Kết quả điều tra mới nhất của Gallup về cuộc khủng hoảng Triều Tiên

VOV.VN -Ngoại giao chứ không bom đạn, đàm phán chứ không trừng phạt: đó là kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu mới về cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế Gallup (GIA), Kancho Stoychev, cho biết: "Thông điệp gửi đến các chính trị gia, trong đó có các chính khách Mỹ, đó là: Hãy dành thêm thời gian để theo đuổi con đường ngoại giao và tìm ra một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại Triều Tiên”.

Ông Stoychev cho biết thực tế là kết quả các cuộc điều tra nhanh của Gallup được đăng tải đúng ngày Chiến dịch Quốc tế về bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) được trao Giải thưởng Nobel vì hoà bình chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông nói: "Đó không phải là ý định của chúng tôi. Song có lẽ điều đó sẽ góp phần đẩy mạnh một cách tiếp cận thận trọng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay."

Tổng cộng, khoảng 17.017 người trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ và Nga, tham gia vào cuộc thăm dò ý kiến do Gallup tiến hành trong thời gian từ ngày 20/9 đến 1/10. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc không tham gia. 

Kết quả thăm dò ý kiến của Gallup

Mối lo ngại về một thảm hoạ hạt nhân

Bản điều tra gồm hai câu hỏi: Theo bạn, có bao nhiêu khả năng Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân? Bạn ủng hộ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để tìm ra một giải pháp hay bạn nghĩ một giải pháp quân sự là cần thiết? Bản điều tra này không đặt câu hỏi người trả lời có nghĩ rằng Nhà Trắng cũng tạo ra một mối đe doạ hay không.

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến này rõ ràng. Bất chấp sự hiếu chiến của Bình Nhưỡng, đại đa số những người tham gia điều tra đều ủng hộ giải pháp tiếp tục các cuộc thương lượng ngoại giao. Ông Johnny Heald, Giám đốc khoa học của GIA tin rằng tính cách không thể dự đoán của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã tác động lớn đến kết quả này. "Theo phần lớn ý kiến, một giải pháp quân sự để đối với một người nắm trong tay đầu đạn hạt nhân và đã thử hàng loạt các vụ phóng tên lửa tầm dài là quá rủi ro", ông nói.

"Hộp đen" Triều Tiên

Mối lo sợ về Bình Nhưỡng thực sự là sâu kín. Tại Mỹ, 46% người được phỏng vấn cho biết họ nghĩ việc sử dụng vũ khí hạt nhân là có thể. Tại Đức, con số này là 48% và tại Pakistan là 51%. Người Việt Nam lo ngại nhất về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân với tỉ lệ 54%.

Đáng chú ý, những nước sợ một kịch bản chiến tranh hạt nhân ít nhất lại là những nước láng giềng nằm cận kề Triều Tiên. Chỉ có 35% người Hàn Quốc được phỏng vấn cho biết họ lo ngại sẽ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân và chỉ có 23% người Nga lo ngại về vấn đề này.

Ông Stoychev cho hay: "Tên lửa của Triều Tiên chắc chắn có thể bắn được tới Nga, song cho đến nay Bình Nhưỡng không tỏ ra bất kỳ sự gây hấn nào với quốc gia này." Lý giải về thái độ điềm tĩnh khó hiểu của người Hàn Quốc, ông Stoychev cho biết đó là do Hàn Quốc đã nhiều thập kỷ nay "sống chung" với sự đe doạ một cuộc tấn công và đơn giản đã quen với tình hình này.

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trên màn hình tivi

tại Hàn Quốc

Nhật muốn một biện pháp cứng rắn hơn

Tuy nhiên, tại Nhật Bản 45% người được thăm dò ý kiến cho rằng một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên là có thể. Ông Stoychev cho biết: "Người Nhật đã được đặt trong tình trạng báo động kể từ khi một tên lửa tầm trung bay qua nước này vào tháng 9".

Đó cũng là lý do một số lượng lớn người Nhật ủng hộ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột hiện hành. Khoảng 49% người Nhật và Pakistan được thăm dò ý kiến cho biết họ ủng hộ giải pháp quân sự với Triều Tiên.

Theo ông Kancho Stoychev, ông hiểu mối quan ngại của người Nhật song ông không nghĩ rằng một giải pháp như vậy có thể đem lại nhiều cơ hội thành công. Ông viện dẫn một thoả thuận hạt nhân đã ký với Iran vào năm 2015 tuy chán ngắt song cuối cũng đã thành công.

Ông Stoychev nói: "Đối với tôi, thoả thuận hạt nhân với Iran là một ví dụ. Các cuộc thương thảo với cộng đồng quốc tế mất nhiều thời gian song cuối cùng đã có một thoả thuận được ký kết. Và cuối cùng, Iran đã chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên