3 vụ/năm, có nơi 7 vụ/2 năm; thay vì, lẽ ra, phải tiết kiệm chi phí đầu vào.

“Đồng Tháp cũng như rất nhiều tỉnh tăng vụ 3 lên vì cứ nghĩ trúng mùa, bà con sẽ khấm khá. Chúng ta quây đê bao 3 vụ lại, phù xa vốn ít ỏi do các đập thượng nguồn, lại không được đưa vào đồng ruộng. Cây lúa chỉ trông mong chất dinh dưỡng từ phân với thuốc; do vậy, chất lượng không tốt và chi phí cao. Giá bán thấp, chi phí cao, nông dân thiệt hại kép. Chính quyền chúng ta sai ở chỗ cứ đồng nghĩa sản lượng cao thì thu nhập cao. Còn người nông dân cứ thấp thỏm chờ giá lúa gạo cao nhưng người ta quên rằng, lẽ ra, anh phải tiết kiệm chi phí đầu vào.” - ông Hoan nói.

Chúng ta chưa hiểu hết về đồng bằng, chưa lường hết những phản ứng của vùng đất này để khai thác nó đúng quy luật và hiệu quả. Đồng bằng đã bị tác động chưa thật đúng do chúng ta chỉ nghĩ đến gạo. Hơn 20 năm trước, người dân với sự hỗ trợ của chính quyền đã xây dựng gần 20 nghìn km đê bao chống lũ triệt để, bảo vệ hơn 6 nghìn ô ruộng sản xuất 3 vụ; khoảng 18 nghìn km đê bao chống lũ để bảo vệ trên 4.500 ô ruộng sản xuất 2 vụ. Tổng chiều dài đê bao để bảo vệ sản xuất lúa là gần 38 nghìn km.

GS. TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT phân tích: “Chúng ta có lỗi khi tác động chưa thật đúng. Chúng ta cứ nghĩ đến gạo, đến lương thực; tập trung làm vụ 3 lớn quá mà không nhìn thấy toàn bộ các tác động đối với vùng hạ lưu. Năm 2010, tôi cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi học lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý ở Đại học Havard, họ nói rất thật rằng: “Hỡi các bạn Việt Nam, không ai khen các bạn xuất khẩu gạo đâu. Các bạn hãy làm gì ra nhiều tiền nhất trên 1 ha đất của các bạn”.

Xả lũ ở vùng tứ giác Long Xuyên.
Thực tế cho thấy, càng canh tác lúa vụ 3, nước ta càng nghèo thêm. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, lợi nhuận của nông dân canh tác 3 vụ lúa/ha là 38 triệu đồng; còn ở thị xã Hồng Ngự, canh tác 2 vụ, lợi nhuận đạt gần 35 triệu đồng/ha. Canh tác 3 vụ không mang lại lợi nhuận cao hơn đáng kể so với 2 vụ vì vụ 3 kéo giảm năng suất và sản lượng của hai vụ trước đó dù đã tăng lượng phân bón gấp hơn 2 lần.

Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2010 đến 2015, sản lượng lúa khu vực ĐBSCL tăng 4 triệu tấn; tuy nhiên, chỉ số giá bán lúa giảm 3-4%/năm, chỉ số giá bán nguyên liệu, vật liệu nông nghiệp tăng trên 10%.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL, lợi nhuận ròng của canh tác lúa vụ 3 là âm khi tính đến chi phí xây dựng đê; cùng với đó, khi nâng cao đê, lợi nhuận của vụ 1 và 2 giảm; nguồn lợi thuỷ sản của đồng ngập lũ cũng bị mất đi; chưa tính đến những hiểm hoạ khôn lường về lâu dài, đó là nguy cơ mất an ninh lương thực khi đất đai bạc màu: “Theo tính toán của chúng tôi, canh tác lúa vụ 3, xã hội bị thiệt hại khoảng 47,8 triệu đồng/ha. Trong mùa khô, những cánh đồng này không còn nước bổ sung cho dòng chính, mặn xâm lấn sâu vào đất liền. Canh tác lúa vụ 3 gây ra nhiều thiệt hại, chẳng những tại chỗ mà trên toàn đồng bằng.”

