Ông Vũ Mão: “Phải tin dân và coi trọng quyết định của dân"

VOV.VN - Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội về những giá trị, bài học lịch sử của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây 70 năm.

PV: Thưa ông, ngày 6/1/1946, lần đầu tiên người dân Việt Nam trở thành người chủ đất nước, nô nức cầm lá phiếu đi bầu những người đại diện cho mình. Theo ông, giá trị quan trọng của ngày 6/1/1946 đã được thể hiện và khẳng định như thế nào?

Ông Vũ Mão: Chúng ta làm cách mạng, giành chính quyền mục tiêu là để làm sao cho nhân dân được làm chủ. Cho nên, xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo là tư tưởng dân chủ. Bầu cử là bầu cử tự do, phổ thông đầu phiếu.

Tất cả những ai thấy mình làm việc có ích cho nước, sẵn sàng đóng góp cho đất nước thì được ứng cử và người dân ý thức được trách nhiệm của mình. Có thể nói chúng ta đã bầu ra được một Quốc hội khóa 1 cùng với Đảng, với Chính phủ để lãnh đạo cách mạng ở giai đoạn khó khăn nhất.

Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

PV: Từ thực tế cách thức tổ chức bầu cử và quy trình bầu cử trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã để lại những bài học kinh nghiệm như thế nào trong quá trình bầu cử sau này, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Có một số bài học chúng ta rút ra và rất có ý nghĩa. Bài học thứ nhất là tin dân, phải có niềm tin với người dân thì chúng ta mới làm được điều đó. Thứ 2 là phải biết cách tuyên truyền vận động người dân, nhận thấy đây là trách nhiệm của mình, tham gia một cách tích cực, tự nguyện, chủ động vào ngày bầu cử đó.

Một điều quan trọng nữa là đoàn kết và đại đoàn kết. Khi đó, tình thế cách mạng rất khó khăn, các đảng phái đối lập rất lớn, họ muốn phá cuộc bầu cử đó. Nhưng bằng sự chỉ đạo khôn ngoan, khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kéo họ vào với chúng ta và đi theo cuộc kháng chiến của chúng ta.

Còn bài học nữa là về tôn trọng những thủ tục, nguyên tắc. Trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn minh bạch, công khai rất rõ ràng.

Thực ra cuộc bầu cử đó là vô cùng khó khăn, phức tạp ở chỗ nhiều nơi phải đổ máu, phải chiến đấu, phải hy sinh. Và nhiều nơi, cán bộ cách mạng - ứng cử viên phải vào trong tận thôn ấp xa xôi để vận động bà con. Từng ứng cử viên đã làm hết trách nhiệm của mình nên khiến người dân cảm thấy tin, bầu ra đại biểu Quốc hội là bầu ra chính quyền của chính họ.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Cách đây 70 năm, ở thời điểm đất nước còn đang đối diện với giặc đói, giặc dốt, dân trí còn thấp, tại sao chúng ta vẫn đặt niềm tin rất lớn vào dân và coi trọng quyết định của dân? Điều này cần phải vận dụng như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Truyền thống dân tộc ta, nhất là chống ngoại xâm là truyền thống đoàn kết và tin dân. Tin dân thì mới đoàn kết được. Chúng ta nhớ lại hội nghị Diên Hồng, vua quan và nhân dân đoàn kết một lòng chống lại kẻ xâm lăng.

Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 cũng thể hiện tinh thần như vậy. Phải tin dân bởi dân chúng ta rất tốt, rất yêu nước. Người dân khi ấy chưa hiểu nhiều về cách mạng, chưa hiểu gì nhiều về các lãnh tụ cách mạng. Nhưng khi nghe đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là họ kính phục, đặt trọn niềm tin. Cho nên ở đây có một yếu tố nữa là ngọn cờ lãnh tụ vô cùng quan trọng.

Trình độ dân trí ngày đó với bây giờ khác nhau xa. Bây giờ, chúng ta phải tin dân, phải lấy ý kiến một cách xác đáng, không phải hình thức. Chúng ta chưa khổ công, chưa đầu tư để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân như thế nào. Đã trưng cầu ý dân thì ý dân như thế nào phải làm đúng như vậy!

PV: Bài học về tin dân và coi trọng quyết định của dân có ý nghĩa sâu sắc và mang giá trị thời đại. Cũng không còn nhiều thời gian nữa, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra. Theo ông, bài học thu hút nhân tài từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cần được vận dụng như thế nào trong cuộc bầu cử sắp tới?

Ông Vũ Mão: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng những nhân sĩ, trí thức đã từng tham gia chính quyền cũ. Họ là những người có bản lĩnh, được ca ngợi là liêm chính như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố… Họ không ham chức quyền, khi được mời tham gia họ còn cân nhắc xem họ có làm ích lợi gì cho nhân dân hay không?

Theo tôi, cuộc bầu cử sắp tới làm thế nào cho thật hiệu quả, tốt nhất, đây là ước vọng thôi, tức là mỗi cử tri được nghiên cứu, trao đổi, thậm chí tranh luận bầu cho người này, bầu cho người kia, họ nhớ như trong lòng họ rồi.

Trước đây, quy trình tự ứng cử rất thuận lợi, thậm chí còn lùi ngày bầu cử lại để những người tự ứng cử được làm thủ tục đầy đủ. Còn bây giờ, theo quy trình của chúng ta, những người tự ứng cử phần lớn bị bật ra hết...

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên