Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nung nấu một “cuộc chiến” với Iran?

VOV.VN - Việc Iran ngày 23/7 triển khai hệ thống sản xuất tên lửa mới là lời đáp trả việc Mỹ tiếp tục gây sức ép với Tehran.

Đúng một tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald ngày 17/7 một lần nữa chính thức công nhận rằng Iran vẫn đang tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tức thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Tuy nhiên, ông Donald Trump dường như chưa bao giờ cảm thấy thoải mái về điều này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ra sức kêu gọi lãnh đạo các nước ngừng làm ăn với Iran. (Ảnh: EPA)

Theo thỏa thuận, Iran sẽ cắt giảm chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát quốc tế dày đặc để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn “lách luật” bằng cách tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran liên quan tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này.

Động thái này khơi lại câu hỏi rằng phải chăng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nung nấu một “cuộc chiến” với Iran?

Nội bộ Mỹ phân vân

Ông Andrew Exum, cựu phó trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách Trung Đông, cho rằng dường như đang có sự chia rẽ trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump về vấn đề Iran.

Một vài người trong nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông cùng với một số nhân vật “diều hâu” ở Capitol Hill (tức Quốc hội Mỹ) đang ngầm phá hoại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Bản thân ông Donald Trump cũng đã định tuyên bố ngày 17/7 rằng Iran không tuân thủ JCPOA.

Thế nhưng vào phút chót, một nhóm khác trong đội an ninh quốc gia của chính quyền Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, lại thuyết phục được Tổng thống nói ra sự thật và công nhận Iran thực sự tuân thủ những cam kết trong JCPOA.

Tuy nhiên, vẫn còn những dấu hiệu đáng lo ngại về ý định của Tổng thống Donald Trump bởi từ khi tranh cử ông đã nhiều lần chỉ trích JCPOA là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay” và là “một sự đầu hàng thảm hại cần phải đảo ngược”.

Điều này đặt chính quyền Mỹ vào thế khó. Bởi các bên khác tham gia JCPOA, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga, cùng với bên giám sát là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quóc tế (IAEA), đều biết rằng Iran đã có những nhượng bộ rất lớn và thừa nhận rằng Tehran đến nay vẫn tuân thủ giới hạn nghiêm ngặt của thỏa thuận này.

Do đó, Mỹ không thể “đơn thương độc mã” rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một tuyên bố ngược lại rằng Tehran vi phạm thỏa thuận. Các nước khác tham gia JCPOA sẽ không tán thành tuyên bố đó và sẽ chẳng có lệnh trừng phạt quốc tế nào được đưa ra. Còn nước Mỹ sẽ chỉ tự biến mình thành một kẻ lật lọng.

Mượn vấn đề tên lửa để thổi bùng vấn đề hạt nhân

Cho đến nay, phe bảo thủ trong chính quyền Mỹ vẫn nỗ lực “khiêu khích Iran trở thành bên phá hỏng thỏa thuận hạt nhân để Mỹ chiến thế thượng phong” trong vấn đề này.

Các chiến thuật gây sức ép khác vì thế vẫn tiếp tục. Ngày 22/7, Bộ ngoại giao Mỹ công bố loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran vì những hành động không hề liên quan tới thỏa thuận hạt nhân.

Không dừng lại ở đó, ngày mai (25/7), Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu các biện pháp trừng phạt với hàng loạt nước Iran, Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt này về cơ bản giống với biện pháp mà Thượng viện đã thông qua trước đó.

Giọt nước tràn ly với Iran?

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ như thiêu đốt phe bảo thủ ở Iran, những người vốn tin rằng JCPOA buộc Tehran phải nhượng bộ quá nhiều trong khi việc dỡ bỏ trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân chẳng đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế.

Iran cũng không thể ngồi yên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 hồi đầu tháng này, đã nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khác ngừng làm ăn với Tehran, một điều đi ngược lại tinh thần của JCPOA.

Nhưng Tehran sẽ chỉ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ rút lui trước. Đó là khẳng định của ông Kamal Kharrazi, người đứng đầu Hội đồng chiến lược đối ngoại của Iran, cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ lĩnh tinh thần Ayatollah Ali Khamenei, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh France 24 ngày 21/7 vừa qua.

Cựu Ngoại trưởng Iran (1997 – 2005) này cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là sự vi phạm tinh thần và lời văn của JCPOA. Thỏa thuận hạt nhân này nêu rõ Mỹ “sẽ kiềm chế mọi chính sách cụ thể nhằm ảnh hưởng trực tiếp và giàn tiếp đến việc bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế với Iran, phù hợp với cam kết không cản trở việc thực thi thành công JCPOA”.

Ông Kharrazi cũng khẳng định Iran “có quyền phát triển tên lửa vì mục đích quốc phòng”.

Và như một lời thách thức các lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa áp đặt, ngày 23/7, Iran tuyên bố triển khai một hệ thống sản xuất tên lửa mới có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, các thiết bị bay không người lái, máy bay trực thăng và tên lửa hành trình.

Nước cờ nguy hiểm của Tổng thống Donald Trump

Theo giới phân tích, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông cần phải biết rằng, thúc đẩy hủy bỏ JCPOA lúc này là một nước cờ nguy hiểm đối với nước Mỹ trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông hết sức phức tạp hiện nay.

Các đồng minh của Mỹ, gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang đối đầu với một đồng minh khác của Washington là Qatar vì nghi ngại mối quan hệ giữa Doha với Tehran. Lo ngại đối đầu sẽ đẩy Qatar, đồng minh đang tiếp nhận căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực, gần hơn về phía Iran nhưng Washington chưa thể tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng này. Thêm vào đó, Mỹ và Iran cũng đang ở 2 chiến tuyến trên mặt trận Syria, nơi Mỹ ủng hộ phe nổi dậy còn Iran hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhận định trên tạp chí Newsweek, ông John Glaser, phó giám đốc chương trình nghiên cứu chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu Cato (Washington, Mỹ) cho biết, nếu hủy bỏ JCPOA, Iran sẽ trút bỏ mọi trách nhiệm giới hạn chương trình hạt nhân của họ và Mỹ sẽ lập tức trở lại “cuộc chiến” với nước Cộng hòa Hồi giáo này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tìm cách mới thách thức Iran vì không thể hủy bỏ thỏa thuận
Mỹ tìm cách mới thách thức Iran vì không thể hủy bỏ thỏa thuận

VOV.VN - Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran lại bước vào những đợt sóng gió mới với các cảnh báo trừng phạt và trả đũa lẫn nhau.

Mỹ tìm cách mới thách thức Iran vì không thể hủy bỏ thỏa thuận

Mỹ tìm cách mới thách thức Iran vì không thể hủy bỏ thỏa thuận

VOV.VN - Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran lại bước vào những đợt sóng gió mới với các cảnh báo trừng phạt và trả đũa lẫn nhau.

Căng thẳng Mỹ - Iran có diễn biến leo thang mới
Căng thẳng Mỹ - Iran có diễn biến leo thang mới

VOV.VN - Căng thẳng ngoại giao trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục bị đẩy lên cao do các biện pháp trả đũa lẫn nhau của hai bên.

Căng thẳng Mỹ - Iran có diễn biến leo thang mới

Căng thẳng Mỹ - Iran có diễn biến leo thang mới

VOV.VN - Căng thẳng ngoại giao trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục bị đẩy lên cao do các biện pháp trả đũa lẫn nhau của hai bên.

Nga: Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran là vô căn cứ
Nga: Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran là vô căn cứ

VOV.VN - Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran liên quan tới cáo buộc nước này xúc tiến chương trình tên lửa đạn đạo là “vô căn cứ”.

Nga: Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran là vô căn cứ

Nga: Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran là vô căn cứ

VOV.VN - Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran liên quan tới cáo buộc nước này xúc tiến chương trình tên lửa đạn đạo là “vô căn cứ”.

Mỹ - Iran tiếp tục cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”
Mỹ - Iran tiếp tục cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”

VOV.VN - Ngày 18/7, Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, dù trước đó chỉ vài giờ khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân.

Mỹ - Iran tiếp tục cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”

Mỹ - Iran tiếp tục cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”

VOV.VN - Ngày 18/7, Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, dù trước đó chỉ vài giờ khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân.

Iran tuyên bố “cứng rắn” nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Iran tuyên bố “cứng rắn” nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

VOV.VN -Ngày 20/7, Iran tuyên bố sẽ duy trì quyền của mình nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Iran tuyên bố “cứng rắn” nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Iran tuyên bố “cứng rắn” nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

VOV.VN -Ngày 20/7, Iran tuyên bố sẽ duy trì quyền của mình nếu Mỹ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.