Càng ngày càng đông bệnh nhân thoái hóa khớp

VOV.VN -Thoái hóa khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Thoái hóa khớp gây đau đớn, làm giảm chất lượng sống của người bệnh

Vì sao ngày càng nhiều người bị thoái hóa khớp?

GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho rằng thật đáng lo ngại khi hiện nay bệnh nhân thoái hóa khớp ngày càng gia tăng. Bệnh đau khớp gây nên những hậu quả đáng kể cho xã hội khi chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm (bị đau, bị co cứng các cơ, vận động khó khăn…). Thế nhưng ở nhiều trường đào tạo ngành Y, có rất ít các giờ học về bệnh khớp cho sinh viên. Còn người dân, ngày càng cảm thấy lo lắng về căn bệnh này, nhiều người lựa chọn các sử dụng các thực phẩm chức năng để phòng hoặc điều trị bệnh. Tuy nhiên, vì thiếu những hiểu biết đúng đắn, không ít người chỉ tiêu tốn tiền vô ích mà không khỏi được bệnh.

Triệu chứng đặc trưng của thoái khóa khớp là đau vùng khớp và cứng khớp dẫn tới giảm hoạt động chức năng của cơ thể và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

GS TS. Jean-Yves Reginster, Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các bệnh xương khớp của Tổ chức Y tế Thế giới; Chủ tịch Hiệp hội Châu Âu về các khía cạnh lâm sàng và kinh tế của loãng xương và thoái hóa khớp (ESCEO), Chủ tịch Hội đồng Y đức và Chất lương trong nghiên cứu khoa học (GREES), đồng sáng lập các tổ chức xương khớp như: BBC, IOF, IFSSD; tại hội thảo y học về cập nhật điều trị thoái hóa khớp được tổ chức mới đây ở Hà Nội, cho biết: “Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc thoái hóa khớp gối trên toàn cầu bằng 3,8%, tương đương trên 250 triệu người trên toàn thế giới. Thoái hóa khớp gối và khớp háng là nguyên nhân gây tàn tật đứng hàng thứ 11 trong số các bệnh gây tàn tật nhiều nhất trên thế giới.

Bệnh khớp làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống khi người bệnh phải chịu đựng những cơn đau, co cứng, lâu dài dẫn đến tàn tật. Thêm vào đó, các bệnh nhân thoái hoá khớp thường đi kèm với bệnh lý khác như đái tháo đường, tim mạch, loét dạ dày/ruột, rối loạn tiêu hóa, đau xơ cơ, hội chứng suy nhược mạn  tính vv… Số bệnh nhân thoái khóa khớp có nguy cơ loét dạ dày hoặc bệnh thận cao gấp đôi so với trung bình. Tỷ lệ tử vong gắn với thoái hóa khớp háng và khớp gối cũng tăng 50% so với trung bình do khi bị đa bệnh lý, người ta phải dùng nhiều loại thuốc đồng thời để điều trị nên nguy cơ bị tác dụng phụ rất cao.

TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên cao cấp Bộ môn Nội tổng hợp của trường ĐH Y Hà Nôi, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thấp khớp học Việt Nam (bà cũng là nguyên là Phó trưởng bộ môn Nội Tổng hợp trường ĐH Y Hà Nội, nguyên trưởng khoa Cơ Xương Khớp BV Bạch Mai) cho biết về nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa khớp: Có nhiều nguyên nhân. Lão hóa là một yếu tố, tuổi càng cao khả năng mắc bệnh càng cao. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy phụ nữ mắc bệnh thoái hóa khớp nhiều hơn nam giới. Một số yếu tố khác cũng là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh như: béo phì (gây sức nặng cho khớp), các bệnh lý chấn thương tại khớp (ví dụ tập luyện quá mức hoặc sai cách, đi bộ quá sức… làm khớp bị tổn thương), hoặc do gen di truyền.

