Làm gì để “kéo” học sinh đi học bằng xe buýt?

VOV.VN -Thành phố HCM  đang cần những thay đổi đột phá để đạt được chỉ tiêu đến năm 2020 tăng số lượng học sinh sử dụng xe buýt lên 15 - 20%.

Dù Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực thu hút học sinh đi học bằng xe buýt công cộng, nhưng thời gian qua, số lượng học sinh sử dụng phương tiện này vẫn rất thấp, chỉ khoảng 5%. Thành phố đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 tăng số lượng học sinh sử dụng xe buýt lên 15 - 20%. Trên thực tế, tỷ lệ này khó đạt được nếu như không có những thay đổi đột phá. 

Qua khảo sát và đánh giá từ thực tế, ở khu vực các huyện ngoại thành, tỷ lệ học sinh đăng ký đến trường bằng xe buýt khá cao với 67%. Nhưng kết quả này ở các quận nội thành thì hoàn toàn ngược lại. Đáng báo động là số học sinh đi học bằng xe buýt ở nội thành đang giảm dần.

Số lượng học sinh ở các quận nội thành sử dụng xe buýt khá thấp.

Ông Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quang Trung, huyện Củ Chi cho biết, 3 năm gần đây, xu hướng học sinh của trường chọn xe buýt giảm dần. Năm 2013, khi nhà trường tổ chức ký hợp đồng đưa rước, 100% học sinh của trường đăng ký, nhưng sau đó, chính sách trợ giá có giảm xuống nên số lượng học sinh cũng ít đi nhiều và gần đây số học sinh đăng ký đạt rất thấp.

Theo ông Cải, mức hỗ trợ của Thành phố là 2.830 đồng/lượt/học sinh– sinh viên trên địa bàn thành phố, riêng Cần Giờ là 3.537 đồng/lượt/học sinh – sinh viên đã áp dụng từ năm 2006 đến nay không còn phù hợp, phụ huynh không đồng tình đóng thêm phần chênh lệch nên không tham gia. "Hầu hết phụ huynh không đồng tình đóng thêm phí hỗ trợ phần chênh lệch trợ giá, họ cho rằng có thể tự đưa rước được. Nếu thành phố xem xét 4 huyện ngoại thành 100% thì sẽ giống như 4 năm đầu triển khai", ông Cải nói.

Đại diện nhiều trường học cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất để học sinh tham gia vận tải hành khách công cộng. Các trường thường gặp khó trong việc kiểm tra xe chở đủ số lượng học sinh chưa, kiểm tra chất lượng xe.

Tắc đường cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh ngại đi xe buýt.

Thêm vào đó, một số trường khi tăng từ 1 buổi học lên 2 buổi học một ngày thì số chuyến xe bố trí không đủ. Thế là học sinh 1 buổi đi xe buýt, 1 buổi phải tự đi hoặc phụ huynh phải đưa đón, rất bất tiện. Ông Bùi Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè nói: "Hiện nay làm một hợp đồng xe buýt mà thủ tục quá nhiều… phải xem xét tăng lên 4 lượt trên ngày, bởi bây giờ học sinh đã học 2 buổi".

Ngoại thành đã gặp khó, trong nội thành còn khó hơn bởi tình hình kẹt xe thường xuyên nên phụ huynh không an tâm cho con đi xe buýt mà chọn giải pháp chở con đi học bởi sợ trễ giờ. Vì thế, để nâng tỷ lệ học sinh đi xe buýt trong nội thành lên, đại diện các trường trong nội đô đề xuất giải pháp xe buýt đưa đón theo cụm trường và thậm chí là có thể…xử nhẹ các trường hợp học sinh trễ học vì dùng xe buýt.

Bà Lương Bích Nga, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Quận 1 ví dụ: Với tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có đến 4 trường học, mỗi trường chỉ cách nhau vài trăm mét. Nếu tính riêng mỗi trường thì số học sinh đi xe đưa đón ít, nhưng nếu gộp học sinh các trường lại để đưa đón thì vừa có đủ học sinh cho 1 chuyến xe, vừa bớt số lượng xe buýt di chuyển trên tuyến này. Bà Nga đề xuất: "Để đưa đón thì đúng là khó thật vì mỗi em có một điểm đón khác nhau. Nên chăng mình có thể đưa đón theo cụm trường để các em cùng đến đó".

