Khám bệnh, chữa bệnh như ở Bạch Mai, Việt Đức ngay tại quê nhà

VOV.VN - Đề án bệnh viện vệ tinh đã giúp nâng cao khả năng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối. 

Từ việc 2 Bệnh viện: Việt-Đức và Bạch Mai thực hiện thí điểm thành công mạng lưới bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế đã triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 trong cả nước. Đề án đã thiết lập mạng lưới 14 bệnh viện hạt nhân là những bệnh viện trung ương có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh là những bệnh viện tuyến tỉnh thuộc 5 chuyên khoa: tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án đã giúp nâng cao hơn khả năng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh và góp phần giảm tải bệnh nhân cho bệnh viện tuyến cuối.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí - Quảng Ninh)

Bà Phạm Thị Kim Yến, 52 tuổi ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên từng bị suy tim và phải phẫu thuật năm 2001 tại bệnh viện Việt Đức. Sau một thời gian, bà bị huyết áp cao trên nền bệnh cũ nên từ năm 2012 đến nay bà đã 5 lần bị đột quỵ. Cũng thời gian này, Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) được Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao nhiều kỹ thuật mới theo Đề án bệnh viện vệ tinh nên cả 5 lần bà Yến đều được các bác sỹ ở quê nhà cứu sống kịp thời, mà không phải vượt tuyến lên bệnh viện trung ương.

Kể về quá trình điều trị bệnh của mình, bà Phạm Thị Kim Yến cho biết:  “Tôi điều trị huyết áp ở Bệnh viện Đa khoa Phố Nối theo thường kỳ, nhưng chẳng may đến 24/2 vừa qua tôi bị đột quỵ do huyết áp cao và tôi được Bệnh viện Đa khoa Phố Nối điều trị bệnh đột quỵ, đến giờ tôi đã đi làm bình thường. Gia đình của tôi cũng đã có người bị đột quỵ rồi, bố tôi bị đột quỵ 6 năm rồi và bị di chứng, không đi lại được do không điều trị kịp thời. Tôi được điều trị kịp thời như thế này là rất may mắn.”

Là bệnh viện hạng 2 và là vệ tinh tuyến tỉnh của Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên đã được chuyển giao 46 kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành. Nhờ vậy, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối đã thực hiện được một số kỹ thuật của bệnh viện hạng 1. Những kỹ thuật khó được bệnh viện thực hiện thành công thời gian gần đây là điều trị bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não bằng tiêu sợi huyết, cấp cứu ngừng tuần hoàn, giải quyết polip đường tiêu hóa qua nội soi, chạy thận nhân tạo…

Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phố Nối- Nguyễn Hữu Hoằng cho biết, từ khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên của bệnh viện đã giảm 34,6%.

“Bệnh viện Bạch Mai còn hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về công nghệ thông tin, trang bị cho chúng tôi toàn bộ hệ thống hội chẩn trực tuyến, những khó khăn gì trong chuyên môn chúng tôi giải quyết được ngay, hỏi trực tuyến các thầy qua hội chẩn rất tốt. Chúng tôi bây giờ thực hiện hội chẩn trực tuyến các bệnh nhân nặng, những ca bệnh khó, chẩn đoán hình ảnh, kết quả chiếu, chụp cũng trao đổi được qua trực tuyến, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhiều như trước nữa” – ông Hoằng cho biết.

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh trong cả nước, Bộ Y tế đã thiết lập được mạng lưới 14 bệnh viện hạt nhân tuyến trung ương để giúp 48 bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế. Từ đây, giúp người dân được khám, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, hạn chế tình trạng người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Để việc chuyển giao đạt hiệu quả cao, Đề án còn giúp các bệnh viện tuyến tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin. Hàng tuần, các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh đều tổ chức những buổi hội chẩn trực tuyến, cùng nhau đưa ra phác đồ điều trị cho những trường hợp mắc bệnh nặng, những ca bệnh khó. Nhờ những phương pháp chuyển giao kỹ thuật trực tiếp và gián tiếp cho mạng lưới bệnh vệ tinh, đến nay, nhiều cơ sở y tế như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện can thiệp tim mạch, mổ tim hở thường quy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch, cứu chữa kịp thời nhiều ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp.