Ở Việt Nam, bệnh nhân thoái hóa khớp thường bị các vị trí tổn thương ở: khớp gối, khớp háng, cột sống thắt lung, cột sống cổ…

Điều trị thoái hóa khớp- không đơn giản
Về tình hình điều trị thoái hóa khớp tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Bệnh nhân khi đau khớp và vào viện, tùy mức độ của bệnh, sẽ được điều trị theo các bước: Điều trị nội khoa (dùng thuốc), điều trị bằng nội soi, nếu không thành công sẽ phải điều trị ngoại khoa: phẫu thuật thay khớp, và cuối cùng là sử dụng biện pháp tế bào gốc.

Với sử dụng thuốc, bao gồm biện pháp điều trị triệu chứng bằng thuốc tác dụng nhanh (như thuốc giảm đau paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc corticoid đường tiêm nội khớp...); và nhóm thuốc chống thoái khóa khớp tác dụng chậm (SYSADOA) như glucosamine sulphate, diacerein, ASU (avocado/soybean unsaponifiables các chất không xà phòng hóa từ quả bơ và đậu nành), hyaluronic acid…

Về điều trị nội soi, bác sĩ có thể chỉ định nội soi rửa khớp đơn thuần, nội soi cắt lọc tổ chức tổn thương, nội soi khớp có bào khớp.

Tiếp đó, có liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP- Plarelet Rich Plasma), hoặc liệu pháp tế bào gốc tự thân.

Và cuối cùng là thay khớp gối nhân tạo.

Theo GS Reginster: Trước kia, trong khuyến cáo điều trị, người ta khuyên dùng giảm đau paracetamol, sau này thấy nó ảnh hưởng dạ dày, tiêu hóa của người bệnh... Ngày nay, trên thế giới người ta dùng nhiều SYSADOA- tức là nhóm thuốc tác dụng chậm.

Trong SYSADOA, thuốc hàng đầu là glucosamin sulphate dạng tinh thể. Nói về glucosamine, có 2 loại:  glucosamin sulphate dạng tinh thể, đã được thử nghiệm và chứng minh là thuốc. Loại thứ hai là glucosamin hydroclorit. Glucosamin có cấu trúc không bền vững, chỉ ở dạng tinh thể mới không dễ dàng bị cơ thể đào thải. Theo khuyến cáo của EULAR 2009 (đã cập nhật) thì nhóm glucosamin sulphate được để ở mức độ A.GS Reginster cũng nhấn mạnh rằng nhóm glucosamin hydroclorit không có tác dụng với bệnh khớp.  

Còn collagen type 2 thì sao? Nhiều người được quảng cáo rằng collagen type 2 có lợi cho khớp- điều này không sai. GS Reginster cho biết, với các thí nghiệm được tiến hành trong phòng lab thì cho kết quả rất tốt, nhưng trong cơ thể người nếu muốn có tác dụng với sụn khớp, con người sẽ phải nạp hàng kilogam collagen type 2 mỗi ngày mà điều này trên thực tế là không khả thi.

Đã có thử nghiệm lâm sàng và cho thấy tỷ lệ người dùng thường xuyên glucosamine sulphate dạng tinh thể thì tỷ lệ phải thay khớp gối giảm đang kể. Theo một nghiên cứu do Bộ Y tế Pháp thực hiện (tức độc lập với các công ty dược) nghiên cứu về nguy cơ sử dụng NSAID, nếu người bệnh sử dụng glucosamine sulphate thì cũng giảm nguy cơ phải sử dụng NSAID.

Về mặt kinh tế học, người ta đã tính chỉ số dựa theo số tiền chi phí, cho thấy dùng nhóm thuốc tác dụng chậm (SYSADOA) hiệu quả cao hơn so với không sử dụng cho đến khi bệnh nặng phải dùng đến các phương pháp điều trị khác.

Tập luyện sao cho đúng?

Về cách tập luyện đối với người bệnh đau khớp, theo GS Trần Ngọc Ân, cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Hiện nay nhiều người hiểu lầm, ví dụ như đau khớp gối thì tìm cách tập luyện bằng đi bộ. Tuy nhiên đi bộ là bắt khớp gối phải vận động với sức tải của cơ thể con người, cho nên sự vận động ấy là có chịu tải, có hại hơn có lợi cho khớp, sẽ làm khớp mau thoái hóa hơn. Nếu muốn tập, bệnh nhân khớp nên vận động không tải như đạp xe, bơi lội.

