Hầu hết người sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền hoặc chuyển khoản

VOV.VN - Chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần kiên định thực thi Đề án thanh toán không dùng tiền mặt để gia tăng lợi ích của tài chính toàn diện.

Tại sự kiện Banking Vietnam 2017 với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” vừa diễn ra hôm nay (19/5) tại TPHCM, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm “trung bình kém” trong môi trường hỗ trợ tài chính toàn diện. Việc tăng cường hỗ trợ tài chính toàn diện là nhu cầu ngày càng cấp thiết ở Việt Nam, trong đó gia tăng tài chính số là rất quan trọng.

Mới chỉ 31% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Kim Anh, tài chính toàn diện (Financial inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi Khai mạc Banking Vietnam 2017 (Ảnh: SBV)

Thực tế nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; Ngân hàng Thế giới cũng đặt ra mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho người thu nhập thấp trên thế giới đến 2020.

Gần đây nhất là tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 vừa diễn ra trong hai ngày 23-24/2 tại Nha Trang cũng dành một phiên thảo luận về tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.

Đánh giá vai trò quan trọng của tài chính toàn diện, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tài chính toàn diện có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng phúc lợi xã hội (đối với cá nhân); tăng sức cạnh tranh, lợi nhuận và tăng trưởng (đối với doanh nghiệp); thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn, giảm bất bình đẳng giới và thu nhập (đối với nền kinh tế).

Dù vai trò của tài chính toàn diện rất lớn như vậy, nhưng thực tế tài chính toàn diện ở Việt Nam vẫn khá buồn. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lấy ví dụ, tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 31% người dân trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa ở khu vực nông thôn (27%). Rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng chưa được cung cấp các dịch vụ phù hợp. Mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch ngân hàng mới chỉ tập trung tại các khu vực thành thị phát triển, trong khi tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì còn rất hạn chế.

Tỷ lệ sử dụng thẻ còn ở mức rất thấp

TS. Cấn Văn Lực dẫn khảo sát doanh nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2015 cho thấy, trong số các nhân tố cản trở kinh doanh hàng đầu ở Việt Nam thì chỉ số tiếp cận tài chính đứng đầu. Còn khảo sát năm 2016 của WB cũng cho thấy, các chỉ số tiếp cận tài chính (như số lượng chi nhánh NHTM và máy ATM tính trên 100.000 người lớn) của Việt Nam so với khu vực còn ở mức thấp.

Nếu như năm 2015, tại Việt Nam chỉ đạt 3,8 chi nhánh NHTM/100.000 người lớn, thì sang năm 2016 mới nhích lên được 24,01. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… tỷ lệ tăng trưởng cao hơn rất nhiều lần (như biểu đồ bên dưới).

Các chỉ số tiếp cận tài chính củaViệt Nam so với khu vực còn ở mức thấp

Đáng lưu ý là ở Việt Nam tính đến hết năm 2016 có khoảng 111 triệu thẻ ngân hàng (gồm 99 triệu thẻ nội địa và 12 triệu thẻ quốc tế). Doanh số sử dụng thẻ đạt 1,87 triệu tỷ VND, tăng hơn 300% so với năm 2010. Có 17.470 ATM; 263.430 POS/EFTPOS/EDC… Tuy nhiên, “vấn đề là hầu hết người sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền hoặc chuyển khoản; tỷ lệ sử dụng thẻ, nhất là thẻ tín dụng còn ở mức rất thấp”.

Thực tiễn đó cho thấy gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính (mà trong đó chủ yếu là các dịch vụ ngân hàng) một cách phù hợp, thuận tiện cho mọi thành viên xã hội là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay.

Kiên định thực thi Đề án thanh toán không dùng tiền mặt

Việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam để gia tăng lợi của nó đối với nền kinh tế rõ ràng là cần thiết, nhưng theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, đây không phải là một mục tiêu dễ dàng đạt được.

Dẫu vậy, Phó Thống đốc tin tưởng với kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia đã cho thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ số ngay cả các nước đang phát triển, những nước nghèo cũng có thể đạt được những thành tựu mang tính đột phá về tài chính toàn diện. Sự phát triển của internet banking, mobile banking, công nghệ giao tiếp trường gần NFC, hay các tiến bộ trong công nghệ sinh trắc học sử dụng vân tay và mống mắt… đều có khả năng mang lại những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, tiện lợi và hiệu quả.

Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối, mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, và từ đó gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Về giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực gợi ý rằng, cần nhất quán, kiên định thực thi Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cần thực hành thành công Đề án 1726 (2016) của Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; và phát triển đồng bộ tài chính vi mô.

Cũng cần phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính; thực hiện thành công đề án tái cơ cấu các TCTD, công ty chứng khoán và xử lý nợ xấu; cùng với việc thúc đẩy quản trị doanh nghiệp trong các định chế tài chính; phát triển tài chính số… ; Đẩy mạnh giáo dục tài chính và phát triển nguồn nhân lực hệ thống tài chính ngân hàng; Tăng cường quản lý rủi ro thanh toán và công nghệ. Đặc biệt, rất cần sự cam kết và quyết tâm chính trị của Chính phủ và sự phối kết hợp của các bộ, ngành, địa phương liên quan./.

Ngân hàng muốn tăng phí ATM

Một số ngân hàng thương mại kiến nghị điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trải ngiệm với Ngân hàng số MyVIB
Trải ngiệm với Ngân hàng số MyVIB

VOV.VN -Khách hàng đăng ký mở tài khoản thanh toán trực tuyến chỉ trong vòng 3 phút để trải nghiệm miễn phí ngân hàng số MyVIB.

Trải ngiệm với Ngân hàng số MyVIB

Trải ngiệm với Ngân hàng số MyVIB

VOV.VN -Khách hàng đăng ký mở tài khoản thanh toán trực tuyến chỉ trong vòng 3 phút để trải nghiệm miễn phí ngân hàng số MyVIB.

Nhiều thách thức về an ninh, bảo mật với ngân hàng số tại Việt Nam
Nhiều thách thức về an ninh, bảo mật với ngân hàng số tại Việt Nam

VOV.VN - Ngân hàng số vừa là cơ hội, động lực cho ngành ngân hàng phát triển, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về an ninh, bảo mật.

Nhiều thách thức về an ninh, bảo mật với ngân hàng số tại Việt Nam

Nhiều thách thức về an ninh, bảo mật với ngân hàng số tại Việt Nam

VOV.VN - Ngân hàng số vừa là cơ hội, động lực cho ngành ngân hàng phát triển, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về an ninh, bảo mật.