Kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức có thực sự khó?

VOV.VN - 1 triệu người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập chỉ có 5 người kết luận không trung thực, phải chăng chỉ là báo cáo đẹp?

Tính đến tháng 7/2015, trong hơn 1 triệu người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập chỉ có 5 người kết luận không trung thực. Kết quả này có nói lên điều gì hay chỉ là báo cáo cho đẹp và làm cho xong việc?

Kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức vốn được xem là biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, kiểm soát thu nhập với cách thức kê khai tài sản như hiện nay liệu có thực sự khách quan và hiệu quả hay cần có thay đổi gì để phù hợp hơn? Kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không chỉ giúp ích cho công tác phòng chống tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, trốn thuế, cho vay nặng lãi, trốn nghĩa vụ thi hành án dân sự, chống sở hữu chéo ngân hàng, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp…Với nhiều lợi ích kép như vậy, biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập cần được thực hiện như thế nào để phát huy tác dụng?

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn đặt vấn đề: Chúng ta có kê khai nhưng lại thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả. Chúng ta đang hoạch định chính sách trong một nền công vụ chỉ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ, công chức mà quên rằng nói đến công vụ là nói đến kiểm soát có tính cưỡng chế của nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị để phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trước hết phải phòng ngừa tham nhũng chính sách. Ngay trong các đạo luật, các biện pháp, giải pháp phải hạn chế thấp nhất kẽ hở và khả năng tạo ra cơ chế xin cho. Bên cạnh đó, cần đánh giá và xem xét lại biện pháp kiểm soát thu nhập tài sản hiện nay.

“Muốn kiểm soát được tài sản, tôi đề nghị đưa vào thiết chế tất cả những giao dịch của mọi chủ thể trong xã hội có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên nếu không qua ngân hàng thì được coi là bất hợp pháp. Người ta kiểm soát qua ngân hàng, kiểm soát qua cơ quan thuế và thông qua các công cụ quản lý còn đây chúng ta kiểm soát bằng bảo ông kê khai, minh bạch, tự giác. Đấy là chưa kể chúng ta quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về nhà nước, trong khi người ta đã tuồn tài sản cho anh A, anh B, anh C, em A, em B, kể cả ra nước ngoài hết rồi”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển cả dòng tiền hay tài sản trong xã hội. Điều này đã được giải đáp từ rất nhiều những vụ án tham nhũng lớn, hầu như tài sản tham nhũng đã được chuyển giao cho người thân, họ hàng hoặc thậm chí chuyển ra nước ngoài.

Theo Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ thì cần xác định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập không chỉ là của người có chức vụ quyền hạn mà của bất kỳ ai. Có nghĩa, bất kỳ một công dân nào cũng phải sẵn sàng trả lời hay giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về một khoản tiền hay tài sản nào đó mà cơ quan đó thấy rằng có dấu hiệu không bình thường.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh (Ảnh: Noichinh.vn)

Để làm được điều đó, cần quan tâm hơn đến việc tạo ra các công cụ để kiểm soát toàn bộ xã hội như thông qua công cụ thuế, sử dụng mọi thanh toán qua tài khoản, hạn chế tiền mặt. Ông Đinh Văn Minh cũng đề nghị việc xác minh tài sản là công việc phức tạp nên cũng cần được chuyên môn hóa với quy trình hợp lý: “Chúng ta phải tập trung và có tính chuyên môn hóa. Tôi nghĩ có thể là Thanh tra hoặc Bộ nội vụ. Tất cả các bản kê khai tập trung ở đó. Ở đó có một đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên đọc bản kê khai thì họ sẽ thấy cái gì là bất hợp lý, cái gì cần xác minh thì họ xác minh. Để tạo sự công bằng, mỗi năm đặt chỉ tiêu là 5% hay 10% số lượng các bản kê khai đó phải được xác minh, như thế nó tạo ra cơ chế lơ lửng ông cán bộ công chức nào cũng có thể bị xác minh”.

Về nghĩa vụ giải trình phần nguồn gốc tài sản tăng thêm, hiện nay, chúng ta đang gặp khó bởi thực tế rất khó xác định các khoản thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức. Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng một số biện pháp cần phải lưu ý khi thực hiện: “Để hoàn thiện chế định kiểm soát tài sản thu nhập, chi tiêu giá trị lớn phải qua tài khoản, phải giải trình tài sản tăng thêm đối với tất cả những người có chức vụ quyền hạn và cần tạo cơ chế tịch thu tài sản bất hợp pháp. Ví dụ như ở Indonesia, nếu giao dịch mang tính bình thường thì nhà nước có nghĩa vụ chứng minh nhưng với giao dịch lớn hàng chục tỷ thì nghĩa vụ chứng minh phải là người có tài sản”.

Theo ông Jairo Acuna-Alfoso, cố vấn chính sách của UNDP thì tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng là phải “phá vỡ chuỗi tham nhũng với sự tham gia của cộng đồng”:

“Cần thiết lập cổng thông tin điện tử của Chính phủ về khê khai tài sản thu nhập đảm bảo công khai minh bạch để tạo điều kiện cho giới báo chí và công dân quan tâm theo dõi. Bên cạnh đó, cần chọn ngẫu nhiên đối tượng cần rà soát, kiểm tra lại mức độ trung thực trong kê khai. Ngoài ra, cũng cần công khai 10%-20% các trường hợp đã kiểm tra ngẫu nhiên cũng như những trường hợp bị phát hiện có tài sản thu nhập bất minh”, ông Jairo Acuna-Alfoso đề xuất.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tăng tính độc lập của các cơ quan phòng chống tham nhũng với cơ chế giám sát hiệu quả. Đồng thời, pháp luật cần tạo ra cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn với khả năng áp dụng chế tài và quy định những trường hợp có thể áp dụng tịch thu tài sản phạm tội không nhất thiết dựa trên bản án hình sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên