Thế giới 7 ngày: Bà Park ngồi tù, bà May đệ đơn để Anh “li dị” châu Âu

VOV.VN – Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải ngồi tù, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố kích hoạt Brexit, cẳng thẳng Malaysia – Triều Tiên chấm dứt…

1. Sáng 31/3,  Tòa án quận trung tâm Seoul (Hàn Quốc) đã phê chuẩn lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Park Geun-hye sau cuộc thẩm vấn bà kéo dài 8 giờ 1 ngày trước đó.

Bà Park Geun-hye ra hầu tòa ngày 30/3 trong một nỗ lực cuối cùng để không bị tống giam nhưng không thành. Ảnh: Yonhap.

Tòa án quận trung tâm Seoul khẳng định lệnh bắt giữ đối với bà Park Geun-hye là cần thiết vì nhiều cáo buộc quan trọng chống lại bà đã được xác minh và rất có khả năng các chứng cứ chống lại bà có thể bị tiêu hủy.

Theo một thăm dò dư luận của Realmeter tuần trước, có đến 72,3% người được hỏi cho rằng bà Park nên ngồi sau song sắt trước khi bị xét xử trong khi chỉ có 25,1% không đồng ý với ý kiến này. Chính thái độ không thành thật của bà Park trong vụ bê bối liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil đã làm mất lòng tin của người dân.

Bà Park Geun-hye là cựu tổng thống thứ 3 của Hàn Quốc bị bắt giữ với các cáo buộc hình sự. Bà có thể bị giam giữ tới 20 ngày trong khi bị điều tra nhiều cáo buộc khác nhau, trong đó có lạm dụng quyền lực và ăn hối lộ.

2. Ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố trước Quốc hội về việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán Brexit với Liên minh Châu Âu.

Cùng ngày, trước sự chứng kiến của giới báo giới, Đại sứ Anh tại Liên minh châu Âu Tim Barrow cũng đã chuyển lá thư của Thủ tướng Anh Theresa May tới tay Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, trong đó xác nhận ý định của Anh rời Liên minh Châu Âu, bắt đầu quá trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên khối này trong suốt 44 năm qua.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 29/3 cho rằng Brexit sẽ gây “tổn thương về mặt kinh tế” cho nước Anh.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nền kinh tế Anh cũng như các nền kinh tế khác ở châu Âu vẫn vững mạnh vì ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư, các thị trường đều đã chuẩn bị tâm lý cho việc Anh rời Liên minh châu Âu.

Mặc dù vậy, điều này sẽ thay đổi phụ thuộc vào việc các cuộc đàm phán giữa Anh với Liên minh châu Âu sẽ diễn ra như thế nào và hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận gì sau 2 năm đàm phán.

3. Như một hệ lụy của Brexit, ngày 31/3, Chính quyền Scotland chính thức thông báo với Thủ tướng Theresa May về đề nghị của Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về nền độc lập.

Cuộc khủng hoảng này nhen nhóm từ cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, tháng 6/2016. Khi đó, khác với cử tri Anh và xứ Wales, phần lớn cử tri Scotland và Bắc Ireland đã bỏ phiếu ở lại EU.

Ngày 28/3, Quốc hội Scotland cũng nhất trí tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2018 hoặc 2019; tuy nhiên, phải được Quốc hội Anh phê chuẩn thì cuộc bỏ phiếu này mới thành hiện thực.

Thủ tướng Theresa cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc trưng cầu ý dân, khi mà tiến trình đàm phán Brexit vừa được kích hoạt.

Trong cuộc trưng cầu đầu tiên về nền độc lập vào năm 2014, 55% cử tri Scotland đã bỏ phiếu phản đối, song bà Sturgeon cho rằng, tình hình đã thay đổi khi Anh buộc phải rời EU trong khi Scotland kiên quyết muốn ở lại “mái nhà chung”.