Thạc sỹ Lê Văn Sỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, hiện đại với chi phí lớn, ví dụ phẫu thuật thay khớp háng toàn bộ, can thiệp tim mạch, đặt sten động mạch vành, can thiệp nút mạch điều trị khối u gan, điều trị u xơ tử cung, phẫu thuật tim hở, các kỹ thuật nội soi và kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng. Về lĩnh vực ung bướu, có xạ trị, hóa trị và đang triển khai phẫu thuật. Số lượng dịch vụ mà chúng tôi thực hiện nhiều như vậy và có những dịch vụ tương đương tuyến Trung ương là nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai chuyên ngành ung bướu do Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao và chuyên ngành tim mạch do Bệnh viện E chuyển giao”.

Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, đến nay, 14 bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao được khoảng 250 kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh. Đặc biệt, hơn 1/3 số bệnh viện vệ tinh đang có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những kết quả của Đề án Bệnh viện vệ tinh góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên một cách bền vững, đến nay đã có 2 trong số 14 bệnh viện hạt nhân là Bệnh viện Việt-Đức và Bệnh viện Nhi Trung ương không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép.

Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành y tế sẽ phát triển thêm bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh khác, tập trung vào 5 chuyên khoa tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi . Các bệnh viện tỉnh dần dần sẽ thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tương tự như các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. “Những bệnh viện này cơ sở vật chất thậm chí sẽ tốt hơn tuyến Trung ương, trang thiết bị máy móc cũng không kém tuyến Trung ương, sẽ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân không cần phải đi xa để chữa bệnh” – Bộ trưởng nói.

Cùng với các biện pháp trước mắt như kê thêm giường bệnh, mở rộng bệnh viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân, Đề án Bệnh viện Vệ tinh được xem là giải pháp lâu dài để thực mục tiêu chấm dứt tình trạng quá tải bệnh viện ở nước ta vào năm 2020./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bệnh viện Bạch Mai xây dựng 8 bệnh viện vệ tinh
Bệnh viện Bạch Mai xây dựng 8 bệnh viện vệ tinh

8 bệnh viện vệ tinh gồm: Hà Đông (Hà Nội), Đa khoa Lào Cai 2, Đa khoa Nghệ An, Đa khoa Bắc Ninh, Đa khoa Nam Định, Đa khoa Sơn La, Đa khoa Tuyên Quang và Đa khoa Phố Nối tỉnh Hưng Yên.

Bệnh viện Bạch Mai xây dựng 8 bệnh viện vệ tinh

Bệnh viện Bạch Mai xây dựng 8 bệnh viện vệ tinh

8 bệnh viện vệ tinh gồm: Hà Đông (Hà Nội), Đa khoa Lào Cai 2, Đa khoa Nghệ An, Đa khoa Bắc Ninh, Đa khoa Nam Định, Đa khoa Sơn La, Đa khoa Tuyên Quang và Đa khoa Phố Nối tỉnh Hưng Yên.

Kiểm tra vụ “bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ”
Kiểm tra vụ “bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ”

Bộ Y tế sẽ kiểm tra vấn đề liên quan đến việc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động.

Kiểm tra vụ “bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ”

Kiểm tra vụ “bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ”

Bộ Y tế sẽ kiểm tra vấn đề liên quan đến việc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động.

Triển khai đề án bệnh viện vệ tinh tại Khánh Hòa
Triển khai đề án bệnh viện vệ tinh tại Khánh Hòa

VOV.VN -Các bác sỹ bệnh viện tuyến trên sẽ đến tỉnh Khánh Hòa để làm việc và đào tạo nhân lực, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật.

Triển khai đề án bệnh viện vệ tinh tại Khánh Hòa

Triển khai đề án bệnh viện vệ tinh tại Khánh Hòa

VOV.VN -Các bác sỹ bệnh viện tuyến trên sẽ đến tỉnh Khánh Hòa để làm việc và đào tạo nhân lực, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật.