Đọc “Ánh đèn lò” để hiểu về vùng mỏ Quảng Ninh

VOV.VN - Đã có nhiều tác giả viết về vùng mỏ Quảng Ninh, nhưng Vũ Thảo Ngọc là nhà văn nữ đầu tiên xuất thân từ thợ mỏ lộ thiên, viết tiểu thuyết về THỢ LÒ.

Cuốn sách ra đời đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 80 “Ngày truyền thống công nhân mỏ” (12/11/1936-12/11/2016). Vũ Thảo Ngọc với  “Ánh đèn lò” (NXB Lao động) - cuốn tiểu thuyết thứ 5 của mình, tập trung sự yêu thương để phản ánh cuộc sống của một gia đình và cộng đồng thợ lò khu vực mỏ Làng Bang. Vốn là một công nhân vận hành bơm thoát nước đáy moong Cọc 6, chị đã nhiễm vào mình nếp nghĩ, cách nói năng của người thợ mỏ, nên giọng văn của chị "đúng là của dân mỏ", câu văn ngắn, đối thoại dân dã, tả cảnh tả tình đều "rất mỏ". Không lẫn vào đâu được.

Không đi vào những việc "vĩ mô", vào kỹ thuật, vào cung cách tổ chức và quản lý sản xuất, Vũ Thảo Ngọc đi sâu vào cuộc sống của một gia đình thợ lò, sự trưởng thành của thợ lò Đào Văn Đáo, một chàng lực điền sinh ra trong một gia đình đông anh em, ra vùng mỏ xin việc, trở thành một người thợ lò tiêu biểu: lao động với năng suất cao, Anh hùng Lao động. Cuốn sách xấp xỉ 190 trang, đọc một mạch một đêm là hết và thấy thòm thèm. Bởi lối kể chuyện có duyên, "chuyện nọ xọ chuyện kia" không dứt ra được. Bởi những chi tiết đời thường sống động.

Cuốn tiểu thuyết: "Ánh đèn lò"

Ta cùng đọc phần mở đầu cuốn tiểu thuyết: “Chiều phố mỏ vẫn như mọi khi. Nhưng với khu phố Đoàn Kết hôm nay thì khác. Thời tiết đẹp vào cữ giữa tháng nên có cả trăng, gió thổi nhè nhẹ, lòng người cũng như thư thái hơn. Ánh trăng hình như cũng thấu hiểu lòng người mà cứ rời rợi sáng... Chợt nhớ vầng trăng xưa đã theo người suốt hành trình cuộc đời...”. Đó là đêm trăng sáng, cậu thợ lò Đáo mời bà con hàng xóm, bạn bè gần xa đến chia vui trước việc anh vừa được tuyên dương "Anh hùng Lao động"… Từ sự kiện này, cuốn tiểu thuyết đưa ta về cuộc sống của anh Đáo ngày mới ra vùng mỏ. Ngày đầu tiên, đêm đầu tiên được sống trong sự chăm sóc chu đáo của những người đến trước, từ kỹ sư địa chất Nam (sau này trở thành Tổng giám đốc mỏ) đến anh Bộc, quản trị trưởng khu tập thể.

Câu chuyện cứ lan man về cuộc đời làm thợ lò của Đáo cũng như bao thanh niên khác. Ngày ấy (đầu những năm 1980?), Làng Bang còn vất vả lắm. Cái vất vả không phải chuyện đói cơm rách áo. Lúc đó cả nước thiếu đói. Vùng mỏ tuy thế còn khá hơn. Mà là sự xa vắng, như một ốc đảo vậy. Đến nỗi thợ lò tuyển từ đất Xô-viết Nghệ Tĩnh nhiều người cũng không trụ nổi. Đáo và nhiều bạn đồng trang lứa, noi theo gương những người đi trước kiên cường vượt khó đi lên. Tác giả tả lại thật sinh động buổi cuốc lò đầu tiên của Đáo: "Đường lò tối thui, bước chân thập thõm, đi mãi mới bước thật, những bước đầu cứ như bước vào khoảng không vô định". Từ đó "Công việc làm lò cuốn Đáo đi như những cơn gió, như tuổi thanh xuân vô lo, vô nghĩ, chả bận rộn gì. Chỉ làm và làm, không so đo, không ngẫm ngợi. Ở đây không có mùa nông nhàn, mà chỉ có chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Chỉ có tiếng than rơi và tiếng mìn nổ ầm ì vọng vào lòng đất".