4. Ngày 30/3, căng thẳng ngoại giao giữa Malaysia và Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên liên quan tới cái chết bất thường của công dân Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol đã chấm dứt khi thi thể của người đàn ông này được trao trả cho Triều Tiên và 9 công dân Malaysia bị cấm rời khỏi Triều Tiên được cũng đã được về nước.

Tuyên bố của Thủ tướng Najib Razak nêu rõ quá trình khám nghiệm tử thi đã hoàn tất và phía Malaysia đã nhận được một bức thư yêu cầu trao trả thi thể từ gia đình nạn nhân, theo đó, các nhân viên điều tra đã đồng ý trao trả thi thể. Tuy nhiên, trong tuyên bố này cái tên Kim Jong-nam không được nhắc đến.

Malaysia vốn cho rằng Kim Chol thực chất là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và người đàn ông này đã bị đầu độc chết. Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định ông này chết vì cơn đau tim, tiểu đường và áp huyết cao, đồng thời cho rằng phía Malaysia đưa ra những kết luận điều tra “mang tính thù địch” đối với Triều Tiên và tuyên bố không chấp nhận kết quả điều tra.

Trong một diễn biến liên quan, kênh truyền hình TBS của Nhật Bản công bố đoạn băng được cho là 2 hoặc có thể là 3 công dân Triều Tiên được cho là có liên quan đến vụ “Kim Jong-nam” đã có mặt trên một chuyến bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh ngày 30/3 khi hai nước đạt được thỏa thuận giải quyết căng thẳng ngoại giao song phương.

5. Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về độc lập năng lượng nhằm gỡ bỏ ít nhất 6 chỉ thị của người tiền nhiệm Obama nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đây vốn là cam kết ủng hộ ngành than khi tranh cử của ông Trump. Tổng thống Mỹ cho rằng các biện pháp mới của ông sẽ mở ra "một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ trong vấn đề năng lượng, sản xuất và việc làm".

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng việc ông Trump đảo ngược Kế hoạch năng lượng sạch của Obama gần như sẽ không thể giúp tăng sản lượng hay tạo ra nhiều việc làm. Ngành công nghiệp than của Mỹ từ lâu đã suy giảm cùng với sự lấn át của khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo giá rẻ.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về Khí hậu Miguel Arias Canete, lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi các chính sách khí hậu và cho rằng EU cũng như Trung Quốc không thể trông đợi vai trò tiên phong từ Mỹ dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.

6. Ngày 30/3, Chính phủ Mỹ lần đầu công khai cách tiếp cận mới trong vấn đề Syria, trong đó thừa nhận không còn coi sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar Al Assad là ưu tiên hàng đầu nữa.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khẳng định muốn làm việc với những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria, thay vì chỉ tập trung vào số phận của Tổng thống Syria Assad. Trước đó cùng ngày trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đề cập sự thay đổi này trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, đây là một sự đổi hướng quan trọng, ít nhất đây là lần đầu tiên chính quyền mới tại Mỹ gần như chính thức công khai lập trường của mình trong vấn đề Syria.

Sự thay đổi này có thể khiến Nga hài lòng. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định hợp tác giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria đã được cải thiện.

Tháng tới, Ngoại trưởng Tillerson sẽ thăm Nga và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nga. Dự kiến, vấn đề Syria sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính tại những cuộc gặp này.

7. Ngày 27/3 Wall Street Journal đăng một thông tin làm chấn động giới khoa học và công nghệ rằng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla, ông Elon Musk vừa mở một công ty có tên Neuralink về kết nối máy tính với bộ não của con người.

Neuralink sẽ theo đuổi công nghệ mà ông Musk gọi là “neural lace”, tạm dịch “dải băng thần kinh”. Mục tiêu của công ty là tạo ra các thiết bị có thể được cấy ghép vào não người, với mục đích cuối cùng là giúp con người kết hợp với phần mềm máy tính và theo kịp với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI).

Các khái niệm giao diện não-máy tính đến nay mới chỉ có trong khoa học viễn tưởng, một phần do việc cấy ghép não là vô cùng nguy hiểm.

Đến nay, ông Musk chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào, như Neuralkink đã được đăng ký ở California với tư cách một công ty “nghiên cứu y học” vào tháng 7 năm ngoái. Nhưng theo nguồn tin của Wall Street Journal, trong mấy tuần gần đây, Neuralink đã bắt đầu tuyển dụng những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan./.

Và đây là Elon Musk

Người sáng lập Công ty vũ trụ SpaceX, tỉ phú Elon Musk, nói về cách Hệ thống vận tải liên hành tinh hoạt động và việc trồng cây trên sao hỏa.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thế giới 7 ngày: Trumpcare "thất thủ", London bị tấn công
Thế giới 7 ngày: Trumpcare "thất thủ", London bị tấn công

VOV.VN -Dự luật thay thế Obamacare của Tổng thống Trump bị rút lại, vụ tấn công ở London gây rúng động, phà Sewol được trục vớt sau 3 năm...

Thế giới 7 ngày: Trumpcare "thất thủ", London bị tấn công

Thế giới 7 ngày: Trumpcare "thất thủ", London bị tấn công

VOV.VN -Dự luật thay thế Obamacare của Tổng thống Trump bị rút lại, vụ tấn công ở London gây rúng động, phà Sewol được trục vớt sau 3 năm...

Thế giới 7 ngày:Bà Park bị phế truất, Hàn Quốc chuẩn bị bầu Tổng thống
Thế giới 7 ngày:Bà Park bị phế truất, Hàn Quốc chuẩn bị bầu Tổng thống

VOV.VN - Viễn cảnh chính trường Hàn Quốc trong 60 ngày tới hứa hẹn sẽ là một cuộc đua khốc liệt nhằm lựa chọn một tổng thống mới thay thế bà Park Geun-hye.

Thế giới 7 ngày:Bà Park bị phế truất, Hàn Quốc chuẩn bị bầu Tổng thống

Thế giới 7 ngày:Bà Park bị phế truất, Hàn Quốc chuẩn bị bầu Tổng thống

VOV.VN - Viễn cảnh chính trường Hàn Quốc trong 60 ngày tới hứa hẹn sẽ là một cuộc đua khốc liệt nhằm lựa chọn một tổng thống mới thay thế bà Park Geun-hye.

Thế giới 7 ngày: Merkel - Trump không thể thu hẹp bất đồng
Thế giới 7 ngày: Merkel - Trump không thể thu hẹp bất đồng

VOV.VN - Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ đã không thể thu hẹp những khác biệt cả về lập trường chính trị và quan điểm cá nhân sau cuộc gặp ngày 17/3.

Thế giới 7 ngày: Merkel - Trump không thể thu hẹp bất đồng

Thế giới 7 ngày: Merkel - Trump không thể thu hẹp bất đồng

VOV.VN - Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ đã không thể thu hẹp những khác biệt cả về lập trường chính trị và quan điểm cá nhân sau cuộc gặp ngày 17/3.

Thế giới 7 ngày: Triều Tiên-Malaysia căng thẳng vì “vụ Kim Jong-nam“
Thế giới 7 ngày: Triều Tiên-Malaysia căng thẳng vì “vụ Kim Jong-nam“

VOV.VN - Triều Tiên chỉ trích Malaysia "xâm phạm chủ quyền", còn phía Malaysia phê Đại sứ Triều Tiên "thô lỗ về ngoại giao" và "Không được chào đón".

Thế giới 7 ngày: Triều Tiên-Malaysia căng thẳng vì “vụ Kim Jong-nam“

Thế giới 7 ngày: Triều Tiên-Malaysia căng thẳng vì “vụ Kim Jong-nam“

VOV.VN - Triều Tiên chỉ trích Malaysia "xâm phạm chủ quyền", còn phía Malaysia phê Đại sứ Triều Tiên "thô lỗ về ngoại giao" và "Không được chào đón".