“Đói” vốn, doanh nghiệp tư nhân khó lớn?

VOV.VN - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lãi cho vay vẫn còn cao nên các doanh nghiệp tư nhân "ngại" không muốn tiếp cận.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng (Ảnh minh họa: KT)

Không đủ vốn nuôi, doanh nghiệp khó lớn

Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân" tổ chức chiều 26/7, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, vốn là một trong những điều kiện đầu vào rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.

Ông Nguyễn Minh Phong nêu nhiều lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, cụ thể như sau:

Về mặt khách quan, bản thân doanh nghiệp có thể có vốn tự có, hơn nữa lại là doanh nghiệp hoạt động nhỏ chưa có chiến lược hoạt động dài hạn và đã tự thoả mãn với nguồn vốn của chính mình. Nhiều hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ thường thực hiện phương án này cho an toàn.

Trên thực tế, có thể lãi vay (tuy đã hạ) vẫn còn cao, vì thế doanh nghiệp ngại tiếp cận.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp không đủ điều kiện bao gồm điều kiện thế chấp, không đủ điều kiện viết dự án tốt, không tạo được lòng tin cho ngân hàng…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc trên một nửa doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng rõ ràng đang có một sự đứt quãng về nguồn lực, và điều này sẽ có rất nhiều hệ luỵ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (ảnh: KT)

Ông Phong phân tích: "Gần 80% vốn của doanh nghiệp do ngân hàng cung ứng, và trong đó thì 80% thu nhập của ngân hàng lại do nguồn tín dụng hoạt động truyền thống mang lại, nên tín dụng không tới được doanh nghiệp là ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng".

Doanh nghiệp khi thiếu vốn thì không thể lớn lên được, không thể có vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật, để tăng sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp mãi bị nhỏ, lép vế và bị thu hẹp thị phần ở ngay trên "sân nhà".

Còn đối với các ngân hàng, ông Phong cho rằng, khi không cho vay được cũng sẽ bị giảm thị phần, giảm doanh thu. Đối với xã hội, việc doanh nghiệp không lớn lên được, nền kinh tế không phát triển tốt hơn thì sẽ ảnh hưởng tới việc làm, tới nguồn thu ngân sách và tới vị thế của kinh tế quốc gia.

Ở góc độ vĩ mô, ông Phong nhận định, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% trong hệ thống doanh nghiệp. Nếu mãi như vậy thì toàn bộ nền kinh tế rất khó tái cơ cấu và sẽ giảm sức cạnh tranh...

Khơi thông nguồn vốn thế nào?

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên mà NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vốn. NHNN cũng chỉ đạo giảm lãi suất trần cho vay đối với lĩnh vực này.

Khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng của các tổ chức tín dụng với dư nợ hiện nay gần 4 triệu tỉ đồng, và hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ, ông Tần cho hay.

Từ năm 2014 tỉ lệ cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ chiếm 53%; năm 2015 tăng 62% và tính đến tháng 4/2017 là 66%; tín dụng ngân hàng có một vai trò hết sức quan trọng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, để duy trì tỉ trọng GDP của khu vực này ở mức là từ 39 đến 40%.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, một số DNTN chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng thì nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính còn chưa được kiểm toán và không công khai minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thẩm định để quyết định cho vay.

Đầu năm 2017, NHNN đã có văn bản gửi cho ngân hàng thương mại (NHTM) các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng đề nghị có các giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

NHNN yêu cầu các NHTM chủ động khảo sát nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để trực tiếp tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ông Trần Văn Tần cũng cho biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay trên cơ sở quản lý dòng tiền, bởi thực tế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì giá trị tài sản thế chấp rất ít.

Về đánh giá mức độ tín nhiệm, ông Tần khẳng định, các NHTM đã và đang làm rất tốt dựa trên các giao dịch của doanh nghiệp trong quá khứ. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BOT, BT... để phòng ngừa, ngăn chặn dòng vốn từ lĩnh vực ưu tiên chảy sang các lĩnh vực khác.

Đến nay, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt gần 1,3 triệu tỉ, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016.

Từ ngày 7/7, NHNN đã điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên để hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ vốn trong tín dụng đi vào lĩnh vực sản xuất là chính, đạt đến 80%, còn 20% là các lĩnh vực khác, gồm có cả lĩnh vực tiêu dùng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 13,67%, tín dụng với ngành công nghiệp tăng 10,34%, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đã tăng 13,12%./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo
Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

VOV.VN - Thực tế cho thấy các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước.

Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

VOV.VN - Thực tế cho thấy các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

VOV.VN - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

VOV.VN - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng.

Khó tiếp cận vốn - doanh nghiệp “tự cứu” bằng tín dụng đen
Khó tiếp cận vốn - doanh nghiệp “tự cứu” bằng tín dụng đen

VOV.VN - Để duy trì hoạt động, không ít doanh nghiệp đã phải tự tìm nguồn vốn từ thị trường tín dụng đen với mức lãi suất cao ngất ngưởng.

Khó tiếp cận vốn - doanh nghiệp “tự cứu” bằng tín dụng đen

Khó tiếp cận vốn - doanh nghiệp “tự cứu” bằng tín dụng đen

VOV.VN - Để duy trì hoạt động, không ít doanh nghiệp đã phải tự tìm nguồn vốn từ thị trường tín dụng đen với mức lãi suất cao ngất ngưởng.

Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội TPHCM khó tiếp cận vốn vay
Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội TPHCM khó tiếp cận vốn vay

VOV.VN - Đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại TPHCM khó tiếp cận vốn vay và một phần vì tâm lý thích đi thuê gần công ty làm việc hơn.

Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội TPHCM khó tiếp cận vốn vay

Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội TPHCM khó tiếp cận vốn vay

VOV.VN - Đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại TPHCM khó tiếp cận vốn vay và một phần vì tâm lý thích đi thuê gần công ty làm việc hơn.