Về phòng bệnh, TS Ngọc Lan khuyên nên chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động, cần tránh các động tác mạnh và đột ngột; nên có chế độ vận động và thể thao hợp lý, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ vừa phải, chống béo phì; phòng tránh còi xương ở trẻ em; phát hiện sớm dị dạng xương khớp và cột sống để điều trị kịp thời.

KHÔNG NÊN LẠM DỤNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG TRONG ĐIỀU TRỊ KHỚP

Rất nhiều người, theo thói quen, cứ đau ốm là ra hiệu thuốc, tả triệu chứng bệnh và người bán thuốc, không phải là bác sĩ, lại sẵn sàng tư vấn cho họ mua thuốc. Và nhất là hiện nay, khi thực phẩm chức năng liên quan đến bệnh khớp được bán tràn lan. 
GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam nhấn mạnh: “Tất cả những gì mà gọi là thuốc đều phải qua thực nghiệm (GS nhấn mạnh chữ thuốc và thực nghiệm). Thực nghiệm khác kinh nghiệm. Thực nghiệm phải theo quy trình bắt buộc, ví dụ phải thử trên bao nhiêu súc vật, phải làm trên bao nhiêu lần trong phòng thí nghiệm, thử trên bao nhiêu người và có những hội đồng đánh giá… thì người ta mới cho phép đưa vào điều trị. Nên người ta nói: y học dựa vào bằng chứng.
Tuy nhiên có một trường phái, đặc biệt ở châu Á, y học dựa vào kinh nghiệm. Trước kia khi khoa học chưa phát triển thì y học dựa vào kinh  nghiệm là đúng, nhưng ngày nay y học dựa vào kinh nghiệm là không đầy đủ. Và những cái mà người ta gọi là “thực phẩm chức năng” (TPCN) phần lớn dựa vào kinh nghiệm. Với TPCN thì những thực nghiệm không bắt buộc, không phải chứng minh cái này nó tác dụng ra sao. TPCN chứng minh được là không độc hại là được lưu hành trên thị trường. Ở Hoa Kỳ, các siêu thị có gian hàng lớn bán TPCN, bán đại trà, nhưng dân Mỹ có trình độ, người ta không sử dụng bừa bãi. TPCN dạo này được buôn về Việt Nam, bán với giá đắt gấp nhiều lần giá gốc. TPCN được phép bán ra ngoài thị trường và cơ quan cho phép quảng cáo TPCN trên TV là cơ quan quản lý thực phẩm chứ không phải cơ quan quản lý thuốc. Nhưng nhiều khi nghe công dụng cứ như là thuốc. Cái câu “đây không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh”  trong các đoạn quảng cáo thường được nói rất nhanh mà nhiều khi không ăn nhập gì, khiến công chúng hiểu lầm. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những lưu ý khi dùng thuốc meloxicam trị bệnh xương khớp
Những lưu ý khi dùng thuốc meloxicam trị bệnh xương khớp

Meloxicam là thuốc chống viêm không steroid hay được dùng để giảm đau và viêm trong các bệnh về xương khớp. 

Những lưu ý khi dùng thuốc meloxicam trị bệnh xương khớp

Những lưu ý khi dùng thuốc meloxicam trị bệnh xương khớp

Meloxicam là thuốc chống viêm không steroid hay được dùng để giảm đau và viêm trong các bệnh về xương khớp. 

Khánh Hòa: Thay khớp háng thành công cho cụ bà 98 tuổi
Khánh Hòa: Thay khớp háng thành công cho cụ bà 98 tuổi

VOV.VN - Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho 1 cụ bà 98 tuổi.

Khánh Hòa: Thay khớp háng thành công cho cụ bà 98 tuổi

Khánh Hòa: Thay khớp háng thành công cho cụ bà 98 tuổi

VOV.VN - Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho 1 cụ bà 98 tuổi.

Thực phẩm có lợi và hại cho khớp
Thực phẩm có lợi và hại cho khớp

VOV.VN - Việc lựa chọn thực phẩm cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp của bạn.

Thực phẩm có lợi và hại cho khớp

Thực phẩm có lợi và hại cho khớp

VOV.VN - Việc lựa chọn thực phẩm cũng phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp của bạn.