Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu: Cần giải pháp ứng phó ra sao?

VOV.VN -Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh chính sách.

Giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 12, hiện về sát 35 USD/thùng - mức giảm tương ứng 33% kể từ đầu năm. Mức giá này chỉ bằng khoảng 60% so với mức giá mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự báo cho năm 2016, đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước bị tác động mạnh.

Chỉ tính riêng trong quí IV/2015, giá dầu thô thế giới đã giảm gần 20% khiến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Việt Nam đứng trước những thách thức ngày càng lớn hơn về hụt thu so với dự báo. 

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng ba kịch bản giá dầu cho năm 2016 gồm: 70 USD, 65 USD và 60 USD/thùng. Quốc hội đã thông qua ngân sách ở mức thấp nhất là 60 USD/thùng và xây dựng dự toán thu ngân sách dựa trên mức giá này. Tuy nhiên, mức sụt giảm mạnh của giá dầu khi xuống gần 35 USD/thùng và có thể vẫn ở mức thấp trong năm 2016 sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu ngân sách trong năm tới.

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Trong trường hợp xuống 35 USD giả sử kéo dài hết 2016 thì tác động giảm thu ngân sách 33-35.000 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016 dự kiến khai thác 14 triệu tấn dầu thô, với giá Quốc hội giao 60 USD/thùng, thực tế xuống 35 USD, giảm 25 USD như vậy giảm hơn 20.000 tỷ đồng, các khoản giảm liên quan giá khí, thuế xuất nhập khẩu khoảng 15.000 tỷ đồng”.

Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 12,5–13 triệu tấn xăng dầu. Nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 35-36 USD mỗi thùng như hiện nay thì sẽ tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD chi phí nhập khẩu xăng dầu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm kéo theo giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất giảm. Tình hình kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, khoản thu thuế từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, cũng là tín hiệu tốt đối với thu ngân sách nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến nghị, cần có giải pháp tạo nguồn thu, thay vì trông chờ vào nguồn thu từ dầu thô hoặc tăng các khoản thuế phí để bù đắp. “Trong bối cảnh nguồn thu dầu thô giảm, vấn đề quan trọng là khuyến khích tạo điều kiện sản xuất phát triển. Tránh hiện tượng là do thất thu từ nguồn thu này, lại dùng biện pháp tăng nguồn thu khác, mà tăng thuế phí thì tác động đến sản xuất. Muốn thu tốt thì phải tạo ra nguồn thu. Với nguồn thu  hiện nay từ dầu thô chỉ chiếm 6-7% không lớn lắm, nếu khuyến khích sản xuất phát triển với lợi thế giá xăng dầu giảm kéo theo một loạt sản phẩm khác giảm, sức mua tăng, thúc đẩy tăng trưởng tăng là nguồn thu quan trọng,” ông Long nói.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cho biết, đã tính toán các phương án cụ thể. Theo đó, không chỉ đưa ra kịch bản giá dầu ở mức 60 USD/thùng mà còn tính toán cả phương án thấp hơn 50 USD/thùng, 40 USD/thùng, thậm chí có phương án chỉ 30 USD/thùng. Đồng thời, xác định các giải pháp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp hơn nhiều so với dự toán.

Theo đó, để bù đắp hụt thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh thu đòi nợ thuế (ước tính khoảng 76.000 tỷ đồng, trong đó số doanh nghiệp chây ì chiếm gần một nửa). Ngoài ra, sẽ tập trung cho các cuộc thanh tra chống chuyển giá, chống thất thu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, giải pháp để đảm bảo cân đối thu 2016, đến giờ phút này theo tính toán của Bộ Tài chính vẫn đảm bảo cân đối ngân sách của 2016. Bởi vì phải thấy được tác động tích cực của nền kinh tế đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,5-6,7 %. Theo Thứ trưởng, phải làm tốt công tác xử lý nợ đọng, thanh tra kiểm tra chống chuyển giá, đồng thời phải tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng này để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước 2016.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thế giới để điều chỉnh chính sách cũng như có những biện pháp kịp thời như giảm giá xăng dầu để thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng, cải cách hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu, bù đắp phần suy giảm do tác động của giá dầu thế giới giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giá dầu xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại dư nguồn cung
Giá dầu xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại dư nguồn cung

VOV.VN -Giá dầu thế giới giảm tới mức thấp kỷ lục 7 năm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ kéo dài.

Giá dầu xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại dư nguồn cung

Giá dầu xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại dư nguồn cung

VOV.VN -Giá dầu thế giới giảm tới mức thấp kỷ lục 7 năm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ kéo dài.

Thỏa thuận COP 21 tác động lớn đến thị trường dầu thế giới
Thỏa thuận COP 21 tác động lớn đến thị trường dầu thế giới

VOV.VN - Trang tin Marketwatch nhận định, thỏa thuận biến đổi khí hậu COP 21 tại Paris tạo sức ép đối với nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.

Thỏa thuận COP 21 tác động lớn đến thị trường dầu thế giới

Thỏa thuận COP 21 tác động lớn đến thị trường dầu thế giới

VOV.VN - Trang tin Marketwatch nhận định, thỏa thuận biến đổi khí hậu COP 21 tại Paris tạo sức ép đối với nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.