Đại biểu Dương Trung Quốc nói về chuyện một Sở 44 lãnh đạo ở Hải Dương

VOV.VN -Về vấn đề một sở ở Hải Dương có 44 lãnh đạo, đại biểu Dương Trung Quốc nhìn nhận, có thể là thực trạng mua quan bán chức, hoàng hôn nhiệm kỳ.

Sáng 22/10, trả lời báo chí bên lề Quốc hội về việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì có tới 44 người là lãnh đạo, đại biểu Dương Trung Quốc – Đoàn Đồng Nai cho rằng, đưa ra số liệu của một mô hình như thế thì đúng là hình ảnh hài hước.

Theo ông Dương Trung Quốc, điều này không chỉ khớp với những gì mà chúng ta hay nói là việc thừa thầy thiếu thợ, mà sâu xa trong đó là về vấn đề tinh giảm biên chế.

Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

“Biên chế chúng ta chỉ nghĩ đến số lượng nhưng chúng ta không thấy đến chất lượng”, ông Dương Trung Quốc phân tích.

Theo đại biểu của Đoàn Đồng Nai, việc tinh giản biên chế là giảm đi gánh nặng về mặt tài chính cho Nhà nước. Nhưng nhìn vào “mô hình Hải Dương” chúng ta thấy rõ không thể có mô hình chất lượng của một cơ chế tổ chức như thế được.

“Rõ ràng chúng ta thấy ngân sách Nhà nước như một cái mỏ để mà đào. Chắc chắn là không mang lại hiệu quả bao nhiêu”, ông Dương Trung Quốc cho hay.

Trả lời báo chí, lãnh đạo tiền nhiệm của Sở LĐ-TB&XH Hải Dương nói rằng mới về nhận nhiệm vụ. “Vậy thì chắc chắn ông tiền nhiệm có vấn đề rồi”, ông Dương Trung Quốc nêu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, nói thì phải có bằng chứng nhưng đằng sau đó có thể là thực trạng mua quan bán chức, hoàng hôn nhiệm kỳ, đề bạt người thân.

Liêm sỉ của cán bộ rất quan trọng

Đại biểu Quốc hội cho hay, “mô hình Hải Dương” cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Không chỉ là việc của sở, của tỉnh mà Bộ Nội vụ cũng phải quan tâm.

“Tôi thấy rất ngạc nhiên các nhà lãnh đạo hay nói quy trình, quy chế là cấp này tôi mới quan tâm. Cấp phòng là sở phải quan tâm, thì như vậy rõ ràng là buông lỏng quản lý, để cho địa phương tự túc tự tác”, ông Dương Trung Quốc phân tích.

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương

“Thực trạng này cho thấy sự lỏng lẻo của bộ máy Nhà nước, làm cho tôi thấy có một điều mà chúng ta cần phải quan tâm: Giáo dục liêm sỉ cho người cán bộ. Tôi là trưởng phòng mà tôi không có quân thì trưởng phòng gì. Họ vẫn thấy bình thường, vẫn ghi vào card visit, giấy thiệu là trưởng phòng, nhưng trưởng phòng của ai. Liêm sỉ của cán bộ là rất quan trọng”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Quốc hội, bên cạnh việc giáo dục liêm sỉ, chúng ta cần giám sát việc quản lý Nhà nước.

Giải pháp là chúng ta phải rà soát lại toàn bộ quy trình. Một sở bao nhiêu người thì có một trưởng phòng, bao nhiêu người thì có một phó phòng. Đó là một quy trình hoàn thiện. “Chúng ta đang thấy có sự vận dụng quy chế một cách lắt léo nên bất chấp tất cả”, ông Dương Trung Quốc nói.

Nếu người nhà tài thì sao?

Trả lời phóng viên về câu chuyện “cả nhà làm quan”, đại biểu Quốc hội nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tìm người tài chứ không tìm người nhà”.

Đại biểu Quốc hội cho biết, câu nói đó đúng tuyệt đối một nửa là phải chọn người tài. Còn chọn người nhà hay không chỉ là thứ yếu.

“Nếu người nhà tài thì sao. Tại sao có ông Tôn Thất Tùng và là của con ông Tôn Thất Bách. Tại sao có ông Lý Hiển Long là con ông Lý Quang Diệu”.

Nếu là người thực tài thì có rất nhiều chỗ đứng và sự lựa chọn và tránh được sự dị nghị của xã hội – Đó là người tài thực. “Nhưng kéo vào từng vị trí của xã hội thì rõ ràng là người tài tương đối thôi. Tôi không nói là người ta không có tài”, ông Dương Trung Quốc nói.

Vấn đề chọn người tài, đại biểu Quốc hội trình bày, cần có quy trình. Quy trình đó có sự công nhận, sự giám sát của cộng đồng, nhất là cộng đồng gắn kết với họ.

Quy trình đó dân chủ thì vấn đề người nhà hay không người nhà không thành vấn đề. Sở dĩ thành vấn đề vì chúng ta không có quy chế.

Đặt lại vấn đề lợi ích, đại biểu cho hay: “Có ông bố đưa con mình vào chỉ vì chức vụ, lợi ích. Nếu ông bố đưa con mình vào để đào tạo một thế hệ để nối tiếp truyền thống và mang lại lợi ích cho xã hội thì rất hoan nghênh”.

Ông Dương Trung Quốc cho biết, chúng ta phát hiện đâu đó “cả nhà làm quan” thì phải tìm hiểu xem người đó có thực tài hay không. “Điều đó xong thì chúng ta mới tính tiếp theo được, chúng ta không nên vơ đũa cả nắm”, ông Dương Trung Quốc nêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ tổng hợp việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ tổng hợp việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Chúng tôi vẫn đang chờ các tỉnh gửi báo cáo lên để tổng hợp theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ tổng hợp việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ tổng hợp việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Chúng tôi vẫn đang chờ các tỉnh gửi báo cáo lên để tổng hợp theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ”.

“Một Sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên là điều không bình thường“
“Một Sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên là điều không bình thường“

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học cho rằng việc một Sở ở Hải Dương có 44/46 người làm lãnh đạo là điều không bình thường, cần chấn chỉnh, xử lý...

“Một Sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên là điều không bình thường“

“Một Sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên là điều không bình thường“

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học cho rằng việc một Sở ở Hải Dương có 44/46 người làm lãnh đạo là điều không bình thường, cần chấn chỉnh, xử lý...