Hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp nhưng còn lắm nỗi lo

VOV.VN - Mặc dù rất muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng nhiều hộ kinh doanh cá thể còn e ngại thủ tục, chi phí và thanh, kiểm tra…

Tại Hội thảo Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - Thực trạng và các giải pháp hỗ trợ do Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/6, quan điểm của nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể cho thấy, mặc dù rất muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng e ngại thủ tục hành chính, “chi phí ngầm” cũng như các cuộc thanh, kiểm tra hằng năm.

Là người từng chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty CP sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, từ khi thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp của ông gặp khá nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành nghề, lĩnh vực sơn mài mà doanh nghiệp ông đang kinh doanh. “Sơn mài là mặt hàng liên quan đến xuất khẩu, chỉ khi chuyển đổi thành doanh nghiệp mới đủ tư cách pháp nhân để tiến hành làm các thủ tục”, ông Chiêu nêu rõ.

Nhiều hộ kinh doanh cá thể còn băn khoăn lo lắng trước khi quyết định chuyển đổi lên doanh nghiệp. 
Nhưng ông Chiêu cũng chia sẻ, ngoài những thuận lợi có được khi chuyển thành doanh nghiệp, vẫn có những khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải như thuê kế toán trưởng, phải báo cáo 31 loại sổ sách khác nhau… Trong khi đó, nếu chỉ là hộ kinh doanh sẽ không cần có những thủ tục và quy trình phức tạp như vậy.

Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Nguyên - chủ cơ sở sản xuất tranh thêu tại Hà Nội bày tỏ, bất cứ hộ kinh doanh cá thể nào cũng muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp, muốn “bay lên mặt trăng” để ngắm cả thế giới.

“Hộ cá thể rất muốn trở thành doanh nghiệp với hi vọng đạt được lợi nhuận cao hơn, mở rộng được quy mô sản xuất, làm ăn phát đạt. Nhưng điều lo ngại của nhiều hộ kinh doanh vẫn là sự chưa chắc chắn, bởi lẽ lên doanh nghiệp thu nhập có thể lớn hơn nhưng cũng có thể giảm đi, bên cạnh đó còn phải đối diện với nhiều vấn đề “đau đầu” như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngầm…”, ông Nguyên tâm tư.

Đồng cảm với các hộ kinh doanh, giới chuyên gia cho rằng, dù là một chủ trương đúng đắn, đảm bảo mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nhưng để khuyến khích hộ cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp hoàn toàn không thể dùng mệnh lệnh hành chính.

Đánh giá thực trạng chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra nhiều câu hỏi: “Vì sao trong suốt hơn 10 năm qua, các hộ kinh doanh vẫn không muốn “lớn” thành doanh nghiệp? Việc chuyển đổi này nhằm mục đích gì và ứng xử của Nhà nước tiếp theo sẽ như thế nào?…những câu hỏi này rất cần được làm rõ”, ông Hiếu lưu ý.

Để giải đáp những băn khoăn của các hộ kinh doanh, ông Hiếu cho rằng, nhà quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thay vào đó phải khuyến khích động viên bằng đòn bẩy kinh tế, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh.

“Điều quan trọng trong chính sách này là khuyến khích, vận động làm sao để các hộ kinh doanh tự thấy được lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khi đã lên doanh nghiệp sẽ không phải thường trực nỗi lo lắng phải đối diện với nhiều nguy cơ về chi phí ngầm, thanh kiểm tra và hàng loạt những thủ tục hành chính rườm rà khác…”, ông Hiếu nêu rõ.

Theo quan điểm của ông Hiếu, chỉ cần Chính phủ ưu tiên triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa vào nhỏ, miễn giảm thuế và thay đổi các thủ tục hành chính, kế toán, kiểm toán… các hộ kinh doanh cá thể thấy có lợi, tự khắc họ sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp mà không cần khuyến khích, hỗ trợ, động viên.

Chia sẻ với những khúc mắc của các chủ hộ kinh doanh cá thể, tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhìn nhận, những trở ngại về thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi đang là những vướng mắc cơ bản. Thậm chí vì những trở ngại này đã khiến nhiều doanh nghiệp tình nguyện chuyển thành hộ kinh doanh cá thể.

Do đó, theo bà Hằng, chỉ nên đưa ra các hình thức hỗ trợ, làm sao để các chủ hộ cảm thấy nếu trở thành doanh nghiệp họ sẽ được lợi hơn rất nhiều so với khi là hộ kinh doanh. “Nếu doanh nghiệp cảm thấy không muốn “lớn” thành doanh nghiệp, nhà quản lý cũng không nên ép", bà Hằng nói và cho rằng, những hộ kinh doanh cá thể đang cảm thấy thuận lợi nhất ở mô hình đó họ vẫn có thể tiếp tục làm. Làm sao cả nhà nước và người dân cùng có lợi là mục tiêu quan trọng nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - then chốt trong khởi nghiệp
Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - then chốt trong khởi nghiệp

VOV.VN - Hiện cả nước có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này chưa phải là doanh nghiệp.

Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - then chốt trong khởi nghiệp

Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - then chốt trong khởi nghiệp

VOV.VN - Hiện cả nước có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này chưa phải là doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế và tốn phí
Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế và tốn phí

VOV.VN - Bên cạnh thủ tục thì nhiều hộ kinh doanh cũng lo ngại khi lên doanh nghiệp vì lo mức thuế sẽ cao hơn mức thuế hiện nay.

Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế và tốn phí

Hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì sợ thủ tục thuế và tốn phí

VOV.VN - Bên cạnh thủ tục thì nhiều hộ kinh doanh cũng lo ngại khi lên doanh nghiệp vì lo mức thuế sẽ cao hơn mức thuế hiện nay.

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Lợi ích phải nhiều hơn chi phí
Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Lợi ích phải nhiều hơn chi phí

VOV.VN - Các hộ kinh doanh cần phải thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở thì họ mới có động lực để chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Lợi ích phải nhiều hơn chi phí

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Lợi ích phải nhiều hơn chi phí

VOV.VN - Các hộ kinh doanh cần phải thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở thì họ mới có động lực để chuyển đổi lên doanh nghiệp.