Gìn giữ “Hộp thư bí mật” của Biệt động Sài Gòn

VOV.VN - Người con của chiến sĩ biệt động năm xưa đã bỏ tiền của mua lại ngôi nhà từng là địa chỉ đỏ, hộp thư bí mật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Những ngày tháng 4 lịch sử này, gia đình ông Trần Vũ Bình, con trai của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai đang gấp rút hoàn thành việc phục dựng căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1, TP HCM. Đây là địa chỉ đỏ, từng là hộp thư bí mật mang dấu ấn quá trình hoạt động của những chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa.

Tốp thợ đang tạo dựng lại ngôi nhà theo nguyên trạng.

Ông Trần Vũ Bình - người con của một chiến sĩ biệt động năm xưa: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, tức ông Năm Lai, hay còn gọi là Mai Hồng Quế hoặc Năm U.SOM là người dẫn đầu một đội biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập - đầu não của chính quyền Sài Gòn. Nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng hàng loạt cơ sở, hầm trú ẩn, chứa vũ khí cho lực lượng Biệt động thành để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, dưới vỏ bọc là nhà tư sản, chuyên đi trang trí nội thất, ông Năm Lai mua căn nhà 113A Đặng Dung. Sau đó ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, người thợ làm cùng ông Năm Lai quản lý.

Đây là gia đình từng nuôi giấu cán bộ hoạt động. Căn nhà có một tầng lầu, phía dưới tầng trệt bán cơm tấm. Ở dây, nhà tư sản Mai Hồng Quế đã cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây ra chiến khu và qua đường các nước bạn như: Lào, Cam-pu-chia....

Bà Đỗ Thị Hạnh, hay còn gọi là bà Hai Mão, là con ruột của ông Miển cho biết: hộp thư bí mật của ông Năm Lai rất đơn giản nhưng không bị phát hiện, vì nó nằm dưới đáy chân cây cột ở gian nhà bếp, một hộp thư  nằm cạnh nhà vệ sinh. Riêng 2 căn hầm nổi, ông Năm Lai thiết kế bên trong vách tường giữa 2 nhà. Khi đó, nếu ở trên căn gác tầng trên sẽ không thấy được khoảng vách tường rỗng giữa 2 nhà ở tầng dưới, chỉ khi nào mở được miếng ván sàn sát tường lên thì mới phát hiện ra hầm.

Ngói được chủ nhà tìm mua từ những ngôi nhà cũ.

Bà Hai Mão kể:  “Cái cửa sau đó là để lúc đang họp, lỡ có chuyện  thì ở ngoài thông báo là ở trong mở cửa sau ra ngoài đường. Nhà này có nhiều di tích của chú Năm”.

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lai lịch của ông Năm Lai bị lộ, chính quyền Sài Gòn truy nã và ông phải bỏ trốn. Vợ ông Đỗ Miễn cũng bị bắt nên ông đã lập tức tiêu hủy ngay những tài liệu do ông Năm Lai để lại. Chính vì thế mà chính quyền Mỹ - Ngụy khi lục soát căn nhà hoàn toàn không thu giữ được gì thêm. “Hộp thư bí mật” 113A Đặng Dung đã tồn tại đến tận ngày giải phóng mà chưa từng bị phát hiện.

Ông Trần Vũ Bình, một trong 6 người con của ông Năm Lai cho biết, đã mất hơn 10 năm để thực hiện việc mua lại căn nhà này và mới đây đã bắt tay vào phục dựng gần như nguyên dạng. Ông mong muốn lưu giữ 1 phần của lịch sử, để mọi người có thể tham quan, biết đến những những cống hiến thầm lặng của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Tuy nhiên, việc phục dựng kéo dài vì các trụ gỗ, thanh trần nhà ... đã bị hư hao nhiều, phải tìm kiếm khắp nơi, làm cho đúng với nguyên bản.

 

Ông đã nhờ bạn bè, người thân tìm kiếm khắp nơi các loại vật liệu xưa, rồi tham khảo các chiến hữu xưa của cha mình cùng những bậc thầy về kiến trúc thời đó để giúp thiết kế cho căn nhà đúng như năm xưa. Ông cũng đã thuyết phục được bà Hai Mão nấu cơm tấm như bố mẹ bà từng bán trước đây, làm món kim chi Đại Hàn ăn kèm để khách tham quan địa chỉ này có thể vừa uống cà phê vợt kiểu hiếm có, ngắm những hiện vật, hình ảnh xưa để nhớ về những người thợ thuyền làm nên Dinh Độc Lập và cũng là những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, từng làm cho chính quyền Sài Gòn một thời khiếp sợ.

Hộp thư bí mật của các chiến sĩ Biệt động thành vẫn còn nguyên/

Ông Trần Vũ Bình cho biết: “Cái máng xối bây giờ thợ cũng không biết làm như máng xối hồi xưa, phải làm đi làm lại. Còn viên ngói âm dương thì phải lặn lội mua từ nhà cũ người ta xây dựng lại mới mua được, mà phải dặn trước. Mất hết mấy năm nay,  hôm nay mới hình thành ra cái di tích”.

Trong cái nắng oi bức của tháng Tư, các nhóm thợ, các nghệ nhân đang tranh thủ ngày đêm để hoàn thành căn nhà và phục dựng những hộp thư bí mật. Chỉ mấy ngày nữa thôi, khách tham quan có thể hình dung được vì sao bị truy quét rốt ráo, nhưng những chiến sĩ biệt động có thể hoạt động cách mạng một cách hiệu quả, góp sức cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Ni cô Huyền Trang” của Biệt động Sài Gòn ngày ấy-bây giờ
“Ni cô Huyền Trang” của Biệt động Sài Gòn ngày ấy-bây giờ

VOV.VN - 30 năm kể từ khi Biệt động Sài Gòn công chiếu, vẻ đẹp của Ni cô Huyền Trang - NSƯT Thanh Loan giờ đã đã nhuốm màu thời gian, song vẫn vô cùng mặn mà.

“Ni cô Huyền Trang” của Biệt động Sài Gòn ngày ấy-bây giờ

“Ni cô Huyền Trang” của Biệt động Sài Gòn ngày ấy-bây giờ

VOV.VN - 30 năm kể từ khi Biệt động Sài Gòn công chiếu, vẻ đẹp của Ni cô Huyền Trang - NSƯT Thanh Loan giờ đã đã nhuốm màu thời gian, song vẫn vô cùng mặn mà.