Lòng dũng cảm không cần tới những chiêu trò màu mè

VOV.VN -Lòng dũng cảm không phải chỉ hình thành khi chúng ta đối diện với sợ hãi, mà nó cần kết hợp với cả sự rèn luyện về nhân cách và tri thức.

Trong tuần, có một số câu chuyện, sự việc liên quan đến hai từ "dũng cảm", khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nếu như ở đâu đó trong lớp học, người ta đang dạy học sinh lòng dũng cảm theo kiểu khiên cưỡng với những buổi thực hành dẫm lên thủy tinh, thì có những con người dẫu bình dị đang có những hành động dũng cảm thực sự, đáng khâm phục.

Mặc dù trong tuần Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các bên có liên quan thu hồi cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” của tác giả Phan Quốc Việt, nhưng vấn đề mà nội dung bài học đề cập, vẫn được dư luận bàn luận khá sôi nổi. Theo đó, bài học Vượt qua nỗi sợ (ở trang 77 của cuốn sách này đã sử dụng mẩu chuyện minh họa "Bạn An dũng cảm", để dạy học sinh tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thảm thủy tinh.

Trên thực tế, rèn luyện kỹ năng bằng cách đi trên mảnh thủy tinh, trên lửa, hay gai... là một hình thức huấn luyện kỹ năng tồn tại đã có từ lâu trên thế giới. Nhưng đó là các bài học dành cho những người lớn tuổi, các chiến binh... Việc dạy trẻ mới 6 tuổi đi trên thảm thủy tinh để rèn luyện kỹ năng vượt qua nỗi sợ hãi là không phù hợp. Nhiều người cho đây chỉ là các chiêu trò liều lĩnh, một kiểu thể hiện lòng dũng cảm theo kiểu... liều mạng.

Mỗi con người khi sinh ra đều phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi và khi vượt qua nỗi sợ hãi chính là lúc chúng ta có thêm kỹ năng sống, trưởng thành hơn. Nhưng hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đang hiểu sai về kỹ năng sống và nhiều người lạm dụng các chiêu trò để quảng cáo cho những trung tâm kỹ năng sống. Nhiều tác giả, chuyên gia "huấn luyện" đưa ra các thuật ngữ rất mỹ miều và hấp dẫn nhằm thu hút người đọc, kích thích nhu cầu của cha mẹ. Nhiều kỹ năng mà họ đưa ra không phù hợp với lứa tuổi và năng lực của trẻ. Nhiều trung tâm còn cóp nhặt các bài tập, tình huống giáo dục trẻ từ các chương trình của người lớn vào cho trẻ em.

Nhiều người hiện nay đang có những quan niệm sai về "lòng dũng cảm". Lòng dũng cảm là một phẩm chất nhân cách của con người, chứ không phải là một kỹ năng xã hội. Rất hữu ích khi các thầy cô giáo tiểu học đã áp dụng bài tập để rèn lòng dũng cảm cho các em. Nhưng lòng dũng cảm không phải chỉ hình thành khi chúng ta đối diện với sợ hãi, mà nó cần kết hợp với cả sự rèn luyện về nhân cách và tri thức.

Đi trên thảm thủy tinh (Ảnh: Soha)

Liên quan đến câu chuyện về sự tự trọng và lòng dũng cảm, xin được nêu ra hai câu chuyện khác, cũng đáng để chúng ta suy nghĩ.

Câu chuyện thứ nhất về anh Nguyễn Văn Khanh (31 tuổi), làm nghề chạy xe ôm và bán vé số trên đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã không ngần ngại nhảy xuống dòng nước lạnh của hồ Xuân Hương để cứu người phụ nữ tự tử. 

Sau khi cùng một cảnh sát đưa người phụ nữ đến bệnh viện, anh lẳng lặng ra về, không cần nói tên, bởi anh quan niệm "cứu người không cần trả ơn, cứu được người là mừng rồi”. Hành động dũng cảm và sự tự trọng của anh Nguyễn Văn Khanh rất đáng trân trọng.

Câu chuyện thứ hai về bé Nguyễn Hoài Thương (7 tuổi, ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM). Em sinh ra đã không có chân tay do di chứng của chất độc da cam. Nhưng cô bé “chim cánh cụt” Nguyễn Hoài Thương này lúc nào cũng vui cười, tự phục vụ mình trong sinh hoạt; đi học bằng đôi chân giả và viết bằng tay giả có đục lỗ tròn để đặt vừa cây viết. Chính việc vượt lên nỗi bất hạnh, mọi trở ngại để vui sống của bé Hoài Thương chính là biểu hiện của lòng dũng cảm.

Hầu hết những anh hùng trong cuộc sống, khi được hỏi về những hành động phi thường, họ đều trả lời là khi hành động, họ không bao giờ suy nghĩ rằng làm điều đó giúp họ nổi tiếng, khiến họ trở nên dũng cảm hơn... mà chỉ thấy cần thiết phải làm để đem lại sự sống, sự hữu ích cho những người thân yêu nhất, hay cho cộng đồng mà thôi.

Như vậy đó! Chúng ta cần dạy cho con trẻ những bài học cụ thể và xúc động, để các em tự suy nghĩ, tự hiểu, chứ không phải là những bài học khiên cưỡng và khô cứng. Sự tự trọng và lòng dũng cảm của con người không bao giờ cần đến những chiêu trò quảng cáo màu mè./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau
Người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau

VOV.VN - Người Việt lạm dụng các loại thuốc bảo vệ, kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi rồi đem bán cho chính người tiêu dùng trong nước.

Người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau

Người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau

VOV.VN - Người Việt lạm dụng các loại thuốc bảo vệ, kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi rồi đem bán cho chính người tiêu dùng trong nước.

Mùa Vu Lan báo hiếu: Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ rơi nước mắt
Mùa Vu Lan báo hiếu: Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ rơi nước mắt

VOV.VN - Ngày Vu Lan là dịp để mỗi người suy nghĩ và hành động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con đối với cha mẹ

Mùa Vu Lan báo hiếu: Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ rơi nước mắt

Mùa Vu Lan báo hiếu: Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ rơi nước mắt

VOV.VN - Ngày Vu Lan là dịp để mỗi người suy nghĩ và hành động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con đối với cha mẹ