Xúc động trước cuốn nhật ký bằng ảnh về Hà Nội thời bao cấp

VOV.VN -Cựu Phó đại sứ Anh John Ramsden đã ghi lại bức chân dung của Hà Nội xưa - một chốn thầm lặng và đượm buồn nhưng lại đẹp đến nao lòng.

Sáng 14/10 tại một quán cafe nhỏ trên phố Phan Huy Ích (Hà Nội), những người yêu Hà Nội như được trở về không gian thành phố xưa cũ cách đây hơn 30 năm qua những bức ảnh tư liệu đầy dung dị của cựu Phó đại sứ Vương quốc Anh, John Ramsden.

110 tấm ảnh được tập hợp trong cuốn sách ảnh mang tên “Hà Nội một thời” của John Ramsden, ghi lại những cảnh sinh hoạt, những gương mặt đời thường của Hà Nội từ năm 1980 đến 1982 với những điểm đặc trưng nhất tạo nên chất Hà thành: những ngõ phố, hàng cây cổ thụ, quán phở vỉa hè, tàu điện, chợ hoa Tết… Ông đã chụp bởi thú vui đồng hành với công việc của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nay đây mai đó. 

Sách ảnh "Hà Nội một thời" của cựu Phó đại sứ Anh John Ramsden.

Dành thứ xa xỉ cho những điều bình thường nhất

Những năm 80, có thể nói chụp ảnh là một công việc xa xỉ. Các nhiếp ảnh gia phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng khi tác nghiệp. Không có chỗ nào để mua phim hay rửa ảnh và không hề có chỗ cho phòng tối. John Ramsden lúc đó lại không ngại lang thang khắp phố phường Hà Nội để chụp ảnh. Chỉ trong 3 năm công tác tại Hà Nội, ông đã chụp tới 1.700 bức ảnh. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá về Hà Nội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, với một người Hà Nội từng sống trong những khung cảnh mà ống kính tác giả John Ramsden lưu lại như ông, mỗi bức ảnh của nhà ngoại giao kỳ cựu người Anh đều gợi lại những ký ức xưa cũ khiến ông vô cùng xúc động.

“Khi có trong tay những tấm ảnh đầu tiên, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy bản thân trong những tấm ảnh này. Từ những tấm ảnh, mở ra cho chúng ta rất nhiều hiểu biết của cuộc sống Hà Nội 30 năm trước mà ít người có ý thức lưu giữ ký ức. Ngày xưa, thế hệ đàn anh, cha chú tôi có thói quen viết nhật ký. Bây giờ, nhật ký trở thành kho tàng tư liệu rất quý. Những tác phẩm của John Ramsden có giá trị như một cuốn nhật ký bằng ảnh”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Cũng theo ông, nhìn những bức ảnh này lại thấy được sự thiếu sót của những người nhiếp ảnh Việt Nam, bắt nguồn từ việc chụp một bức ảnh khó và tốn kém, nên ít chú ý đến những cái đời thường, luôn luôn nghĩ rằng một cái bấm máy của mình ngoài việc chụp lưu niệm, thì phải chụp một cái gì đó nghệ thuật, cao xa, cho đáng đồng tiền bát gạo. Chính vì vậy, họ bỏ qua rất nhiều hình ảnh đời thường của Hà Nội. John Ramsden đã dành việc chụp ảnh xa xỉ để ghi lại những gì bình thường nhất.

John Ramsden đã ghi lại những hình ảnh vô giá của Hà Nội thời bao cấp.

“Tôi phải rửa ảnh tại một tiệm máy ảnh ở Bangkok (Thái Lan) trong các chuyến đi định kỳ của mình. Tôi thích chụp ảnh bên trong các khu chợ và đền chùa, nơi có ánh sáng yếu. Tôi luôn chỉ lắp cho máy một loại phim ISO cao, chấp nhận rằng nó không hề lý tưởng khi chụp ngoài trời sáng. Khi tôi thấy một cảnh đáng chụp, không có thời gian để thay ống kính hay đổi thân máy. Tôi cũng không thể nào đeo máy trên người mà đi loanh quanh nếu muốn kín đáo. Tôi thường cất máy ảnh trong một túi cói đeo vai và đến phút chót mới lôi ra”, nhà ngoại giao Anh chia sẻ.

Không “tô hồng” một thời gian khó

Tất cả những bức ảnh về Hà Nội trong cuốn sách này là thuộc về một Hà Nội của những năm tháng đói ngèo và quá nhiều khó khăn. Thế nhưng, những gì mà người xem cảm nhận được lại là một nét bình dị, thân thương như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận: “Tôi không thấy cái cảm giác buồn bã, nặng nề hay lo lắng trên từng góc phố, từng mái ngói, từng cái cây và đặc biệt trên những mặt người. Hà Nội của John Ramsden là người ta không có bất cứ cảm giác nào về những âu lo, toan tính, ngột ngạt, bất trắc… như chính Hà Nội bây giờ”.

Nhà ngoại giao Anh chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không muốn tô hồng một thời gian khó. Tôi có ấn tượng rằng, những ai đã sống qua thời kỳ ấy đề có những cảm xúc lẫn lộn. Cuộc sống ngày nay đã tốt đẹp hơn nhiều, không ai lại muốn quay ngược đồng hồ. Nhưng ngoài những gian khổ và khó khăn, vẫn tồn tại ở đó một sự giản dị, một nét nên thơ phảng phất bâng khuâng, một “hồn cốt” khó quên”.

Một Hà Nội dung dị và gần gũi.

Với ông, lẽ dĩ nhiên, thành phố này nghèo khó và bị bỏ bê sau hàng thập kỷ chiến tranh và cuộc sống ở đây rất khó khăn. Nhưng nó vẫn là một nơi có nghị lực tuyệt vời. Là một người nước ngoài, ông tưởng tượng ra người Việt Nam đã cố gắng thế nào trong đời sống hàng ngày như là việc đưa trẻ con đến trường với áo sạch khi mà nước còn hiếm hoi. Người dân đã cố gắng đối chọi với sự khó khăn bằng một nhân cách tuyệt vời. Họ đã tìm ra những cách thức thông minh để duy trì cuộc sống thời điểm đó. Khi hiểu được tất cả khó khăn trong cuộc sống của người dân, những gì ông dành cho họ là một sự tôn trọng, ngưỡng mộ. 

Năm 2013, John Ramsden trở lại Việt Nam sau 30 năm và với ông, Hà Nội đã có một sự thay đổi phi thường. Ngay cả ở Anh, trong thời gian 30 năm cũng có rất nhiều thay đổi, nhưng ở Hà Nội, ông cảm thấy nhanh gấp 4 lần so với ở Anh. 

“Khi tôi ở đây những năm 80, ước mơ lớn nhất của mọi người Việt là làm sao có được một chiếc xe đạp thật tốt. Ngày tôi trở lại Việt Nam 3 năm trước đây, tôi thấy 3 chiếc xe Roll-Royce trên đường phố. Tôi đã nói với những người bạn của mình ở London rằng Hà Nội là một thành phố đẹp, yên tĩnh. Tất cả những gì mọi người có thể nghe thấy là tiếng của một vài chiếc xe đạp trên đường. Nhưng những người ở London lại biết đến Hà Nội với giao thông kinh hoàng, họ hỏi tôi có thực sự đến Hà Nội? Trải nghiệm của tôi khi trở lại Hà Nội sau 30 năm đó là khi tôi cố gắng băng qua đường, tôi cảm thấy gần như chết rồi. Vì thời đó chỉ có người đi bộ, xe đạp chứ không đông đúc như thế này”, John chia sẻ. 

Hình ảnh về Hội pháo Đồng Kỵ mà rất hiếm người nước ngoài được trông thấy thời điểm đó.

Nhưng trong tất cả sự thay đổi, điều mà nhà ngoại giao Anh cảm thấy tuyệt vời nhất đó chính là sự cởi mở, tự do, kết nối giữa người nước ngoài với người Việt Nam. Bởi trước đây, sự giới hạn giao tiếp với người nước ngoài hay truyền thông nước ngoài rất ngặt nghèo.

“Hà Nội bây giờ tốt hơn, người Hà Nội có cuộc sống sung túc hơn ngày xưa. Tuy nhiên, về vẻ đẹp hiện tại của Hà Nội thì rất khó nói. Hà Nội phát triển quá nhanh trong thời gian qua, rất khó để giữ lại những nét đẹp truyền thống”, Jonh Ramsden trầm ngâm.

Bức tượng công chúa nhà Lý ở chùa Lý Quốc Sư với những vết nứt mang vẻ đẹp của thời gian.

Là một người nặng lòng với Hà Nội, Jonh Ramsden chỉ có một lời khuyên cho những người yêu Hà Nội, rằng không nên quá vội vã mà tìm những gì thật sự cần được bảo tồn để giữ nó. Như bức ảnh tượng công chúa nhà Lý ở chùa Lý Quốc Sư. Bức tượng có những vết nứt, nhưng ở khía cạnh di sản, những vết nứt không nên sửa chữa vì đó là một phần nét đẹp của thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lên cỗ máy thời gian trở về thời bao cấp nhờ Triển lãm Tái chế 1980s
Lên cỗ máy thời gian trở về thời bao cấp nhờ Triển lãm Tái chế 1980s

VOV.VN - Triển lãm Tái chế Nghệ thuật 1980s của dự án Ngước chính là cỗ máy thời gian sẽ đưa người xem về với tuổi thơ thời bao cấp.

Lên cỗ máy thời gian trở về thời bao cấp nhờ Triển lãm Tái chế 1980s

Lên cỗ máy thời gian trở về thời bao cấp nhờ Triển lãm Tái chế 1980s

VOV.VN - Triển lãm Tái chế Nghệ thuật 1980s của dự án Ngước chính là cỗ máy thời gian sẽ đưa người xem về với tuổi thơ thời bao cấp.

Ký ức tuổi thơ thời bao cấp ùa về từ triển lãm 1980s
Ký ức tuổi thơ thời bao cấp ùa về từ triển lãm 1980s

VOV.VN - Triển lãm Nghệ thuật Tái chế 1980s mong muốn truyền cảm hứng, đem lại cái nhìn mới mẻ về vạn vật và giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ký ức tuổi thơ thời bao cấp ùa về từ triển lãm 1980s

Ký ức tuổi thơ thời bao cấp ùa về từ triển lãm 1980s

VOV.VN - Triển lãm Nghệ thuật Tái chế 1980s mong muốn truyền cảm hứng, đem lại cái nhìn mới mẻ về vạn vật và giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Hà Nội thời bao cấp qua ảnh của nhà ngoại giao Anh
Hà Nội thời bao cấp qua ảnh của nhà ngoại giao Anh

Trong cuốn sách ảnh "Hà Nội một thời" sắp phát hành, tác giả John Ramsden ghi lại những khoảnh khắc quý giá về thủ đô những năm 1980.

Hà Nội thời bao cấp qua ảnh của nhà ngoại giao Anh

Hà Nội thời bao cấp qua ảnh của nhà ngoại giao Anh

Trong cuốn sách ảnh "Hà Nội một thời" sắp phát hành, tác giả John Ramsden ghi lại những khoảnh khắc quý giá về thủ đô những năm 1980.