Đề xuất giải pháp đưa đón học sinh bằng xe buýt theo cụm trường.

Đại diện các đơn vị vận tải hành khách công cộng thì cho rằng, khó khăn lớn nhất là về phương tiện vận tải. Hiện nay, phần lớn xe đều đã cũ kỹ, xuống cấp và cần được hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư thay mới. Đặc biệt là sự gắn kết giữa đơn vị vận tải – trường học – ngành giáo dục chưa tốt, chưa tìm ra tiếng nói chung nên doanh nghiệp cũng e ngại việc nâng cấp phương tiện.

Ông Huỳnh Tấn Tạo, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vận tải số 15 nói: "Mỗi một trường phải nỗ lực, kể cả đơn vị vận tải chúng tôi. Bởi nếu riêng chúng tôi nỗ lực mà nhà trường không trao đổi gắn kết thì không đạt được qui định ủy ban đề ra".

Đưa rước học sinh, sinh viên theo hình thức hợp đồng có trợ giá là một trong những giải pháp thực hiện Chương trình hành động số 14 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Sở Giao thông Vận tải và Sở Giáo dục- Đào tạo đã xây dựng kế hoạch cụ thể qua từng năm để đến năm 2020 sẽ có 15- 20% học sinh mỗi trường sử dụng xe buýt đi học.

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, sở này đang xây dựng chuẩn nhận diện thương hiệu riêng cho xe buýt trường học, theo kiểu xe School Bus ở nước ngoài để thuận tiện hơn trong lưu thông. Ngoài ra, xe buýt trường học cũng sẽ có thêm một số ưu tiên: ra vào trạm, được các phương tiện khác nhường đường, tăng sự an toàn khi trẻ em tiếp cận hệ thống này… Sở và các ngành có liên quan cũng đang tính toán để thay đổi cách tính trợ giá vốn đã tồn tại từ 2006 và đến nay, không còn phù hợp.

Rõ ràng, việc đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động đưa đón học sinh, sinh viên bằng phương tiện công cộng là rất cần thiết trong điều kiện của thành phố hiện nay. Hoạt động này không chỉ giảm lượng phương tiện cá nhân lưu thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông mà quan trọng hơn là hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho công dân ngay từ nhỏ. Điều đó sẽ đóng góp rất nhiều vào thành công của bài toán phát triển giao thông công cộng trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội thay mới hàng loạt xe buýt tiêu chuẩn chất lượng cao
Hà Nội thay mới hàng loạt xe buýt tiêu chuẩn chất lượng cao

Hà Nội bắt đầu đưa hàng loạt xe buýt mới tuyến số 39 Công viên Nghĩa Đô – Tứ Hiệp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) từ ngày hôm nay (25/8).

Hà Nội thay mới hàng loạt xe buýt tiêu chuẩn chất lượng cao

Hà Nội thay mới hàng loạt xe buýt tiêu chuẩn chất lượng cao

Hà Nội bắt đầu đưa hàng loạt xe buýt mới tuyến số 39 Công viên Nghĩa Đô – Tứ Hiệp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) từ ngày hôm nay (25/8).

Tài xế xe buýt bị bắt vì xoá dấu vết hiện trường tai nạn
Tài xế xe buýt bị bắt vì xoá dấu vết hiện trường tai nạn

Điều khiển ôtô buýt va chạm xe máy làm chết người, tài xế 46 tuổi tự ý đưa cả hai phương tiện rời hiện trường.

Tài xế xe buýt bị bắt vì xoá dấu vết hiện trường tai nạn

Tài xế xe buýt bị bắt vì xoá dấu vết hiện trường tai nạn

Điều khiển ôtô buýt va chạm xe máy làm chết người, tài xế 46 tuổi tự ý đưa cả hai phương tiện rời hiện trường.