Xử phạt xe không chính chủ: Người dân e ngại

VOV.VN - Nhiều người dân TP HCM e ngại chủ trương “xử phạt xe không chính chủ” sẽ gây ra những rắc rối.

Theo thông tin từ Bộ Công an, từ ngày 1/1/2017, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ sẽ tiến hành xử lý với các chủ phương tiện không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông. Nhiều người dân TP HCM e ngại việc này sẽ gây ra những rắc rối.

CSGT xử phạt một trường hợp vi phạm (Ảnh minh họa)

Do xe máy vẫn là phương tiện chính để đi lại nên khi có thông tin “xe không chính chủ” sẽ bị xử phạt khiến nhiều người quan tâm. Tuy chưa tìm hiểu kỹ các thông tin và quy định nhưng nhiều người cho rằng quy định này là không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Hữu, ở quận Thủ Đức cho rằng: “Tôi thấy rất bất hợp lý bởi có nhiều khi người cha mua cho con nhưng để tên cha, sợ con bán. Tài sản của người thân thì sử dụng được, đâu cần đứng tên. Trong khi một người có thể đứng tên nhiều chiếc xe, nhưng chỉ chạy một xe ra ngoài đường”.

Lo lắng nhất là những người có xe không chính chủ mà chủ cũ đi nước ngoài hoặc ở xa. Anh Hùng Ngọc Phong, ở quận Bình Thạnh đang sở hữu một chiếc xe không chính chủ cho rằng, dù có bị phạt thì cũng đành chịu vì "lực bất tòng tâm".

Theo Bộ Công an, cảnh sát giao thông không dừng xe để kiểm tra xe chính chủ mà chỉ phạt chủ xe không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết các lỗi vi phạm giao thông khi đang lưu thông.

Xe máy là phương tiện chủ yếu của người dân

Người nhà sử dụng xe của nhau, các trường hợp mượn xe... sẽ không bị xử phạt. Thủ tục sang tên cũng không nhất thiết phải có mặt cả chủ xe cũ, chỉ cần cam kết chịu trách nhiệm về tính pháp lý. Tuy nhiên, chính những điều này lại làm cho nhiều người nghi ngại về tính khả thi của quy định trên.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, việc đăng ký xe chính chủ giúp cho cơ quan chức năng đỡ mất thời gian tìm hiểu chủ xe và người sang tên khi bán xe cũng sẽ tránh được những rắc rối, khi chiếc xe có vấn đề như tai nạn.

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ là quy định này đưa ra hơi muộn, khi thực tế có quá nhiều xe đã mua bán mà không sang tên vì ngại các thủ tục hành chính. Vì thế, theo luật sư Hậu, để người dân ủng hộ và hợp tác với cơ quan chức năng thì phía công an nên đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc sang tên, sở hữu xe chính chủ.

Xe máy là phương tiện chủ yếu tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn, lượng xe tập trung rất đông. Nhiều người lao động nghèo không thể sở hữu một chiếc xe đúng với tên mình mà phải sử dụng những chiếc xe đã mua bán qua nhiều lần. Vì thế các chủ trương, quy định liên quan đến xe máy cần phải sát với thực tế, tránh gây phiền hà cho người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

CSGT có được dừng xe chỉ để kiểm tra chính chủ?
CSGT có được dừng xe chỉ để kiểm tra chính chủ?

Nhiều người tham gia giao thông băn khoăn, liệu khi đang di chuyển trên đường họ có bị CSGT dừng xe chỉ để kiểm tra và phạt lỗi không sang tên, đổi chủ?

CSGT có được dừng xe chỉ để kiểm tra chính chủ?

CSGT có được dừng xe chỉ để kiểm tra chính chủ?

Nhiều người tham gia giao thông băn khoăn, liệu khi đang di chuyển trên đường họ có bị CSGT dừng xe chỉ để kiểm tra và phạt lỗi không sang tên, đổi chủ?

Phạt xe không chính chủ: CSGT xác minh bằng cách nào?  ​
Phạt xe không chính chủ: CSGT xác minh bằng cách nào? ​

VOV.VN - Khi có sự việc liên quan, CSGT có thể yêu cầu người đứng tên “chủ xe” đến làm việc để xác minh xe có "chính chủ" hay không.

Phạt xe không chính chủ: CSGT xác minh bằng cách nào?  ​

Phạt xe không chính chủ: CSGT xác minh bằng cách nào? ​

VOV.VN - Khi có sự việc liên quan, CSGT có thể yêu cầu người đứng tên “chủ xe” đến làm việc để xác minh xe có "chính chủ" hay không.