“Không nên đánh đồng con em quan chức làm lãnh đạo là do ưu ái“

VOV.VN - Ông Vũ Mão cho rằng không nên đánh đồng con em lãnh đạo nếu vào được cương vị nào đó là do ưu ái. Chúng ta phải nhìn vào từng trường hợp cụ thể.

Công tác nhân sự là nội dung trọng tâm của Đại hội Đảng. Việc lựa chọn được những cán bộ có đủ đức, đủ tài là yếu tố quyết định tạo nên sự ổn định, vững mạnh của tổ chức Đảng. Vì thế, trước thời điểm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII diễn ra, việc chuẩn bị cho công tác nhân sự vẫn là mối quan tâm xuyên suốt của người dân.

Việc đánh giá khách quan, trung thực những điểm thành công và hạn chế từ thực tiễn tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, mang lại bài học kinh nghiệm quý cho việc chuẩn bị Đại hội những nhiệm kỳ tiếp theo, tạo tiền đề để tổ chức tốt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

Ông Vũ Mão (Ảnh: Thanh Hà)

PV: Thưa ông, theo dõi kết quả của đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, theo ông, những chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác nhân sự là gì?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, do chúng ta chỉ đạo tốt nên đại hội đảng các cấp cơ bản đã thành công, trong đó thể hiện ở chỗ bầu đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu và đúng về tỷ lệ độ tuổi quy định. Ở các đại hội đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới.

Thực ra thì thành công của những đại hội này có thể nói bắt nguồn từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đây là một nghị quyết mang tính đội phá rất quan trọng và nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta đã làm khá tốt công tác quy hoạch cán bộ. Ở địa phương là từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, cấp trung ương đều tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Chúng ta đào tạo nguồn cán bộ dự trữ, chủ chốt ở cấp tỉnh và trung ương, tôi cho việc làm ấy là tốt. Việc luân chuyển cán bộ cũng được quan tâm tiến hành đều đặn.

PV: Vậy những mặt chưa được trong công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp mà ông còn cảm thấy băn khoăn là gì?

Ông Vũ Mão: Tôi thấy còn một số tồn tại và dư luận có ý kiến băn khoăn, đó là một số đại hội đảng bộ cấp cơ sở chưa quán triệt đầy đủ Nghị quyết Trung ương 4. Việc quy hoạch, lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ nguồn và kết quả bầu cử vẫn còn một số thiếu sót. Tỷ lệ cán bộ nữ và cán bộ trẻ tham gia các cấp ủy ở một số nơi chưa đạt yêu cầu. Theo tôi, tỷ lệ đó còn thấp.

Việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương ở một số nơi, một số cấp ủy chưa quán triệt đầy đủ và làm chưa sâu sát, chưa tốt. Một số nơi còn tình trạng thiếu đoàn kết, bằng mặt nhưng chưa bằng lòng. Quy chế bầu cử bên cạnh mặt được thì còn một số tồn tại, hạn chế dân chủ. Vấn đề này theo tôi cần phải được thảo luận thẳng thắn, tổng kết lại xem có gì cần thiết thì bổ khuyết.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Tại đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, vẫn còn một số đảng bộ bầu thiếu cấp ủy do tín nhiệm còn thấp, có trường hợp cán bộ đủ tiêu chuẩn tái cử nhưng bầu không trúng, nhưng cũng có trường hợp được đề cử ngoài danh sách của cấp ủy lại trúng cử ban chấp hành. Cá biệt có nơi còn để lọt người không đủ tiêu chuẩn dự kiến. Ông nhìn nhận thực tế này như thế nào?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, có thể phân tích mấy khía cạnh như thế này. Thứ nhất là một số cấp ủy còn chủ quan và trình độ của người lãnh đạo, người chủ trì trong việc điều hành đại hội, trước đó là sự chuẩn bị cho đại hội chưa đúng tầm.

Thứ hai, nói một cách sâu sát hơn là ở đại hội một số nơi còn thiếu dân chủ, chưa dân chủ, cho nên có khi chủ quan, áp đặt. Có người có tín nhiệm, xứng đáng thì không đưa vào nhưng cuối cùng người ta vẫn trúng cử, đấy là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

PV: Mặc dù tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ trẻ cao hơn so với nhiệm kỳ trước song ở một số nơi, tỷ lệ này chưa đạt, việc giới thiệu cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành gặp không ít khó khăn, thậm chí có cả định kiến. Theo ông, vì sao vậy?

Ông Vũ Mão: Thực ra tình trạng này khá phổ biến bởi vì họ - những người lãnh đạo, những người lớn tuổi thiếu niềm tin với cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Nói cách khác là có tâm lý coi thường cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đây là những vấn đề có thật, chúng ta tìm ra nguyên nhân thì cũng cần tìm giải pháp khắc phục như thế nào?

Theo tôi, biện pháp thứ nhất là phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên nhất là những cán bộ, đảng viên là đại biểu đi dự đại hội các cấp phải quán triệt được tinh thần này. Thứ hai phải tính tới tỷ lệ ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết ở đảng bộ các cấp và cả Trung ương. Cái này quan trọng lắm bởi cán bộ trẻ đưa thẳng vào chính thức mà người ta chưa đủ độ tin cậy thực sự cũng chưa đảm nhận được ngay.

Cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ cũng cần phải đưa từng bước vào dự khuyết. Muốn vậy thì trong các quy định, tỷ lệ ủy viên chính thức và dự khuyết phải hợp lý. Tôi nhớ ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, IV, V, những tỷ lệ này rất hợp lý. Đại hội III chẳng hạn có 43 ủy viên chính thức thì có đến 32 ủy viên dự khuyết. Tỷ lệ như vậy là trên 70%. Hiện nay, tỷ lệ dự khuyết của chúng ta quá thấp. Theo tôi, đây là những giải pháp rất quan trọng.

PV: Hội nghị Trung ương 4 chỉ ra một bộ phận cán bộ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống... Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần có lưu ý gì trong công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tôi thấy nghị quyết Trung ương 4 khóa XI rất sâu sắc và nó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của chúng ta trong quá trình chuẩn bị và tiến tới đại hội ở các cấp và cũng là tiến tới đại hội sắp tới. Hội nghị Trung ương 4 nhận định về tồn tại của cán bộ đảng viên trung-cao cấp rất sâu sắc, rất nặng nề, không đơn giản đâu.

Nhưng qua tiến hành đại hội ở các cấp, việc nhận định, đánh giá theo tôi có vẻ tươi sáng quá, “hồng” quá. Đội ngũ được bầu ở các cấp ủy từ cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh có vẻ như họ tốt đẹp cả. Vậy một bộ phận không nhỏ thiếu đạo đức, thiếu gương mẫu, tham nhũng nằm ở đâu? Những người đó có bị loại khỏi cấp ủy vừa qua không?

Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020

Có lẽ, chúng ta phải cân nhắc đánh giá đó sát thực hơn, đánh giá tinh thần nghị quyết Trung ương 4 mới đúng. Và tới đây đại hội Đảng toàn quốc cũng vậy, theo tôi, phải lấy tinh thần đó đánh giá cho đúng. Đồng thời, phải công khai, minh bạch xem mỗi ứng cử viên có tham ô, tham nhũng hay không? Vấn đề tài sản phải được kê khai, giám định như thế nào?

Hiện nay, việc kê khai tài sản còn rất hình thức nên dư luận có băn khoăn với vị này, vị khác, với ứng cử viên này, ứng cử viên khác. Nếu làm rõ điều này, đây là vấn đề rất quan trọng.

PV: Vừa qua, dư luận cũng băn khoăn khi thấy ở một số đại hội đảng các cấp có con em của các đồng chí lãnh đạo tham gia cấp ủy. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, cái này rất đáng suy nghĩ, chúng ta không cào bằng. Ngày trước, Bác Hồ rất quan tâm đào tạo cán bộ là công-nông, trí thức, con em của lực lượng cốt cán. Như tôi, tôi cũng là con của cán bộ cốt cán, được đưa đi đào tạo thiếu sinh quân. Chúng tôi phải rèn luyện vất vả, ghê gớm lắm.

Lứa chúng tôi có các đồng chí như: Vũ Khoan, Vũ Quốc Hùng, Lê Xuân Tùng, Trần Đình Hoan,…sau này, chúng tôi trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, trong thực tiễn, ai có thể nói chúng tôi là cán bộ không tốt?

Bây giờ, chúng ta rất quan tâm đến con em của lãnh đạo cốt cán nhưng phải qua rèn luyện, thử thách. Họ rất thuận lợi khi có trình độ, tri thức, thậm chí, đi học ở nước ngoài, giỏi ngoại ngữ…Cái đó rất cần. Nếu họ vào các cương vị lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương thì rất tốt cho đất nước.

Nhưng họ phải qua rèn luyện, họ phải là con người có thực chất, có tư cách, có đạo đức, không cơ hội. Chúng ta nên tiếp tục quan tâm thảo luận để cho tốt chứ không nên đánh đồng con em lãnh đạo nếu vào được cương vị nào đó là do ưu ái. Theo tôi, không phải như vậy. Chúng ta phải nhìn vào từng trường hợp cụ thể.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên