Miền Trung, biển mặn tình người

VOV.VN - Gần 1 tháng qua, hiện tượng cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tác động không nhỏ đến việc đánh bắt, tiêu thụ hải sản của ngư dân.

Người dân ngại ăn cá biển. Tàu thuyền nằm bờ, chủ tàu, tiểu thương không bán được cá. Khách du lịch đến miền Trung sụt giảm. Chia sẻ khó khăn với ngư dân, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và chính quyền các địa phương miền Trung đã kịp thời động viên, có chính sách hỗ trợ bà con, hải sản đánh bắt về đến đâu được mua đến đó.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo biện pháp khắc phục thiệt hại do cá chết.

Ngay sau khi xảy ra vụ cá chết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Thủ tướng cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra tại các địa phương bị ảnh hưởng. Sau khi nghe chính quyền các địa phương báo cáo tình hình thiệt hại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ý kiến của bà con là chính đáng.

Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn của bà con ngư dân, chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Chính phủ đến bà con vùng ven biển các tỉnh miền Trung. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để bảo vệ môi trường biển, ổn định cuộc sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn đến cảng mua cá và chế biến ăn tại chỗ cùng ngư dân.

“Tất cả mong muốn của bà con hoàn toàn chính đáng. Mà trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các cấp, của chính quyền rồi hệ thống chính trị là phải đáp ứng được, sớm nhất, nhanh nhất. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành tập trung, nếu không có khả năng làm được thì phải mời các tư vấn nước ngoài vào điều tra cho rõ”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Những ngày qua, dù là nghỉ lễ nhưng nhiều Đoàn công tác ở Trung ương đã đến tận các làng chài ven biển miền Trung để động viên, chia sẻ khó khăn với ngư dân.

Chiều 1/5, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương làm việc với lãnh đạo các địa phương miền Trung để tìm biện pháp khắc phục sự cố cá chết. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ ngư dân, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân trước mắt và lâu dài.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng tắm biển.

Thành phố Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là “ Thành phố đáng sống” chỉ sau một ngày phát hiện cá chết dọc bãi biển, chính quyền và ngành chức năng địa phương nhanh chóng vào cuộc lấy mẫu nước xét nghiệm. Kết quả cho thấy, các chỉ số về môi trường đều trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu cho các hoạt động thể thao dưới nước.

Ngay trong sáng ngày 30/4, tức là sau thời điểm công bố kết quả 1 ngày, để chứng minh biển Đà Nẵng an toàn, nhiều vị Lãnh đạo Thành phố và các Sở, ban ngành cùng nhau đi tắm biển, ăn cá biển. Vẫn biết, đây là nét sinh hoạt bình thường trong cuộc sống của mọi người, nhưng ở thời điểm đó, sự hiện diện của những người đứng đầu thành phố Đà Nẵng với những hành động rất đời thường của họ có sức lan tỏa lớn. Qua đó, thành phố Đà Nẵng muốn gửi đi một thông điệp: “Biển ở đây vẫn an toàn”.

Cán bộ Chi cục Nông lâm thủy hải sản tỉnh Quảng Bình kiểm nghiệm, chứng thực nguồn gốc hải sản đánh bắt xa bờ.

Chị Bùi Thị Thu Hiền, quê ở tỉnh Quảng Trị vào thành phố Đà Nẵng vui chơi trong mấy ngày nghỉ lễ cho biết: “Lúc đầu em vào đây cũng thấy hoang mang bởi tình trạng cá chết ở ngoài Quảng Trị. Nhưng sau khi sống ở đây vài ngày em cảm thấy rất an tâm. Bởi vì, chính quyền địa phương đã thông tin chính xác cho em biết về độ an toàn cũng như sự đảm bảo về môi trường sống ở đây nên em cảm thấy an tâm”.

Những phản ứng của chính quyền và ngành chức năng ở thành phố Đà Nẵng đã góp phần tạo sự an tâm đối với người dân và du khách. Theo thống kê của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, mặc dù bị tác động bởi thông tin cá chết, khách du lịch đến thành phố biển Đà Nẵng sụt giảm không đáng kể. Tổng lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ ước đạt hơn 224.000 lượt. Trong đó, đáng chú ý là khách quốc tế đạt hơn 44.000 lượt, tăng 25% so với dịp lễ năm ngoái.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay lãnh đạo thành phố có những chỉ đạo rất là tích cực để thường xuyên kiểm tra theo dõi sát sao, kiểm tra định kỳ nguồn nước để đảm bảo nguồn nước có chỉ số an toàn hay không, cũng như giám sát chặt chẽ các nguồn cung ứng hải sản vào thành phố. Khuyến cáo các nhà hàng nhập nguồn hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cam kết thực hiện bán hàng hóa đúng nguồn gốc cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người dân và du khách”.

Hải sản vừa đưa lên bờ đã có doanh nghiệp mua chở đi tiêu thụ.

Sự vào cuộc nhanh nhạy của các cấp chính quyền địa phương đã giúp ngư dân vượt qua khó khăn. Mấy ngày qua, bãi tắm ven biển tỉnh Quảng Bình đông khách trở lại.

Người dân, du khách bắt đầu đến các nhà hàng ven biển để thưởng thức các món hải sản. Bên cạnh sự nỗ lực bảo vệ biển, đảm bảo sự yên bình cho người dân và du khách; chính quyền tỉnh Quảng Bình đã kịp thời hỗ trợ ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình và các huyện thị, thành phố trong tỉnh hỗ trợ gần 730 tấn gạo giúp ngư dân các xã ven biển ổn định cuộc sống do phải ngừng đánh bắt hải sản. Nhiều cơ quan, đơn vị, các cấp hội đoàn thể trong tỉnh tổ chức quyên góp giúp đỡ bà con.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong những ngày vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên -Huế đã cấp giấy chứng nhận hải sản sạch cho 30 tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn. Hải sản khi vào bờ được kiểm tra, kiểm nghiệm trước khi xuất bán.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Đơn vị triển khai từ ngày hôm qua đến giờ đã chứng nhận được 38 chuyến xe đi tiêu thụ ở các tỉnh với lượng cá đi tiêu thụ khoảng 130 tấn, các tàu cập bến tại cảng khoảng 150 tấn cá các loại.

Sau khi được chứng nhận thì tiêu thụ sẽ tốt hơn, đồng thời người dân cũng an tâm hơn vì được xác nhận nguồn gốc của sản phẩm, được đánh ở vùng khơi được cho là vùng nước an toàn đối với cá dùng làm thực phẩm”.

 Những ngày này, tại các vùng ven biển miền Trung  không còn cá chết trôi dạt vào bờ. Bà con ngư dân đã phần nào yên tâm và ra khơi đánh bắt trở lại. Không chỉ có ngư dân mà ngay những người tiêu dùng sau thời gian e ngại không dám ăn cá và các loại hải sản thì nay cũng đã bắt đầu quay lại với thực phẩm quen thuộc này.

Sản phẩm sạch vừa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm 
được ngư dân đóng gói đưa đi tiêu thụ.

Bà Lê Thị Hương Thủy ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Rất là cám ơn thành phố Đà Nẵng. Thực ra kiểu như là số đông, thấy mọi người ngần ngại thì mình cũng ngần ngại theo. Nhưng được tin thành phố thu mua cho bà con, thứ nhất là mừng cho bà con, thứ 2 nữa là cũng mừng cho mình là có cá sạch để ăn. Cũng mong là tất cả các chợ, tất cả mọi người đều được ăn trong một tinh thần rất là phấn khởi, rất là yên tâm như thế này thì rất là tốt”.

 Biển miền Trung đang xanh trở lại. Những con sóng vỗ nhẹ vào bờ chan chứa tình yêu thương. Một tình yêu thấm đượm vị mặn của biển khơi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải pháp cấp bách ứng phó với cá chết bất thường ở miền Trung
Giải pháp cấp bách ứng phó với cá chết bất thường ở miền Trung

VOV.VN - Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm sẽ buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định...

Giải pháp cấp bách ứng phó với cá chết bất thường ở miền Trung

Giải pháp cấp bách ứng phó với cá chết bất thường ở miền Trung

VOV.VN - Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm sẽ buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định...