Sản xuất lúa thường xuyên đối mặt với những rủi ro do thời tiết thất thường.
Việc duy trì chiến lược phát triển lúa gạo như hiện nay chẳng khác gì hình thức hỗ trợ cho nước ngoài ăn gạo giá rẻ. PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nước ta không nên tiếp tục chuyển tất cả những giá trị của đất, nước, môi trường, đa dạng sinh học thành tiền thông qua lúa gạo vì việc sử dụng tài nguyên như vậy là không hiệu quả. Nước ta không nên duy trì chiến lược sản xuất lúa gạo như hiện nay: “Chúng ta theo đuổi chiến lược sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa nước chạy theo mục tiêu tăng trưởng sản lượng cao, không phải chất lượng lúa gạo. Chạy theo sản lượng như thế tốn rất nhiều nguồn lực, phân bón, nước, xăng dầu,vv… Chúng ta phải thay đổi cấu trúc sản xuất lương thực sau khi đã đảm bảo an ninh lương thực, cần giảm bớt diện tích trồng lúa để không bị động về nước.”

Sản xuất nhiều lúa nhưng đời sống người dân vẫn còn gặp khó trên vựa lúa đồng bằng.
Làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, BĐKH chính là cơ hội để tái cơ cấu ngành nông nghiệp triệt để hơn, hướng về giá trị thay vì số lượng: “BĐKH như hiện nay càng thúc đẩy chúng ta tái cơ cấu lại, tái cơ cấu triệt để. Trong điều kiện BĐKH mà vẫn khăng khăng giữ đất lúa là không đúng. Giá trị bình quân cả nước là 83 triệu đồng/ha, mình mới đạt 60 triệu. Vậy 4,6 triệu tấn lúa cũng chẳng có nhiều ý nghĩa; cuối cùng vẫn là giá trị trên 1 ha. Chúng ta phải đi vào chất lượng, không chạy theo số lượng.”

Theo Trung tâm quản lý môi trường Quốc tế (ICEM), từ năm 2000 đến 2001, các ô đê bao khép kín được xây dựng để canh tác 3 vụ chiếm diện tích 1.100 km2 nên khả năng trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên giảm từ trên 9 tỷ m3 xuống còn hơn 4,5 tỷ m3. Không gian trữ nước đã mất đi 4,7 tỷ m3. Hệ quả là mực nước và áp lực dòng chảy trên sông chính gia tăng, gây xói lở các vùng dân cư ven sông, làm ngập các cụm tuyến dân cư và gia tăng ngập úng tại các vùng chưa được bảo vệ. Giảm diện tích ngập lũ cũng làm mất nguồn bổ sung cho nước ngầm và khả năng trữ nước mặt của Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười; làm gia tăng xâm nhập mặn cả ĐBSCL.

Khi mùa nước không về ĐBSCL, những con kênh dẫn nước cạn, gây nên tình trạng khô kiệt.
Những con đê ở ĐBSH đã hình thành từ hàng ngàn năm từ truyền thống Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thống trị thủy của Việt Nam. Tuy nhiên, ở ĐBSH, khối lượng bù đắp về vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp rất lớn vì hầu như đồng ruộng ở ĐBSH không nhận được phù sa dù sông Hồng đầy ắp.

ĐBSCL có nên phải trả giá như thế không?  

Quá trình mở đất 300 năm của người Việt ở Nam bộ đã mở cho người Việt Nam ta một kiến thức khác, một cách sống hài hòa với thiên nhiên, làm đa dạng truyền thống trị thủy của người Việt. Đã đến lúc, lũ cần được đưa trở lại vào ruộng vườn một cách chủ động nhằm khai thác tất cả các lợi ích từ lũ như vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất; lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất; lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm; giữ gìn đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thuỷ sản,vv…

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, chính sự sáng tạo của nông dân Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự đã gợi mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp tỉnh này; qua đó, cắt được vụ 3, đưa nước vào đồng, đem lại nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất: “Cũng có nơi không làm lúa cũng chẳng biết làm gì. Những chỗ như vậy, chuyển một năm làm 2 vụ lúa, một vụ lúa ngắn ngày, một vụ dài ngày. Như vậy, có thể lấy được lũ; đồng thời, khai thác được nguồn lợi thủy sản. Thu nhập của người dân không giảm xuống; người nông dân khỏe hơn. Những vùng trũng hơn nữa, hỗ trợ người dân chuyển sang làm chu kỳ sen, lúa. Mảnh đất trồng sen 3, 4 năm; quay lại trồng lúa 2, 3 năm. Đất được nghỉ ngơi, lấy phù sa để trồng lúa cho những vụ sau. Người ta có thể có thêm thu nhập phi nông nghiệp qua việc tổ chức dịch vụ du lịch mùa nước nổi gắn với cánh đồng sen. Đó là bài toán giải quyết bài toán về lúa vụ 3.”

Tuy nhiên, với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng phải được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, đe doạ tới tính mạng và tài sản nhân dân.

Theo GS. TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện được yêu cầu này, ĐBSCL chỉ cần một hệ thống đê bao lớn (đường giao thông hiện có) dọc 2 sông chính, các nhánh sông và 1 hệ thống cống, bao gồm cống và âu thuyền. Cống được thiết kế rộng bằng mặt cắt kênh, mở thường xuyên để nước chảy và phục vụ giao thông thuỷ. Cống chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát đỉnh lũ với những trận lũ lớn cực đoan, hạn chế những trận lũ sớm để bảo vệ vụ lúa Hè Thu và đóng cống cuối vụ để tưới tiêu trong đồng đối với những năm lũ muộn. Âu thuyền phục vụ giao thông thuỷ khi cống làm nhiệm vụ kiểm soát lũ. Khi đó, tổng chiều dài đê chống lũ chỉ còn 1.200 km thay vì 57.000 km như hiện nay.

Trường hợp lấy đường quốc lộ dọc sông làm đê, vốn đầu tư là 58.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư thêm cho phương án đê bao cục bộ như hiện nay là 170.000 tỷ đồng. Khi nước biển dâng, phương án đê bao lớn chỉ cần nâng cấp 1.200 km đê; trong khi đó, phương án bao đê cục bộ, ngoài việc phải nâng cấp trên 57.000 km đê, còn phải xây thêm 40.000 km đê để bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất vì diện tích ngập và chiều sâu ngập gia tăng.

Như vậy, với phương án đê bao lớn, ĐBSCL sẽ không cần xây dựng thêm đê để bảo vệ các thành phố, làng ấp; không cần đê chống lũ hai vụ; không cần kinh phí để nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê trong nội đồng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau mỗi năm lũ lớn. Đó chính là phương án chủ động sống chung với lũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

45.000 hộ dân bị ảnh hưởng của BĐKH sẽ được hỗ trợ
45.000 hộ dân bị ảnh hưởng của BĐKH sẽ được hỗ trợ

VOV.VN - Đây là chương trình do MTTQ Việt Nam phối hợp với 8 cơ quan, tổ chức thành viên thực hiện nhằm hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả của BĐKH

45.000 hộ dân bị ảnh hưởng của BĐKH sẽ được hỗ trợ

45.000 hộ dân bị ảnh hưởng của BĐKH sẽ được hỗ trợ

VOV.VN - Đây là chương trình do MTTQ Việt Nam phối hợp với 8 cơ quan, tổ chức thành viên thực hiện nhằm hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả của BĐKH

Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH
Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH

VOV.VN - Là một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH

Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH

VOV.VN - Là một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó.

Thủ tướng: Các nhà khoa học cần trăn trở trước tình hình BĐKH
Thủ tướng: Các nhà khoa học cần trăn trở trước tình hình BĐKH

VOV.VN - Làm việc với Viện lúa ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học cần nghiên cứu tạo ra giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Thủ tướng: Các nhà khoa học cần trăn trở trước tình hình BĐKH

Thủ tướng: Các nhà khoa học cần trăn trở trước tình hình BĐKH

VOV.VN - Làm việc với Viện lúa ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học cần nghiên cứu tạo ra giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu