Nhà báo phải được bảo vệ để đưa ra ánh sáng vụ việc tiêu cực

VOV.VN -Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định xem xét trách nhiệm hình sự hành vi truy sát nhà báo, góp phần vào việc đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực.

Không ít nhà báo bị hành hung, truy sát khi tác nghiệp

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại phiên làm việc của Quốc hội chiều 21/3, Chủ nhiệm UBVHGD-TTN-NĐ Đào Trọng Thi cho biết, có ý kiến đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này.

Tuy nhiên, theo UBTVQH, công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ.

Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.

Về cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, Luật Báo chí hiện hành và dự thảo Luật đều quy định: nhà báo “được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định hình thức xử phạt đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như hành hung hay làm thiệt hại tài sản của nhà báo; Nghị định 159/2013/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt hành chính cụ thể trong hoạt động báo chí.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) 

Tuy nhiên, thảo luận tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) đề nghị xem xét bổ sung vào điều cấm những hành vi làm ảnh hưởng đến hoạt động báo chí như không tiếp phóng viên, không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật vào sau cụm từ “cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” để đầy đủ, rõ ràng.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định xử lý vi phạm với các trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi trên; đồng thời có quy định xem xét trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo khi tác nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt an toàn tính mạng cho nhà báo khi tác nghiệp, góp phần không nhỏ trong việc phát hiện đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực trong xã hội, phát huy hơn nữa vai trò phản biện xã hội của báo chí.

“Thời gian qua có không ít hành vi ngăn chặn, cản trở, thậm chí hành hung, truy sát nhà báo tác nghiệp. Mức độ, tính chất vi phạm ngày càng lớn trong khi các quy định xử phạt rất chung chung, thiếu cơ sở pháp lý không đảm bảo an toàn cho nhà báo tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ của mình”, đại biểu Huỳnh Văn Tính nói.  

Luật Báo chí không điều chỉnh mạng xã hội

Ông Đào Trọng Thi cũng cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên tiếp tục điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại các văn bản dưới luật hiện hành.

Quan điểm của UBTVQH cho rằng, ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Các sản phẩm này có phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau.

Ông Đào Trọng Thi cho biết, Luật Báo chí (sửa đổi) không điều chỉnh trang mạng xã hội

Theo đó, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. 

“Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đối với đặc san, bản tin; đồng thời bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp thể hiện tại các khoản 17 và 20 Điều 3, khoản 13 Điều 9 và Điều 36 dự thảo Luật, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh”, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho biết.

Thảo luận tại Hội trường, có ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, báo chí truyền thống đang đứng trước sự cạnh tranh thông tin rất lớn. Dự thảo Luật sửa đổi lần này cần được xây dựng trên thực tiễn này, đồng thời đề nghị Nhà nước cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo hướng tự chủ, năng động hơn để tạo nguồn thu.

“Với việc sửa đổi luật lần này các cơ quan báo chí mong chờ Nhà nước có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, không phải bằng việc bao cấp mà bằng cơ chế để cơ quan báo chí để có thể tự chủ và năng động hơn tạo ra nguồn thu. Các hình thức tạo nguồn thu cho kinh tế báo chí cần có quy định mở để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và kinh tế thị trường”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) nêu ý kiến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên