Thực phẩm bẩn “bủa vây” trường học, bệnh viện

VOV.VN - Phần vì thiếu hiểu biết, phần vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn vô tư sử dụng thực phẩm bẩn mà không hề nghĩ tới hậu quả lâu dài đối với sức khỏe.

Hàng quán bán thức ăn không rõ nguồn gốc tiếp tục tái diễn trước cổng trường học, bệnh viện tại thành phố Hà Nội. Người tiêu dùng, phần vì thiếu hiểu biết, phần vì ham rẻ, nhiều người vẫn vô tư sử dụng mà không hề nghĩ tới hậu quả lâu dài đối với sức khỏe. Trong khi đó, các ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý việc sản xuất, buôn bán loại các thức ăn này.

Một điểm bán cơm lưu động trước cổng bệnh viện Việt - Đức.

Trước cổng bệnh viện Việt – Đức và bệnh viện phụ sản Trung ương trên phố Phủ Doãn, các cổng trường tiểu học hay ở nhiều khu Ký túc xá sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội, lúc nào cũng có hàng chục quán “cóc” bày bán thức ăn. Những người bán hàng rong thường để thức ăn trong thùng xốp, hoặc thùng tôn để dễ chạy khi có lực lượng kiểm tra. Giá của xiên “chả cá”, “pho mai tôm” bán rất rẻ, chỉ với 2 ngàn đồng/xiên. Còn 1 phần cơm có miếng trứng và vài miếng thịt lợn được bán với giá 15.000 đồng. Những món dân dã, rẻ tiền như bún đậu, mắm tôm; bún miến cua; bún ốc, cơm nắm, bánh chuối, nem chua rán; trà đá, trà chanh, trà xanh không nhãn mác… được khách hàng đủ mọi lứa tuổi ưa chuộng với nhiều lý do khác nhau:

“- Em cũng thường sử dụng những loại thực phẩm bán ở ngoài đường vì thấy rẻ và ngon.

– Họ bán ở đây thì mình cũng mua để ăn gọi là cho qua bữa. Mình ăn có 1 bữa, 2 bữa chắc chẳng làm sao.

 – Em không nghĩ là thực phẩm bán vỉa hè mất vệ sinh quá mức.

 – Với giá rẻ như thế thì chắc là chất lượng sẽ không đảm bảo, nhưng mà em ăn thấy nó ngon”.

Trong khi đó, sau mỗi đợt ra quân, quán “cóc” bán thức ăn không rõ nguồn gốc chỉ im ắng được một thời gian, rồi đâu lại vào đó. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thức ăn đường phố cũng như hàng quà bày bán tại cổng các trường học, bệnh viện là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường, xã, thị trấn. 

Theo thống kê, ở Việt Nam, có tới 94% thức ăn đường phố bị thả lỏng hoặc không thể quản lý, giám sát và 70% thức ăn đường phố không an toàn, tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về tác hại lâu dài của thức ăn không rõ nguồn gốc, thì các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần xử lý quyết liệt, thường xuyên hơn nữa: “Bao giờ người kinh doanh cũng đặt lợi nhuận lên trên hết. Nguồn thực phẩm đó ai là người đi giám sát, có đảm bảo an toàn hay không? Vì chúng ta không kiểm soát được, không có cơ chế phạt thật nặng, hay cách nào đó để ngăn chặn những người buôn bán họ không dám làm những điều sai đó”.

Những người bán thức ăn chín hàng ngày trước cổng bệnh viện mà không có ai kiểm tra.

Từ năm 2012, Bộ Y tế đã ra Thông tư, quy định về tiêu chí vệ sinh của thức ăn đường phố, thì những quán bán hàng ăn phải có bàn cao ít nhất 60cm. Thức ăn chín bày bán phải có tủ kính để tránh côn trùng, bụi bặm, mưa gió. Người bán hàng không được dùng tay bốc trực tiếp thức ăn chín cho khách mà phải dùng bao tay ni lông, phải có nguồn nước; phải có dụng cụ riêng để chế biến thực phẩm chín và sống; không được sử dụng phụ gia ngoài danh mục... Tuy nhiên, do lỏng lẻo trong khâu kiểm tra, kiểm soát nên người bán thức ăn đường phố chẳng mấy quan tâm đến những quy định này. Thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc dù âm thầm gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng vẫn được nhiều người sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: “Hệ thống quản lý chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cấp tỉnh. Về văn bản, chúng ta có đầy đủ từ Luật, Nghị định đến Thông tư, quy định cụ thể trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương. Chúng ta vừa phải vận động tuyên truyền để nhân rộng những cái làm tốt, vừa phải ngăn chặn, xử lý những cái vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết, vì nhiều lý do khác nhau, vấn đề này còn gặp rất nhiều khó khăn. Tất nhiên, khó khăn không có nghĩa là chúng ta không làm. Vấn đề này cần phải có lộ trình”.

Mặc dù Bộ Y tế đã liên tục cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ thức ăn đường phố, tuy nhiên một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm. Ngoài những biện pháp hành chính, các ban ngành, đoàn thể cũng cần nâng cao ý thức của người dân, giúp họ bỏ đi thói quen xấu “bán gì cũng ăn” bất chấp đồ ăn không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu để nhận biết, lựa chọn những loại thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm bẩn để bảo vệ chính mình./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thực phẩm bẩn: Nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau
Thực phẩm bẩn: Nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau

VOV.VN -Con người sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận, nghịch cảnh con người âm thầm giết hại nhau đang diễn ra hằng ngày.

Thực phẩm bẩn: Nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau

Thực phẩm bẩn: Nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau

VOV.VN -Con người sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận, nghịch cảnh con người âm thầm giết hại nhau đang diễn ra hằng ngày.

Thực phẩm bẩn khiến bệnh ung thư gia tăng ở Việt Nam
Thực phẩm bẩn khiến bệnh ung thư gia tăng ở Việt Nam

VOV.VN - Những năm gần đây, số người mắc ung thư tăng lên nhanh chóng. Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, thực phẩm bẩn vẫn được cho là nguyên nhân hàng đầu.

Thực phẩm bẩn khiến bệnh ung thư gia tăng ở Việt Nam

Thực phẩm bẩn khiến bệnh ung thư gia tăng ở Việt Nam

VOV.VN - Những năm gần đây, số người mắc ung thư tăng lên nhanh chóng. Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, thực phẩm bẩn vẫn được cho là nguyên nhân hàng đầu.