Vừa sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc, làm than "như bộ đội đánh giặc", vừa xây dựng cuộc sống cho mình. "Và mỗi con phố hình thành nên từ thợ mỏ, tên phường tên phố hình thành từ đội ngũ thợ mỏ nhiều năm qua tạo nên... mang dấu ấn của những người thợ mỏ". Có lẽ thử thách lớn nhất của Đào Văn Đáo chính là quyết định trong tích tắc, dùng búa lò chém đứt một bên chân của một thợ lò bị cả khối đất đá hàng tấn đè lên trong khi dòng nước bục lò sắp ập đến. Vũ Ngọc Thảo không có điều kiện đi sâu chi tiết vào công việc của người thợ đào lò. Nhưng việc tác giả chọn một sự việc ấy, cũng đủ để bạn đọc hình dung ra sự hy sinh của những người "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ". Chả thế mà "trong tổ thợ của Đáo ít nhất có ba nhà đặt tên con là An và Toàn". Chả thế mà sau này nhiều nhiều năm, khi được về nghỉ, thợ lò Đào Văn Đáo phải tập mãi mới quen với việc đi trên đường bằng, dưới ánh đèn điện. Nhưng quen rồi thì quen vẫn nhớ ánh đèn lò...

Những trang kể về việc thợ lò đi tìm vợ, gái mỏ chọn chồng thật vui. Trông anh chàng thợ lò "rắn mặt" thế, ai ngờ lại "nhát gái", những buổi đầu không dám nắm tay người bạn gái vì sợ cô ấy phát hiện ra đôi tay đầy chai sạn của mình. Những cặp vợ chồng thợ lò tìm nhau trong ánh đèn lò, hẹn nhau sau buổi tan ca, giường cưới là hai chiếc giường sắt đơn ghép lại, tủ đựng quần áo là gỗ hòm mìn… Vậy mà vẫn yêu đương nồng nhiệt, "sinh con đẻ cái" hình thành nên cả một phố thị ồn ào.

Đồng hành cùng với cuộc đời của những người thợ lò Làng Bang là chàng kỹ sư địa chất Vũ Quốc Nam. Học hành bài bản từ nước ngoài về, Vũ Quốc Nam về ngay vùng mỏ. Và như Nam vẫn hay đùa, chuyến đi mỏ của Nam "dài như một đời người". Dài đến mức Thu - vợ Nam đành chọn ăn Tết vùng mỏ với Nam chứ không dám mơ về Thủ đô, nơi Thu làm việc. Vũ Ngọc Thảo kể về cuộc đời Nam cũng như kể về cuộc đời Đáo, chỉ là những nét điểm xuyết, cũng chỉ để Nam xuất hiện "đúng lúc và đúng chỗ". Như việc một ngày giáp Tết năm nào, hàng chục thợ lò về quê bị đắm tàu. Toàn bộ ban giám đốc không nghỉ Tết, lo giải quyết hậu quả và từ đó, hàng năm cứ vào dịp ấy, Nam lại về thăm những gia đình bạn bè đã mất. Hay như trong một đêm liên hoan văn nghệ, mấy nữ công nhân tuổi cao thổ lộ ước mơ được về Hà Nội viếng Bác Hồ... Là người lãnh đạo, Nam thấu hiểu được sự chân tình khi anh chị em công nhân níu áo mình đòi hỏi... Thế là công nhân mỏ được tổ chức thăm Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác... Thế là thợ lò có nước nóng để tắm khi tan ca. Nhà tắm "tiên" theo kiểu thợ lò, nam một bên và nữ một bên… Thế là thợ lò Làng Bang có Nhà văn hoá - đây là nhà văn hoá đầu tiên của vùng mỏ... Thế là đội bóng đá nữ công nhân mỏ đầu tiên ra đời... Tất cả vì người thợ, giám đốc Nam dám quyết, dám chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình, để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của thợ lò, để từ đó lượng than hầm lò làm ra, năm sau cao hơn năm trước.

