Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tạo đất cho hội họa phát triển

VOV.VN - 12 năm qua, Gallery 39 của họa sĩ Lê Thiết Cương đã mở ra cánh cửa sự nghiệp cho không ít tác giả trẻ.

 “Bà đỡ”của những họa sĩ trẻ

Gallery 39 (G39) ra đời từ suy nghĩ tạo sân chơi nghệ thuật đích thực, qua đó khuyến khích lớp trẻ phát triển. G39 luôn hướng tới cái đẹp, sự chân thành, đoàn kết.

12 năm qua, biết bao hoạt động nghệ thuật đã diễn ra tại G39. Nhiều triển lãm tranh cá nhân của các họa sĩ: Trương Thiện, Nguyễn Phan Bách, Nguyễn Tất Long, Minh Tâm, Phạm Trần Quân… ra mắt công chúng yêu mỹ thuật.

Nhóm G39.

“Có thể giúp được các bạn trẻ phát triển nghề nghiệp, tôi sẵn lòng giúp họ đưa tác phẩm đến với công chúng” - họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Hải Rambo là họa sĩ có triển lãm sớm nhất tại G39 cho biết, họa sĩ trẻ được chọn để tổ chức triển lãm tại G39 phải là người có triển vọng trong con mắt của giám tuyển Lê Thiết Cương.

Những người được họa sĩ Lê Thiết Cương lựa chọn để tổ chức triển lãm tại G39 sẽ có những thuận lợi nhất định trong hành trình sự nghiệp. Hoạt động của G39 đem lại cho họa sĩ một sân chơi để sáng tạo và công bố tác phẩm.

Họa sĩ Phan Trần Quân cho rằng: “Với vai trò vừa là mạnh thường quân, vừa là người thầy, người anh đi trước, họa sĩ Lê Thiết Cương đã dành nhiều tâm huyết thực hiện rất nhiều hoạt động nghệ thuật và có một sự quan tâm đặc biệt đến các nghệ sĩ trẻ.

G39 thường có các buổi triển lãm xen lẫn giữa những họa sĩ thành danh và chưa thành danh để tạo cơ hội cho các họa sĩ trẻ tiếp cận công chúng. Mỗi cuộc triển lãm ở G39 đều có sự kết hợp của các loại hình nghệ thuật khác như: nhạc rock, nhạc cổ điển, khiêu vũ,... tránh sự nhàm chán cho người xem”.

Để có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa

Sinh năm 1962, họa sĩ Lê Thiết Cương cảm nhận được những khó khăn thời bao cấp mà anh đã trải qua và cũng cảm nhận được những áp lực sự đổi mới hội nhập đem tới cho lớp họa sĩ trẻ hiện nay.

Thời bao cấp, họa sĩ chỉ có kênh thông tin chuyên môn duy nhất là Tạp chí Mỹ thuật của Liên Xô cũ, bảo tàng trong nước chưa có tranh của những bậc thầy thế giới, không có internet và mấy ai được đi nước ngoài thì bây giờ thông tin tràn ngập, nguyên liệu làm tranh đa dạng, không loại sơn dầu tốt trên thế giới nào không có mặt tại Việt Nam.

Đó là thuận lợi nhưng cũng là thử thách đối với lớp trẻ bởi sự cạnh tranh khốc liệt của nghề nghiệp và cả trên thương trường.

Họa sĩ Lê Thiết Cương luôn sẵn lòng giúp đỡ các họa sĩ trẻ.

Mỹ thuật Việt Nam đang khởi sắc, nhiều phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được giới mộ điệu quan tâm. Đó là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Thiết Cương chỉ có người Việt mua tranh của người Việt thì mới tạo một thị trường bền vững, chứ không thể trông mong vào khách nước ngoài.

Họa sĩ cho rằng: “Đất nước đã “mở cửa” từ năm 1986, giờ mấy ai bàn chuyện đói mà người ta bàn chuyện ăn ở đâu ngon hơn? Đi xe gì đẹp hơn? Cuối tuần nghỉ ở khu resort nào? Rồi những hàng hiệu thế giới lớn đều đã có ở Việt Nam, vậy thì không có lý gì Việt Nam lại không hình thành một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, trong đó có đấu giá tác phẩm nghệ thuật.

