Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Quá tham vọng!

VOV.VN - GS.TSKH Ngô Việt Trung: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quá tham vọng!

GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên viện trưởng Viện Toán học, đã nhận xét thẳng thắn như vậy đối với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố tại hội thảo góp ý cho dự thảo này ngày 13/4.

Một tiết học ôn môn văn sôi động của học sinh lớp 12A13 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) theo phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo do Viện Khoa học giáo dục tổ chức cũng đã có nhiều phản biện, góp ý với dự thảo nói trên.

Có nên đặt ra yêu cầu về “phẩm chất”?

Trong dự thảo vừa công bố đưa ra chân dung người học sinh mới gồm 10 năng lực cốt lõi và 6 phẩm chất.

GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết nhiều nước không đặt ra yêu cầu “phẩm chất”, mà chỉ có yêu cầu về “năng lực” cần đạt khi xây dựng chương trình giáo dục. Nhưng theo tinh thần nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì chương trình giáo dục mới phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực và phẩm chất.

Tuy nhiên tại hội thảo trên, nhiều ý kiến lại cho rằng không nên “tách phẩm chất ra khỏi năng lực”. GS.TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, cho rằng chỉ nên đặt ra yêu cầu giáo dục để hình thành, phát triển năng lực. Vì có năng lực thực hiện tốt công việc, thông qua năng lực để giải quyết các vấn đề xã hội, chứng tỏ là con người có học thức, có hiểu biết, từ đó sẽ hình thành các phẩm chất. Chứ đặt ra các phẩm chất để giáo dục thì có vẻ... siêu hình quá!

Chia sẻ bên lề hội thảo, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trẻ cũng cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phát triển không đặt ra việc giáo dục phẩm chất con người. Phẩm chất phải thông qua quá trình hình thành năng lực, chuyển biến về nhận thức, chứ không tự nhiên mà học được”, “Một vài nước cũng đặt ra các yêu cầu trong việc hướng học sinh đến những giá trị, nhưng không làm như chúng ta. Chúng ta đưa ra những phẩm chất, vốn là thứ nằm bên trong mỗi con người, thì đúng là thách đố giáo viên. Nếu có áp dụng cũng dẫn tới hình thức, đối phó”...

Trao đổi ở khía cạnh khác, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên chuyên gia giáo dục của Bộ GD-ĐT) nhận xét: “Ở dự thảo trước đưa ra 8 phẩm chất (nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm), còn dự thảo này lại đưa ra 6 phẩm chất khác (yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm).

Điều này khiến chúng tôi có cảm giác dự thảo không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng trong việc xác định các phẩm chất, mà chỉ điều chỉnh theo ý kiến góp ý”.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng cách ban soạn thảo chia nhỏ các phẩm chất đối với học sinh từng cấp học không hợp lý: “Dự thảo ghi phẩm chất của học sinh cấp tiểu học là yêu thiên nhiên, yêu quê hương, tự hào về quê hương, kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với đất nước... Tôi thấy những phẩm chất này thì học sinh cấp nào cũng nên có, không nhất thiết chỉ học sinh tiểu học”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Phương, phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, góp ý: “Khi xem thứ tự môn học trong hệ thống môn học mà dự thảo đưa ra, tôi hơi giật mình khi các môn giáo dục an ninh, quốc phòng được đặt lên trước một số môn khác. Điều này khiến tôi có cảm giác chúng ta dạy học sinh... hiếu chiến quá!”.

Bà Phương nêu quan điểm ở các nước chú trọng ưu tiên dạy học sinh những môn văn hóa. Giáo dục an ninh, quốc phòng cũng cần, nhưng không nên đặt ưu tiên hơn các môn học khác.

Có ý kiến tương tự, GS Ngô Việt Trung cho rằng định hướng chương trình đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý. Cũng theo GS Trung, ở bậc tiểu học chỉ nên dạy học sinh những thứ sơ đẳng, chứ như dự thảo thì ôm đồm quá.

“Trẻ ở tiểu học chỉ nên dạy đừng viết sai tiếng Việt, biết tính toán đơn giản, biết một số kỹ năng cần thiết là đủ... Đưa vào đó nhiều mục tiêu quá” - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Mặc dù GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định việc hướng nghiệp đã được chú trọng hơn nhiều ở dự thảo chương trình lần này, nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo vẫn cho rằng yêu cầu về hướng nghiệp không rõ.

Theo TS Lê Đông Phương - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, quan điểm mới về hướng nghiệp chưa rõ bóng dáng ở dự thảo lần này. Ông Phương cho rằng phải chuẩn bị cho học sinh có định hướng đi theo các nhánh khác nhau, ngay từ bậc THCS.

“Trong dự thảo này, tôi có cảm giác học sinh sẽ vẫn chỉ lao theo một hướng” - TS Phương nhận xét.

“Có ba sự lựa chọn cho học sinh học xong chương trình THCS. Thứ nhất là học các trường nghề, thứ hai là học tiếp THPT và thứ ba là gia nhập thị trường lao động. Nếu dự thảo chương trình lần này không làm rõ được việc phân nhánh đó thì là một thiếu sót” - ông Bùi Gia Thịnh (Viện Khoa học giáo dục VN) góp ý./.

Vì sao không nhập khẩu chương trình?

Tại hội thảo, GS Ngô Việt Trung đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không tiết kiệm, nhập khẩu chương trình của một số nước có nền văn hóa gần với Việt Nam?”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời: “Có thể nhập khẩu sách giáo khoa, ví dụ như sách ngoại ngữ, nhưng nhập khẩu chương trình thì khó. Vì chương trình của họ thay đổi 5-10 năm/lần, khi đó mình cũng phải thay đổi theo và sách giáo khoa cũng phải thay đổi”.

 

Không nên áp dụng rộng rãi toàn quốc

Khi dự giờ học vật lý ở một trường miền núi, tôi thấy chỉ riêng việc giải thích khái niệm về “lực”, giáo viên phải mất 10 phút để nói bằng 5 thứ tiếng do nơi đây có nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

Thực tế như vậy thì đưa vào chương trình quá nhiều mục tiêu thế này, tôi e khó có thể thành công. Nếu có thực hiện được cũng không nên áp dụng rộng rãi toàn quốc.

Ông Bùi Gia Thịnh (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lý tưởng nhưng khó khả thi
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lý tưởng nhưng khó khả thi

VOV.VN -Không ít người vẫn hoài nghi về tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đổi mới.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lý tưởng nhưng khó khả thi

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Lý tưởng nhưng khó khả thi

VOV.VN -Không ít người vẫn hoài nghi về tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đổi mới.

Hôm nay, công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Hôm nay, công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là là ở cấp THPT). 

Hôm nay, công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Hôm nay, công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là là ở cấp THPT). 

Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể sẽ thất bại nếu không chọn lọc được những ngành nghề nào xã hội đang cần để giảng dạy.

Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể sẽ thất bại nếu không chọn lọc được những ngành nghề nào xã hội đang cần để giảng dạy.