Dường như người viết bài này cũng "lây" cách kể chuyện "không dứt ra được" của tác giả "Ánh đèn lò". Khi đọc cuốn tiểu thuyết, tôi nhớ lại những ngày được theo những người thợ lò giếng đứng Mông Dương, lò nghiêng Mạo Khê (Quảng Ninh), lò than mỡ Tương Dương (Nghệ An) vào lò, từ lò chợ leo lên lò thượng…Không nhiều lắm nhưng cũng đủ hình dung ra công việc của người thợ lò, đúng như bài ca truyền thống của công nhân mỏ: "Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ"... Có một niềm tự hào là Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 1960 đến nay, luôn là người bạn thuỷ chung với công nhân vùng mỏ. Nhiều phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam sống gắn bó với vùng mỏ và những người thợ mỏ cũng góp phần rèn luyện nhân cách và phong cách nhà báo phát thanh.

Tôi quen với kỹ sư Đoàn Kiển, khi anh đang làm giám đốc Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương, hoàn thành việc đào giếng đứng mỏ Mông Dương, mở đầu cho việc khai thác than hầm lò Mông Dương. Sau này, khi Đoàn Kiển làm Tổng giám đốc Tổng công ty than Việt Nam, mỗi lần mỏ gặp sự cố, có người mắc kẹt trong hầm lò, gọi điện cho Đoàn Kiển hỏi thăm, lúc nào cũng thấy Đoàn Kiển ngoài hiện trường, giọng anh như khóc... Tôi mường tượng khu mỏ Làng Bang là khu mỏ Mông Dương và thợ lò Đào Văn Đáo trong truyện chính là thợ lò, Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng, người Mường Thanh Hoá ngoài đời thực... Mông Dương lần đầu tiên tôi đến (1986) đã sống động hơn rất nhiều so với thời Đoàn Văn Kiển và Hà Văn Hồng... đặt chân đến. Mông Dương của những năm 2010 này lại còn khác xa thời 1986... Chỉ có cái không đổi thay là tấm lòng những người thợ lò nói riêng, thợ mỏ Quảng Ninh nói chung đối với Tổ quốc.

Sắp tới "Ngày truyền thống của công nhân Mỏ" (12/11), xin giới thiệu với bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Ánh đèn lò". Bạn không xuống vùng mỏ Quảng Ninh được, thì hãy đọc cuốn sách này của một nhà văn vùng mỏ, để hiểu thêm một góc trời vùng Đông Bắc với những con người tứ xứ hợp lại, hình thành nên một lớp người kiên trung bất khuất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn“
Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn“

VOV.VN - "Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn sách tiểu thuyết lịch sử “Kim Thiếp Vũ Môn”.

Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn“

Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn“

VOV.VN - "Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn sách tiểu thuyết lịch sử “Kim Thiếp Vũ Môn”.

Tiểu thuyết “Tình không biên giới”: Một góc khác của chiến tranh
Tiểu thuyết “Tình không biên giới”: Một góc khác của chiến tranh

VOV.VN - Đây là một câu chuyện viết về chiến tranh, mà trong đó, nổi bật là tình đồng đội, đồng chí, tình bạn bè, tình quân dân, tình hữu nghị quốc tế...

Tiểu thuyết “Tình không biên giới”: Một góc khác của chiến tranh

Tiểu thuyết “Tình không biên giới”: Một góc khác của chiến tranh

VOV.VN - Đây là một câu chuyện viết về chiến tranh, mà trong đó, nổi bật là tình đồng đội, đồng chí, tình bạn bè, tình quân dân, tình hữu nghị quốc tế...

Tiểu thuyết Biên bản chiến tranh - Một cuốn sách thành công
Tiểu thuyết Biên bản chiến tranh - Một cuốn sách thành công

VOV.VN -Hội nhà văn VN đã trao giải nhất văn học cho cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 - của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Tiểu thuyết Biên bản chiến tranh - Một cuốn sách thành công

Tiểu thuyết Biên bản chiến tranh - Một cuốn sách thành công

VOV.VN -Hội nhà văn VN đã trao giải nhất văn học cho cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 - của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Đình chỉ phát hành tiểu thuyết “Mối chúa” của Tạ Duy Anh
Đình chỉ phát hành tiểu thuyết “Mối chúa” của Tạ Duy Anh

Đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã nhận được yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn sách 'Mối chúa' để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản.

Đình chỉ phát hành tiểu thuyết “Mối chúa” của Tạ Duy Anh

Đình chỉ phát hành tiểu thuyết “Mối chúa” của Tạ Duy Anh

Đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã nhận được yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn sách 'Mối chúa' để thẩm định nội dung, có ý kiến của cơ quan chủ quản.