Hiện đã có vài nhà đấu giá, đó là điều đáng mừng, song với dân số Việt Nam ít nhất phải có 20 nhà đấu giá nghệ thuật mới là con đường tất yếu của phát triển nghệ thuật”.

Nghệ thuật là một cuộc chơi xa xỉ. Muốn khuyến khích nghệ thuật trong nước phát triển, Nhà nước, nhà thờ, nhà chùa… phải là khách hàng của nghệ thuật.

Và phải có luật quy định, nếu xây một tòa nhà 10 tầng trên diện tích 500m2 thì phải có bao nhiêu phần trăm dành cho tượng, cho tranh... Đó là định hướng chính sách nằm ngoài tầm của giới họa sĩ.

Giấc mơ về một nền hội họa Việt Nam đương đại

Trước đây những phòng trưng bày tranh thường ở quanh khu vực Bờ Hồ hoặc phố cổ Hà Nội. Gallery 39 khi mới ra đời cũng ở những khu vực đó, nhưng rồi để có thể trưng bày và triển lãm với những dự án lớn, họa sĩ Lê Thiết Cương cùng cộng sự đã phải chuyển ra những địa điểm khác như: chợ Hàng Da, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội An (Quảng Nam)...

Đau đáu với hội họa và mong muốn nâng đỡ những tài năng trẻ, mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương phối hợp với Tập đoàn Vingroup thực hiện một số dự án, mà khởi đầu là triển lãm của họa sĩ Lưu Công Nhân đã mang lại kết quả khả quan.

Anh cùng Tập đoàn Vingroup còn triển khai thực hiện cuốn sách “Tổng quan lịch sử mỹ thuật Việt Nam” từ Đông Sơn đến 1.000 năm Bắc thuộc từ Lý-Trần-Lê-Nguyễn giai đoạn mỹ thuật Đông Dương cho đến ngày nay.

Chân dung họa sĩ Lê Thiết Cương.

Họa sĩ Lê Thiết Cương lãnh trách nhiệm chủ biên, và là người đặt hàng những nhà nghiên cứu mỹ thuật giỏi viết từng phần cuốn sách. “Khi tập trung viết đề cương cuốn sách này, tôi thấy không có lý gì người Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1925 mà không phải là ở các nước khác như Lào hay Campuchia là có lý do.

Sau rất nhiều năm, từ 1995 đến nay, tôi đã đi triển lãm ở tất cả các nước trong khu vực, tôi cũng tự hỏi tại sao Bảo tàng Quốc gia Singapore không sưu tầm tranh của Mianmar, Lào, Campuchia mà lại bỏ bao nhiêu tiền sưu tập hội họa Việt Nam?

Bộ sưu tập hội họa Việt Nam lớn nhất hiện đang nằm ở Bảo tàng Quốc gia Singapore. Vậy không có lý gì để không tin tưởng vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam” - họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Độc đáo “Thơ Gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương
Độc đáo “Thơ Gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương

VOV.VN - Nhân ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt công chúng một triển lãm mới nằm trong dự án nghệ thuật về thơ của anh - "Thơ Gốm".

Độc đáo “Thơ Gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương

Độc đáo “Thơ Gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương

VOV.VN - Nhân ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt công chúng một triển lãm mới nằm trong dự án nghệ thuật về thơ của anh - "Thơ Gốm".

"Mặt" triển lãm điêu khắc tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương
"Mặt" triển lãm điêu khắc tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương

VOV.VN - Sáng 26/9, họa sĩ Lê Thiết Cương cho ra mắt triển lãm điêu khắc tối giản mang tên “Mặt” tại Gallery 39 (39A Lý Quốc Sư – Hà Nội).

"Mặt" triển lãm điêu khắc tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương

"Mặt" triển lãm điêu khắc tối giản của họa sĩ Lê Thiết Cương

VOV.VN - Sáng 26/9, họa sĩ Lê Thiết Cương cho ra mắt triển lãm điêu khắc tối giản mang tên “Mặt” tại Gallery 39 (39A Lý Quốc Sư – Hà Nội).